Người Đưa Tin: Giovanni là một thương hiệu thời trang ở phân hiệu cao cấp tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại có thể coi là thành công. Ông có thể cho biết lấy ý tưởng từ đâu mà ông quyết định mở Giovanni?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Còn nhớ khi đó, tôi ngồi nói chuyện với một người em và bày tỏ mong muốn làm một thương hiệu thời trang phong cách Ý. Sau đó, cậu em đó có gửi cho tôi khoảng 100 cái tên các cầu thủ bóng đá của Ý có tên đuôi i, đến cái tên Giovanni thì tôi thấy ấn tượng và tôi đã quyết định lấy cái tên này.
Giovanni là một họ rất nổi tiếng của Ý nên không cho bảo hộ thương hiệu với tên này, còn ở Việt Nam thì bảo hộ được. Sau đó tôi đã đi đăng ký bảo hộ và lấy tên này làm thương hiệu.
Người Đưa Tin: Những bước đi đầu tiên của Giovanni trên hành trình của mình có gặp trở ngại gì không, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Thời điểm đó ở Việt Nam, làm phân khúc cao cấp không khác gì đi lên trời cả. Thứ nhất là mình không có kinh nghiệm và chiến lược phát triển thương hiệu; Thứ hai là ở Việt Nam không có nguồn sản xuất, và Việt Nam khi đó cũng nằm trong Top 3 về xuất khẩu may mặc, dệt may rồi nhưng không có công ty nào sản xuất hàng cao cấp mà chỉ sản xuất những hàng bình dân bán ở siêu thị, chợ… Không có một thương hiệu thế giới nào vào Việt Nam sản xuất nên mình không biết bắt đầu từ đâu.
Những người làm thương hiệu khi đó thường sang Trung Quốc, làm từ khâu đặt may đến sản xuất nhưng thị trường Trung Quốc quá bao la rộng lớn nên mình không biết ở đâu là tốt cả. Còn tôi sang Thái tìm đến tập đoàn lớn nhất của Thái, họ sở hữu gần 30 thương hiệu quốc tế, mua bản quyền và sản xuất khu vực Đông Nam Á.
Lần đầu tiên hợp tác, họ thiết kế và gửi mẫu sang gồm 30 chiếc áo sơ mi có logo chữ G. Mở gói hàng ra, tôi đã mừng phát khóc khi nhìn thấy đứa con tinh thần của mình.
Khi đó, tôi đang có mấy cửa hàng ở Vincom Bà Triệu bán rất nhiều thương hiệu, có cả thương hiệu Thái Lan. Lô hàng đầu tiên tôi đặt khoảng 5.000 áo sơ mi với phân khúc cao cấp nhất và bán được hết lô hàng đó.
Lô hàng đầu tiên coi như là bước khởi đầu mỹ mãn. Nhưng, công ty đó chỉ chuyên sản xuất quần âu vào áo sơ mi chứ không sản xuất những mặt hàng khác nên tôi lại bắt đầu tìm những công ty uy tín để sản xuất các mặt hàng khác như áo Polo, giày, tất, túi, thắt lưng… 7 năm sau tôi mới tìm được công ty ưng í chuyên sản xuất phân khúc cao cấp cho các thương hiệu ở châu Âu, đồ da thì lại phải sang Ý để sản xuất.
Vậy là coi như mất gần 10 năm để hoàn thiện được 6 dòng sản phẩm của 200-250 nhà cung cấp toàn bộ các dòng sản phẩm của Giovani như bây giờ.
Sau đó tôi về Việt Nam mở nhà máy riêng khoảng 400 công nhân, mời chuyên gia của bên Ý về đây tuyển dụng lao động. Mô hình của Giovanni là thuê giám đốc sáng tạo ở nước ngoài, thuê thiết kế nước ngoài, thuê những cơ sở có phụ liệu tốt nhất để làm thương hiệu của mình.
Người Đưa Tin: Việc đóng cửa các cửa hàng thời trang trong giai đoạn giãn cách do đại dịch đã có tác động rất lớn đến giá trị của công ty, vốn doanh thu lớn đến từ việc mua sắm tại cửa hàng. Đồng thời thói quen mua sắm đã bị thay đổi khi mọi người đã mua sắm online trong một thời gian dài. Vậy đâu là lời khuyên dành cho người tiêu dùng khi tìm hiểu và mua sắm những mặt hàng cao cấp, đắt đỏ này khi mua hàng online?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Mua sắm sản phẩm cao cấp qua hình thức online rất khó. Trước đại dịch, đây là một hình thức gần như rất ít khi xảy ra bởi với giá trị sản phẩm lớn, người tiêu dùng có xu hướng tới cửa hàng trực tiếp để có thể lựa chọn cẩn trọng sản phẩm mình muốn mua. Trong thời gian đại dịch, với những hạn chế về đi lại, người tiêu dùng gần như “chấp nhận” mua sắm online sản phẩm cao cấp như một biện pháp tình thế.
Tuy nhiên, họ có xu hướng lựa chọn những thương hiệu và nhóm sản phẩm mà bản thân đã từng mua, từng biết, từng có trải nghiệm trước đó. Các hãng trong thời gian này cũng phải đưa ra nhiều chính sách hậu mãi như cho phép đổi trả miễn phí để khuyến khích khách hàng tự tin mua sắm trực tuyến.
Giờ đây, khi đại dịch kết thúc, thói quen mua sắm sản phẩm cao cấp, xa xỉ tại cửa hàng nhanh chóng quay trở lại cùng với một thói quen mới là mua sắm trực tuyến đã được “luyện tập” trong hơn 2 năm đại dịch qua. Dù vậy, so với những trải nghiệm mà mua sắm trực tiếp tại cửa hàng như những cuộc trò chuyện, tư vấn trực tiếp với nhân viên bán hàng, được chăm sóc như những khách hàng VIP tại cửa hàng, được thỏa sức cảm nhận chất liệu, thử sản phẩm… thì mua sắm online chỉ thực sự hữu ích bởi sự thuận tiện cho những ai đã quá hiểu về sản phẩm và thương hiệu mà họ muốn mua, cùng với sự eo hẹp về thời gian mà thôi.
Nếu để đưa ra lời khuyên cho những người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, thiết nghĩ, khách hàng nên tìm hiểu rất kỹ những gì mình muốn mua thông qua việc trao đổi với người bán, tìm hiểu những đánh giá, review của những người từng sử dụng để có được những tin thông hữu ích trước khi mua. Khách hàng nên lựa chọn những thương hiệu uy tín để mua sắm, dù mức giá chắc chắn cao hơn lời quảng cáo của những cá nhân, bởi việc sửa chữa, bảo hành thuộc trách nhiệm của hãng, của thương hiệu cung cấp cho khách hàng.
Mua sản phẩm đắt tiền giống như một khoản đầu tư. Bạn bỏ ra một lượng tiền rất lớn ban đầu, nhưng nhờ chất lượng sản phẩm cao, khách hàng sẽ có thời gian sử dụng lâu dài và bền bỉ. Vì thế ông Henry Royce, người sáng lập hãng xe Rolls Royce đã nói rằng: “Chất lượng (sản phẩm) là thứ tồn tại lâu dài sau khi người tiêu dùng đã quên mất mức giá”.
Người Đưa Tin: Mặc dù đối với nhiều thị trường, dường như đã vượt qua cái bóng của đại dịch, tuy nhiên hơn 2 năm đóng cửa đã để lại những ảnh hưởng tiêu cực. Những thương hiệu xa xỉ đang xoay chuyển như thế nào trong thế giới nhiều hỗn loạn nhưng cũng chứa đầy cơ hội như hiện nay?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Sau đại dịch, chúng ta tiếp tục gặp phải những khó khăn mới như: chiến sự tại Ukraine, xăng dầu tăng giá, biến động tỉ giá hối đoái, lạm phát tại những quốc gia Âu Mỹ… tất cả đều ảnh hưởng tiêu cực tới ngành xa xỉ phẩm.Các thị trường bán xa xỉ phẩm như Pháp, Ý, Thụy Sỹ, Anh... chịu mức suy giảm đáng kể do mất đi lượng khách hàng mua sắm đến từ Trung Quốc trong 2 năm qua. Tuy nhiên, so với bối cảnh năm 2020, khi đại dịch bùng phát làm ngành xa xỉ toàn cầu sụt giảm 61 tỷ euro, thì bối cảnh hiện tại được xem là ít bi đát hơn rất nhiều. Những báo cáo về thị trường xa xỉ do Bain & Company - một công ty nghiên cứu, tư vấn nổi tiếng thế giới đã ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục của thị trường xa xỉ vào năm 2021, khi Covid-19 đang trong giai đoạn bùng phát nặng nề. Người ta gọi sự phục hồi này của ngành xa xỉ là “cú bật hình chữ V”, bởi năm 2019, doanh số toàn cầu của ngành xa xỉ phẩm là 281 tỷ euro, năm 2020 bị sụt giảm còn 220 tỷ euro nhưng năm 2021 đã bứt phá đạt 288 tỷ euro. Năm 2022 chưa kết thúc nhưng chỉ riêng quý đầu năm nay, thị trường xa xỉ đã ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn 17 đến 19% so với cùng kì 2021.
Ngành xa xỉ phẩm là một ngành kinh tế đặc biệt. Thị trường xa xỉ là một thế giới khác biệt với những quy luật thông thường với những đặc trưng riêng về hành vi, văn hóa. Vì thế, chúng ta rất khó đoán định được điều gì, nhưng chắc chắn rằng, ngành này đang phát triển rất mạnh sau đại dịch, ước tính đến năm 2025, quy mô tiêu thụ toàn cầu đạt tới 360 đến 380 tỷ euro, với những ngành hàng về thời trang, phụ kiện; trang sức, đồng hồ; siêu xe, du thuyền; bất động sản và du lịch.
Người Đưa Tin: Đối với những thương hiệu như Giovanni, ông quan tâm nhiều nhất đến lợi nhuận hay thương hiệu?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Trong thị trường cao cấp, xa xỉ, thương hiệu và lợi nhuận rất khó tách bạch đâu là nguyên nhân, đâu là hệ quả. Có một triết lý của ngành này nói rằng: Mức giá cao không làm nên sự xa xỉ, mà xa xỉ làm nên mức giá cao. Nói cách khác, mức giá cao là biểu hiện dễ nhận thấy nhất, là đỉnh của tảng băng chìm xa xỉ phẩm mà những người thông thường dễ lầm tưởng một sản phẩm có mức giá cao thì đó là sản phẩm cao cấp, xa xỉ.
Một thương hiệu cao cấp, xa xỉ luôn cần xây dựng, duy trì và phát triển một thương hiệu mạnh. Thương hiệu, nó không phải và không chỉ là cái nhãn hiệu. Thương hiệu là bao hàm cả sản phẩm, thiết kế, sáng tạo, chất lượng, hệ thống phân phối, chính sách hậu mãi, câu chuyện truyền thông, là hình ảnh người nhân viên bán hàng, là đôi găng tay nâng niu sản phẩm giới thiệu cho khách hàng… Khách hàng bỏ một số tiền cao hơn 10, 20 lần cho một sản phẩm thông thường trên thị trường để tận hưởng một sản phẩm có chất lượng rất cao, đẹp hơn, bền hơn những sản phẩm khác. Họ chi trả cho những trải nghiệm mua sắm vô cùng cao cấp mỗi khi tới cửa hàng. Khách hàng bỏ tiền ra để mua một sản phẩm, nhưng đó là sự hội tụ của những gì tinh túy nhất trên chuỗi cung ứng toàn cầu mà thương hiệu đã tốn hàng chục năng xây dựng và hoàn thiện.
Vì vậy, với tôi, thương hiệu rất quan trọng! Vì, nó là cơ sở để tạo ra doanh thu, lợi nhuận. Và, lợi nhuận rất quan trọng! Vì, nó là thứ tiếp tục nuôi dưỡng thương hiệu, để thương hiệu phát triển, sáng tạo, phục vụ khách hàng.
Người Đưa Tin: Khi các thương hiệu quốc tế mở rộng chiến lược của mình đến Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan thường là ưu tiên hàng đầu, sau đó là Malaysia và Indonesia. Thế nhưng giờ đây Việt Nam không nên được xem là thị trường sau cùng nữa khi nhiều chuyên gia trong ngành tại Việt Nam đã nhìn thấy được nhu cầu ngày càng tăng cao cho hàng hoá cao cấp. Nói theo một cách khác, đây sẽ là miếng bánh lớn nơi những đối thủ vẫn chưa thật sự khai thác hết tiềm năng của thị trường xa xỉ này. Hướng đi nào cho Giovanni trong thời gian sắp tới tại thị trường Việt Nam, ông có thể chia sẻ được không?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Thị trường xa xỉ của Việt Nam, cũng như những thị trường mới nổi của vùng châu Á Thái Bình Dương khác, đều có những giai đoạn phát triển. Nếu thị trường Singapore, Thái Lan đã đi vào giai đoạn ổn định, thì Việt Nam hiện là giai đoạn đầu của phát triển mà thôi. Những trung tâm thương mại dành riêng cho xa xỉ phẩm, những dãy phố hàng hiệu đang dần được hình thành trong những năm trở lại đây cộng với sự gia nhập thị trường của các thương hiệu xa xỉ thông qua những công ty phân phối là những chỉ dấu rõ ràng nhất của điều này.
Việt Nam là một nước có nền văn hóa cởi mở. Tuy nhiên, những thương hiệu xa xỉ toàn cầu vẫn sẽ gặp khó khăn để chinh phục những thị trường có sự đa dạng văn hóa vùng miền như Việt Nam. Sự đa dạng văn hóa đó tạo nên đa dạng về phong cách tiêu dùng, phong cách sống, khiến cho những chuẩn mực áp dụng toàn cầu của các thương hiệu cao cấp, xa xỉ quốc tế khó lòng nắm bắt, và họ cũng đang không và chưa có nhu cầu nắm bắt để đáp ứng.
Đây là cơ hội cho những thương hiệu cao cấp của người Việt như Giovanni. Với hệ thống cung ứng tương đồng với những thương hiệu hạng sang, Giovanni vẫn cung ứng những sản phẩm cao cấp có chất lượng tương đương, thậm chí vượt trội hơn so với những sản phẩm tương tự cùng phân khúc từ các nhà mốt quốc tế, cộng với sự tinh chỉnh phù hợp với phong cách, văn hóa, khí hậu Việt Nam, sẽ tạo ra sự hoàn hảo cho khách hàng.
Hơn nữa, Giovanni có những chiến lược riêng, những triết lý riêng cho tương lai, mà trong đó, sản phẩm của Giovanni sẽ tạo ra sự khác biệt nhờ công nghệ hiện đại được áp dụng vào sản phẩm và trải nghiệm mua sắm, chắc chắn sẽ tạo ra sự đột phá trên thị trường, để khách hàng cao cấp được hưởng những điều tuyệt vời nhất khi họ mua sắm. Xin thị trường hãy đón chờ!
Người Đưa Tin: Xin cảm ơn ông!