Những cái tên gắn với niềm tự hào...
Năm 2013, khi thông tin ông Phạm Nhật Vượng được Forbes công nhận tỷ phú với tổng tài sản 1,5 tỷ USD, dư luận Việt bắt đầu xôn xao và ngỡ ngàng. Đó là lần đầu tiên, một cái tên Việt Nam được vinh danh trong danh sách tỷ phú trên thế giới. Đó là lần đầu tiên, người ta bắt đầu hướng ánh mắt đầy ngưỡng mộ tới vị doanh nhân - người đứng đằng sau những công trình đình đám mang thương hiệu “Vingroup”. Và đó dường như là thời điểm xác lập một sự khởi đầu đầy rực rỡ về vai trò, vị thế của giới doanh nhân Việt.
Bảy năm liên tiếp sau đó, ông Vượng luôn có mặt trong danh sách của Forbes và dẫn đầu trong danh sách tỷ phú của Việt Nam.
Năm 2017, trong bảng danh sách tỷ phú thế giới, The Forbes đã tiếp tục xướng danh người Việt Nam khác, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO của Vietjet Air. Trong bài báo của mình, Forbes đã giới thiệu về bà Thảo là người phụ nữ duy nhất khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không lớn hàng đầu Việt Nam. “Người phụ nữ ấy đã làm lên lịch sử”.
Thành công trong vai trò một nữ doanh nhân, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn đã giúp bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam, giàu có nhất khu vực Đông Nam Á với giá trị tài sản ròng lên tới 2,5 tỷ USD. Và một lần nữa, hình ảnh doanh nhân Việt đã bắt đầu hiện diện đầy tự hào trong suy nghĩ, nhìn nhận của xã hội.
Đến nay, danh sách tỷ phú của Việt Nam không chỉ dừng lại ở con số hai, khi ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco liên tục được xướng danh 2 lần và mới đây ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group trở thành “tân binh” trong bảng xếp hạng. Xã hội đã bắt đầu nhắc đến những doanh nhân tỷ phú như một niềm tự hào đầy ngưỡng mộ và kính trọng.
Ngoài danh sách tỷ phú, không ít doanh nhân Việt cũng đã được thế giới vinh danh đầy tự hào. Mới đây nhất, “người đàn bà sữa tươi” Thái Hương đã nhận giải thưởng Nữ doanh nhân quyền lực ASEAN.
Trước đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã được Tạp chí National Geographic Traveller gọi là “Vua cà phê” và The Forbes đã viết về câu chuyện của doanh nhân “zero to hero”.
Sự ghi nhận đó là minh chứng rõ nét nhất cho cuộc hành trình xác lập vị thế của giới doanh nhân Việt.
Mẫu số chung của họ là cuộc bứt lên từ con số 0, đến xây dựng một “đế chế” doanh nghiệp đa ngành. Tất nhiên, kết quả của hành trình tự thân đó là sự đổi thay đáng kể trong từng lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Còn hình ảnh của mảnh đất hình chữ S đã hiện diện trên bản đồ kinh tế thế giới nhiều hơn.
... luôn đi cùng khát vọng dân tộc
Có một sự thật chẳng thể chối bỏ, những câu chuyện về doanh nhân Việt tự khi nào đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho thế hệ trẻ của đất nước - những người đang muốn tiếp bước khát vọng doanh nghiệp Việt xứng tầm thế giới, mang hình ảnh đất nước hình chữ S sánh vai cùng năm châu.
Và cũng có một niềm tự hào chẳng thể phủ nhận khi thế hệ doanh nhân Việt Nam bước qua giai đoạn Đổi mới luôn mang trong mình một khát vọng dân tộc lớn.
Hơn 30 năm trước, Việt Nam đang xoay chuyển từ một nước có nền kinh tế tập trung quan liêu, khép kín sang Đổi mới. Hơn 30 năm trước, đã có một thế hệ doanh nhân từng được mặc định là “tội đồ” của nền kinh tế, từng “mờ nhạt” trong vị thế của xã hội.
Cuộc Đổi mới đã trải ra một không gian mới, rộng lớn cho các doanh nhân Việt tự tin căng thuyền ra biển lớn. Thế nhưng, con đường đó chưa bao giờ là chặng bước hoa hồng bởi sóng gió, dông bão ngày một lớn khi hệ thống pháp luật ban đầu còn sơ khai, sự chưa hoàn thiện của hệ thống hành chính, sự rắc rối của các thiết kế quản lý kinh tế đã khiến các doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân Việt gặp muôn vàn khó khăn.
Bước qua quãng đường đó, nhìn lại ở vị trí hiện tại, các doanh nhân Việt Nam dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã tạc thành công hình ảnh rõ nét của mình trong xã hội.
Câu chuyện "mãi mãi tinh thần khởi nghiệp" của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn là bài học lớn cho thế hệ trẻ. Là một người đã rất thành công trong bài toán kinh doanh ở Đông Âu, song, ông đã trở về Việt Nam, dành tất cả tâm huyết, tiền bạc để gây dựng thương hiệu gắn liền với 3 chữ “Vin”, từ bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng đến lấn sân sang lĩnh vực công nghiệp với ô tô Vinfast và mới đây là lĩnh vực công nghệ (Vintech) và hàng không (Vinair).
Trong tâm khảm của vị doanh nhân này, làm đẹp cho đời đã trở thành mục tiêu, triết lý không thể rời xa. “Mục tiêu của tôi là làm đẹp cho đời. Không quan trọng mình có bao nhiêu tài sản, mà quan trọng là làm sao cho đẹp, góp phần thay đổi bộ mặt đất nước mình một chút. Dĩ nhiên trong chiến lược ấy là thêm lợi nhuận để có thể tiếp tục xây dựng. Cho nên bất kỳ bất động sản nào được giá tốt là mình bán ngay, để có tiền xây cái khác”, ông Vượng chia sẻ trong một cuộc trò chuyện với báo chí.
Hoài bão của ông không dừng lại ở đó, bởi hiện tại và tương lai, Vingroup sẽ còn tiên phong ra nước ngoài với lời khẳng định chắc nịch của vị tỷ phú: “Ra nước ngoài để cắm cờ, khẳng định sự có mặt Vin ở thị trường các nước trong thời toàn cầu hóa”.
Nhắc về cái tên Phạm Nhật Vượng và chiến lược phủ lấp thương hiệu của Vingroup trong mọi lĩnh vực, TS. Lê Xuân Nghĩa đã từng nhận định rằng: “Có vẻ như đây là một hoài bão lớn”. Vị chuyên gia kinh tế đã dành rất nhiều lời khen cho ông Vượng: “Đó cũng là một người rất dũng cảm mới dám làm. Khi lòng dũng cảm cộng với hoài bão lớn thì ông Phạm Nhật Vượng không sợ đâu”.
Bên cạnh tinh thần khởi nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng, câu chuyện của “người đàn bà sữa tươi” Thái Hương cũng luôn là nguồn cảm hứng cho giới doanh nhân và thế hệ trẻ. Người phụ nữ ấy đã tạo nên một kỳ tích, một cuộc cách mạng đầy thành công trong nông nghiệp nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cũng chính người phụ nữ đó, trong không ít các diễn đàn, luôn nhấn mạnh tới khát khao được cống hiến, góp phần vào xây dựng Việt Nam hùng cường, sánh ngang với các cường quốc năm châu.
Nhắc đến giới doanh nhân, niềm tự hào đâu chỉ dừng lại ở những tỷ phú hay người phụ nữ đầy quyền lực được thế giới vinh danh mà còn là hình ảnh của các doanh nhân nuôi dưỡng khát khao đổi thay vì một Việt Nam tươi đẹp.
Còn nhớ câu chuyện của vị “chúa đảo” Tuần Châu, ông Đào Hồng Tuyển, người tiên phong trong công cuộc “dời non lấp bể”. Hơn 20 năm, đã có lúc bước vào giai đoạn khó khăn nhất song, với một tinh thần khởi nghiệp, vì một Quảng Ninh thu hút du khách, ông Tuyển đã thành công khai sinh ra mô hình du lịch Tuần Châu, xây dựng con đường từ đất liền tới đảo. "Nghĩ khác - làm khác" là cách mà vị doanh nhân này đã lấy làm kim chỉ nam để hiện thực hóa giấc mơ trong du lịch của mình.
Giờ đây, ở Việt Nam, người ta đã nhắc về những doanh nhân đó với giọng rất đỗi tự hào. Song bên cạnh đó vẫn có sự hoài nghi về “sức mạnh thần kỳ” hay “bàn tay nâng đỡ” nào đã rút ngắn con đường giàu có và thành công trở nên dễ dàng hơn. Chia sẻ thắng thắn về điều này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã cho rằng, sự thành công của không ít doanh nhân đi qua thời kỳ Đổi mới đến từ năng lực kinh doanh thực sự chứ không đơn thuần là “chộp giật” và “đánh quả”.
Ông nói: “Trong số này, Phạm Nhật Vượng, Trương Gia Bình, Trần Bá Dương, Nguyễn Thị Phương Thảo hay Thái Hương, cùng nhiều người khác là những nhân vật như vậy. Họ là những người có tầm nhìn, biết tận dụng lợi thế chuyển đổi, có khát vọng và biết tổ chức làm ăn lớn. Vì thế, họ giàu nhanh và tiếp tục tiến lên”.
Người lính tiên phong
Nhìn lại một chặng đường mà các doanh nhân Việt đã đi qua và khẳng định vị thế, mới thấy đó là cuộc hành trình của những bước chân đầy mạnh mẽ, quyết đoán và kiên trì, vượt lên trên mọi nghịch cảnh, mang cả niềm kiêu hãnh của dân tộc.
Đúng như lời nhận định của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Doanh nhân là người lính tiên phong trên mặt trận xóa đói giảm nghèo. Nước Việt Nam có trở nên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc hay không, trước hết là nhờ sự tinh nhuệ của lượng lượng tiên phong này”.
Trên rất nhiều diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bao lần khẳng định: Hơn 30 năm qua, không ai khác, chính giới doanh nhân và doanh nghiệp ngoài quốc doanh là lực lượng cống hiến to lớn nhất cho công cuộc đổi mới của đất nước.
Theo reatimes.vn