Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

20 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới năm 2020 - Họ là ai?

DTVN 14:02 15/04/2020

Dù cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới rớt giá thê thảm trong tháng 3 vì Covid-19, các nhà sáng lập của những 'ông lớn này' vẫn đứng rất cao trong danh sách các tỷ phú công nghệ

Không chỉ chiếm trọn các mặt báo khắp nơi trên thế giới trong phần lớn thời gian của tháng 3, đại dịch Covid-19 còn khiến nhiều thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến đà sụt giảm nghiêm trọng. Ước tính, đà sụt giảm của cổ phiếu đã làm 'bốc hơi' hơn 50% tài sản của các tỷ phú công nghệ có tên trong danh sách dưới đây của Forbes.

Theo đó, tổng tài sản của 20 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới năm nay vào khoảng 740 tỷ USD, giảm 18 tỷ USD so với năm 2019. Dẫu vậy, thứ bậc của danh sách này vẫn không có nhiều thay đổi so với năm 2019, khi các tỷ phú đằng sau những 'gã khổng lồ công nghệ' với quy mô lớn nhất thế giới tiếp tục thống trị bảng xếp hạng. Đồng thời, 9 trong số 20 tỷ phú giàu nhất thế giới năm nay cũng là các 'đại gia công nghệ', nhiều hơn 1 người so với năm ngoái là tỷ phú Jack Ma.

1. Jeff Bezos

Tổng tài sản: 113 tỷ USD

Tiếp tục là giữ vững ngôi vị người giàu nhất hành tinh và đồng thời là 'đại gia công nghệ' giàu nhất, Jeff Bezos vào đầu tháng 2/2020 cho biết sẽ đóng góp 100 triệu USD cho tổ chức phi lợi nhuận chuyên điều hành mạng lưới các kho thực phẩm tại Mỹ là Feeding America để ứng phó với Covid-19.

Trước đó, Amazon cũng đã quyên góp 1 triệu USD cho các quỹ ứng phó khẩn cấp Covid-19 tại Washington D.C, lập quỹ cứu trợ 5 triệu USD dành cho doanh nghiệp nhỏ và đóng góp 1 triệu USD cho một quỹ từ thiện mới thành lập tại Seattle để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Vào tháng 1/2019, Jeff Bezos và vợ là MacKenzie đã tuyên bố ly hôn sau hơn 20 năm chung sống. Một phần của thỏa thuận ly hôn là việc Bezos sẽ chuyển 25% cổ phần tại Amazon cho MacKenzie - người hiện sở hữu khoảng 4% của gã khổng lồ thương mại điện tử. Sau khi việc chuyển nhượng hoàn tất vào tháng 7/2019, giá trị tài sản ròng của Bezos đã giảm khoảng 36,8 tỷ USD. Song, cổ phiếu của Amazon kể từ đó vẫn tiếp tục tăng giá, nên đã giúp triệt tiêu phần lớn số tiền mà Bezos đánh mất sau vụ ly hôn.

2. Bill Gates

Tổng tài sản: 98 tỷ USD

Giữa tháng 3 vừa qua, Microsoft thông báo Bill Gates sẽ rời khỏi HĐQT của công ty này. Người giàu thứ 2 thế giới đồng thời sẽ rút khỏi HĐQT của Berkshire Hathaway - công ty của người bạn lâu năm Warren Buffett. "Tôi quyết định rời khỏi 2 HĐQT để dành thời gian nhiều hơn cho các hoạt động từ thiện, gồm y tế toàn cầu, phát triển giáo dục và tham gia sâu hơn vào vấn đề biến đổi khí hậu", Gates nói.

Đầu tháng 2 trước đó, nhà đồng sáng lập Microsoft cho biết, quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates Foundation sẽ dành 100 triệu USD cho công tác phòng, chống Covid-19, với hơn 50% số tiền được đầu tư cho việc nghiên cứu vắc-xin. Ngoài ra, vị tỷ phú cũng đưa ra những đề xuất cụ thể trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, gồm các bước như gửi các nhân viên y tế được đào tạo chuyên sâu đến các nước thu nhập thấp tại châu Phi, Nam Á...

Năm qua, tài sản của Gates tăng thêm 1,5 tỷ USD, một phần nhờ vào giá cổ phiếu của Microsoft.

3. Larry Ellison

Tổng tài sản: 59 tỷ USD

Năm 2019, tỷ phú Larry Ellison - nhà đồng sáng lập tập đoàn công nghệ Oracle đứng thứ 7 trong số những người giàu nhất thế giới, với tổng tài sản đạt 62,5 tỷ USD. Năm nay, dẫu tài sản sụt giảm, song thứ hạng của ông lại tăng lên 2 bậc.

Bên cạnh vai trò chèo lái và giúp đưa Oracle trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm, Ellison đồng thời là CEO tại vị lâu nhất ở Silicon Valley. Ở tuổi 75, sau khi từ chức CEO, ông vẫn là Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ của tập đoàn phần mềm nổi tiếng này.

Cuối tháng 3 vừa qua, Ellison cùng CEO đương nhiệm Safra Catz cho biết, tập đoàn này sẽ xây dựng một hệ thống đám mây để giúp chính phủ đẩy nhanh tiến trình tìm ra phương pháp chữa trị Covid-19. Vị tỷ phú giàu thứ 5 thế giới cũng cho biết Oracle đang phát triển một công cụ thu thập dữ liệu toàn cầu (được gọi là "hệ thống học tập trị liệu") cho phép các bác sĩ và bệnh nhân ghi lại phản ứng của họ sau khi thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19.

4. Mark Zuckerberg

Tổng tài sản: 54 tỷ USD

So với 2019, tài sản của ông chủ Facebook năm nay đã sụt giảm 7,6 tỷ USD. Vào tháng 7 năm ngoái, Facebook đã bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ phạt số tiền kỷ lục 5 tỷ USD do vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Dẫu vậy, mạng xã hội với gần 3 tỷ người dùng này vẫn đang là một trong những công cụ liên lạc được ưa chuộng nhất trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19. Ngoài ra, Facebook cũng là công ty công nghệ lớn đầu tiên công bố kế hoạch trả cho tất cả công nhân 1.000 USD để giúp bù đắp thiệt hại do dịch bệnh.

Tính đến ngày 9/4, quỹ từ thiện của Zuckerberg và vợ là Priscilla Chan đã đóng góp 36 triệu USD để hỗ trợ chống dịch. Bên cạnh đó, Facebook ngày 17/3 đã công bố khoản tài trợ 100 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Công ty này cũng cam kết quyên góp 20 triệu USD cho Quỹ từ thiện của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC).

5. Steve Ballmer

Tổng tài sản: 52,7 tỷ USD

Đứng thứ 11 trong số những người giàu nhất thế giới, cựu CEO Microsoft hiện sở hữu khối tài sản đạt 52,7 tỷ USD, tăng 11,5 tỷ USD so với năm 2019. Đặc biệt, Ballmer cũng là người đầu tiên trở thành tỷ phú đô la nhờ vào số lượng cổ phiếu sở hữu với vai trò nhân viên một tập đoàn mà không phải là người sáng lập hay họ hàng của người sáng lập.

Trước sự bùng phát của dịch Covid-19 trong thời gian gần đây, đội bóng rổ LA Clippers của Ballmer đã hợp tác với những đội thể thao khác như LA Kings, LA Lakers và Staples Center để hỗ trợ tài chính cho các nhân viên sự kiện theo giờ có thu nhập bị ảnh hưởng do lệnh phong toả.

6. Larry Page

Tổng tài sản: 50,9 tỷ USD

Dù đã rời khỏi vai trò CEO của tập đoàn Alphabet - công ty mẹ của Google, từ tháng 12 năm ngoái, song Page hiện vẫn là thành viên HĐQT. Được biết, tài sản của nhà đồng sáng lập Google đã tăng thêm 100 triệu USD, lên xấp xỉ 51 tỷ USD vào năm nay.

Gần đây, theo lời đề nghị từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Google đã hợp tác với Nhà Trắng và các đối tác tư nhân xây dựng một trang web cộng đồng, giúp người dân tự tìm kiếm thông tin về các triệu chứng coronavirus, các yếu tố rủi ro lẫn vấn đề xét nghiệm.

7. Sergey Brin

Tổng tài sản: 49,1 tỷ USD

Giống như Larry Page, Brin cũng rời vị trí của mình tại Alphabet vào tháng 12/2019. "Chúng tôi đã cam kết sâu sắc với Google lẫn Alphabet trong một thời gian dài, và vẫn sẽ tích cực tham gia với tư cách thành viên HĐQT, cổ đông và đồng sáng lập. Ngoài ra, chúng tôi cũng có kế hoạch thường xuyên trao đổi với Sundar (CEO đương nhiệm), đặc biệt là về các chủ đề mà chúng tôi đam mê", vị tỷ phú nói. Song, không may mắn như Page, tài sản của Brin đã giảm 700 triệu USD trong năm ngoái.

8. Jack Ma

Tổng tài sản: 38,8 tỷ USD

Với tổng tài sản tăng thêm 1,5 tỷ USD vào năm ngoái, tỷ phú Jack Ma đã trở lại vị trí người giàu nhất Trung Quốc và giàu thứ 17 trên toàn thế giới. Tháng 9 năm ngoái, vị Chủ tịch của Alibaba đã tuyên bố nghỉ hưu và sẽ tập trung hơn vào hoạt động từ thiện.

Tháng trước, Quỹ Jack Ma cho biết sẽ tặng 1 triệu khẩu trang và 500.000 bộ dụng cụ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho Mỹ. Đến đầu tháng 4, quỹ từ thiện của vị tỷ phú đã giúp đưa 1.000 máy trợ thở đến New York, theo Thống đốc New York Andrew Cuomo.

9. Ma Huateng

Tổng tài sản: 38,1 tỷ USD

Những năm gần đây, cuộc đua nắm giữ vị trí người giàu nhất Trung Quốc dường như chỉ còn là cuộc đua 'song mã', giữa tỷ phú Ma Huateng và Jack Ma. Năm ngoái, tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Tencent bằng đúng với mức tài sản trong năm nay của tỷ phú Jack Ma.

Khác với tính cách sôi nổi, hay nói của cựu Chủ tịch Alibaba, Ma Huateng lại là người thận trọng và khá kín tiếng. Ngoài vị trí nắm quyền điều hành 'gã khổng lồ' Tencent Holdings – một trong những tập đoàn lớn nhất Trung Quốc xét về giá trị vốn hóa thị trường, Ma Huateng đồng thời cũng là Đại biểu Quốc hội giàu có nhất tại đất nước tỷ dân.

10. MacKenzie Bezos

Tổng tài sản: 36 tỷ USD

Lần đầu tiên góp mặt trong danh sách này, MacKenzie Bezos trở thành tỷ phú sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn với người chồng cũ Jeff Bezos vào tháng 9 năm ngoái. Theo đó, nữ tiểu thuyết gia này được nhận 25% cổ phiếu của chồng cũ tại Amazon. Được biết, bà MacKenzie đã ký Giving Pledge, trong đó cam kết cho đi ít nhất một nửa tài sản của mình.

11. Michael Dell

Tổng tài sản: 22,9 tỷ USD

Gần 1 năm sau khi Dell Technologies trở lại làm công ty đại chúng, cổ phiếu của công ty này vẫn đang gặp khó khăn. Kết quả, tổng tài sản ròng của Chủ tịch, CEO Michael Dell đã giảm hơn 30%, từ mức 34,4 tỷ USD vào năm ngoái. Đầu tháng 3 vừa qua, Dell Technologies hứa sẽ quyên góp ít nhất 4 triệu USD cho các bệnh viện và đơn vị tuyến đầu trong hoạt động phòng, chống Covid-19.

12. William Lei Ding

Tổng tài sản: 17 tỷ USD

Kể từ năm ngoái, tài sản của vị tỷ phú hoạt động trong lĩnh vực game online và di động này đã tăng thêm 2,3 tỷ USD, một phần nhờ vào sự bùng phát của đại dịch Covid-19. William Lei Ding là nhà sáng lập, CEO của NetEase, một trong những công ty cung cấp nền tảng trò chơi trực tuyến hàng đầu thế giới. NetEase, có nghĩa là "Net Easy", được William Lei Ding thành lập vào năm 1997 khi mới 26 tuổi. Ngày nay, bên cạnh mảng kinh doanh game online, NetEase còn cung cấp dịch vụ email, tin tức và nền tảng thương mại điện tử Kaola.

13. Colin Zheng Huang

Tổng tài sản: 16,5 tỷ USD

Vốn là một cựu kỹ sư tại Google, vị tỷ phú sinh năm 1980 này hiện là Chủ tịch, CEO của Pinduoduo, một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Năm 2018, Pinduoduo đã huy động được 1,6 tỷ USD khi lần đầu niêm yết cổ phiếu tại Mỹ.

Với chiến lược kinh doanh độc đáo, nằm ở việc kết hợp yếu tố mạng xã hội vào quy trình mua sắm trực tuyến truyền thống, giá trị cổ phiếu của Pinduoduo đã tăng mạnh trong năm qua, giúp tài sản của Colin Zheng Huang tăng thêm 3 tỷ USD so với năm 2019.

14. Laurene Powell Jobs

Tổng tài sản: 16,4 tỷ USD

Thừa hưởng tài sản từ người chồng quá cố Steve Jobs, nữ tỷ phú hiện là Chủ tịch của Emerson Collective - công ty đầu tư và từ thiện do bà thành lập năm 2016. Tài sản của nữ tỷ phú này giảm 2,2 tỷ USD so với năm ngoái, một phần do giá cổ phiếu Disney đi xuống.

15. Zhang Yiming

Tổng tài sản: 16,2 tỷ USD

Sinh năm 1983 tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, Zhang từng có thời gian làm việc tại Microsoft trước khi thành lập ByteDance - công ty mẹ của nền tảng chia sẻ video TikTok vào năm 2012. Chỉ sau một thời gian ngắn, TikTok đã giúp Bytedance trở thành một trong những startup công nghệ lớn thành công nhất tại Trung Quốc và trên thế giới, với mức định giá khoảng 75 tỷ USD.

Hiện, TikTok là ứng dụng iOS không chơi game số 1 tại Mỹ và cũng là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất với thanh thiếu niên Mỹ. Ứng dụng này đã được tải xuống hơn 1 tỷ lần.

16. Eric Schmidt

Tổng tài sản: 13,2 tỷ USD

Schmidt rời khỏi HĐQT của tập đoàn Alphabet vào tháng 6/2019, sau khi giữ vị trí giám đốc trong 18 năm và CEO của Google từ năm 2001 - 2011. Hiện, vị tỷ phú đang làm Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo và Ủy ban Đổi mới Quốc phòng Mỹ. Tài sản của Schmidt đã tăng 300 triệu USD, từ mức 12,9 tỷ USD vào năm ngoái.

17. Dietmar Hopp

Tổng tài sản: 13 tỷ USD

Hopp là cổ đông lớn nhất của CureVac - một công ty sản xuất thuốc tư nhân tại Đức. Đây cũng là nơi đang chạy đua để phát triển vắc-xin chống lại SARS-CoV-2. Theo CureVac, vắc-xin của họ sẽ được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào tháng 6 tới. Đồng thời, Hopp cũng là nhà đồng sáng lập của SAP - một công ty phần mềm khổng lồ tại Đức. Tài sản của ông sụt giảm hơn 400 triệu đô la so với năm ngoái, chủ yếu là do giá cổ phiếu SAP giảm.

18. Zhang Zhidong

Tổng tài sản: 13 tỷ USD

Sở hữu khoảng 3% cổ phần của Tencent Holdings, Zhang là Giám đốc công nghệ của tập đoàn này trong 16 năm, cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2014. Được biết, Zhang từng gặp tỷ phú Ma Huateng - Chủ tịch của Tencent Holdings khi đang theo học Đại học Thâm Quyến. So với năm ngoái, tài sản của Zhang đã giảm 300 triệu đô la.

19. Hasso Plattner

Tổng tài sản: 12,4 tỷ USD

Plattner là người đồng sáng lập SAP cùng với tỷ phú Dietmar Hopp. Hiện, ông vẫn giữ chức Chủ tich HĐQT của SAP. Vị tỷ phú 76 tuổi này cũng sở hữu phần lớn cổ phần trong đội khúc côn cầu trên băng San Jose Sharks. Tài sản của ông sụt giảm 1,1 tỷ USD so với năm ngoái do giá cổ phiếu SAP giảm.

20. Shiv Nadar

Tổng tài sản: 11,9 tỷ USD

Nadar là nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty dịch vụ công nghệ thông tin HCL Technologies. Được thành lập vào những năm 1970, HCL Technologies đến nay đã một tổ chức toàn cầu với doanh thu lên tới 8,6 tỷ đô la cùng hơn 137.000 nhân viên. So với năm 2019, tài sản ròng của Nadar đã giảm 2,7 tỷ USD do giá cổ phiếu HCL Technologies giảm mạnh.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Link gốc : https://doanhnhansaigon.vn/chan-dung-doanh-nhan/20-ty-phu-cong-nghe-giau-nhat-the-gioi-nam-2020-ho-la-ai-1097989.html

Bạn đang đọc bài viết 20 tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới năm 2020 - Họ là ai? tại chuyên mục Người nổi tiếng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Người nổi tiếng