Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam về cơ bản là một thị trường mới nổi, trải qua thời kỳ phát triển khó khăn và thách thức, cho đến nay vẫn trong tình trạng kém phát triển.
Theo tôi, có một vài nguyên nhân sau.
Thứ nhất, tín dụng ngân hàng chiếm vị thế thống lĩnh thị trường tài chính. Những năm gần đây mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng đã được kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng vẫn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2-3 lần. Phần lớn các doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào vốn ngân hàng, các loại hình vốn khác có rủi ro cao ít được quan tâm hơn. Hơn nữa, lãi suất trung dài hạn của thị trường tín dụng khá cao đẩy lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lên mức cao, gần với thặng dư vốn bình quân. Vì vậy, các doanh nghiệp sử dụng vốn từ trái phiếu doanh nghiệp sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Thứ hai, kỳ hạn của trái phiếu doanh nghiệp thường là 3 năm. Đây là một yếu tố hạn chế khả năng đầu tư và sinh lời của doanh nghiệp khu vực sản xuất. Chính vì vậy, cơ cấu giá trị của trái phiếu doanh nghiệp thường tập trung vào những ngành có yếu tố đầu cơ cao như bất động sản (chiếm tới 35% tổng số lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành) hoặc để gia hạn vốn chủ sở hữu cấp 2 của ngân hàng (chiếm 30% tổng số lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành). Trong đó, lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp được dùng vào mục đích đảo nợ, góp vốn mua cổ phần hoặc mua bán sáp nhập.
Như vậy, số lượng trái phiếu doanh nghiệp phục vụ cho khu vực sản xuất trực tiếp như công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, công nghệ cao, thương mại, doanh nghiệp khởi nghiệp là hạn chế. Đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam méo mó và phát triển ì ạch.
Cuối năm 2021, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có những quy định mới giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định cụ thể.
Theo đó, các tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi đạt tỉ lệ nợ xấu dưới 3% tại kỳ phân loại nợ mới nhất. Các tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp phát hành. Các tổ chức tín dụng cũng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành nhằm mục đích tăng vốn chủ sở hữu hoặc góp vốn mua cổ phần tại các công ty khác.
Thông tư 16 nhằm vào việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và định hướng vào việc phát hành trái phiếu để huy động vốn thực hiện các dự án thuộc khu vực sản xuất như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, nông nghiệp và thương mại. Việc định hướng và giám sát mục tiêu sử dụng vốn từ trái phiếu doanh nghiệp như trên là đúng hướng. Vấn đề cốt lõi còn lại để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp chính là giải quyết các vướng mắc từ phát hành (đầu vào).
Các vấn đề này gồm minh bạch thông tin tài chính và mục đích sử dụng vốn của nhà phát hành, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp một cách độc lập và khách quan, để nhà đầu tư lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với cấu trúc rủi ro và kỳ hạn của lãi suất.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cũng phải được định hướng hợp lý theo nguyên tắc thị trường, tránh yếu tố đầu cơ. Kỳ hạn của trái phiếu doanh nghiệp cũng phải đủ dài để phù hợp với thời gian đầu tư và sinh lời của các doanh nghiệp thuộc khu vực sản xuất. Tài sản đảm bảo và cơ chế bảo lãnh của trái phiếu doanh nghiệp phải rõ ràng, minh bạch và phải được giám sát từ cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Một nguyên nhân khác của tình trạng phát triển ì ạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp là hệ thống cơ sở pháp lý trái phiếu doanh nghiệp chưa được hoàn thiện, đặc biệt là quy định an toàn, minh bạch, giám sát còn thiếu và không đồng bộ.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu các định chế tài chính hỗ trợ thị trường như là các nhà bảo lãnh, kiểm toán, định giá… công ty xếp hạng tín nhiệm còn khá yếu và chưa đủ đảm bảo độ tin cậy để thúc đẩy thị trường phát triển.
Sang năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có bước phát triển nhất định về cơ chế giám sát, mục đích sử dụng vốn nhưng mới chỉ hạn chế trong khu vực các tổ chức tín dụng, ngoài khu vực này còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, những trở ngại từ khâu phát hành và đầu tư vẫn còn tồn tại chưa được khắc phục và chưa có tiến bộ đột phá. Vì vậy, có thể nói rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 vẫn sẽ tiếp tục trong tình trạng phát triển khó khăn cả về chất lượng trái phiếu doanh nghiệp, độ tín nhiệm của nhà phát hành và độ tin cậy của nhà đầu tư. Tốc độ tăng trưởng thị trường năm 2022 vì vậy vẫn ở mức thấp, mặc dù nhu cầu về vốn trung dài hạn của nền kinh tế rất lớn.
Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn về tín dụng trung dài hạn và hệ thống pháp lý được hoàn thiện hơn, có thể thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những bước phát triển mới từ năm 2023 trở đi.
Muốn giảm lãi suất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì lãi suất tín dụng ngân hàng, đặc biệt lãi suất trung, dài hạn cũng phải giảm. Kỳ hạn của trái phiếu doanh nghiệp cũng phải được kéo dài 5-10 năm sao cho các doanh nghiệp thuộc khu vực sản xuất như công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, xây dựng có thể sử dụng với thời gian hoàn vốn hợp lý mà vẫn có hiệu quả. Đây là những vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều nhất là trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Và đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam lệ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng. Nhưng điều này cũng cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần một cú huých để phát triển.
Muốn có sự chuyển động căn bản trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và đi vào thực chất, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần mạnh dạn, quyết liệt hơn nữa trong việc áp dụng quy định giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo đúng lộ trình đã đề ra.
Việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngoài những vấn đề pháp lý, thể chế thì vấn đề cơ bản nhất, nền tảng nhất vẫn là cải cách cơ bản cơ chế, cơ cấu tín dụng ngân hàng, đặc biệt tín dụng trung, dài hạn, tạo điều kiện cho thị trường có dư địa để phát triển. Nếu ví thị trường như bình thông nhau, tiền sẽ chảy về những nơi có cơ chế thông thoáng, khả năng sinh lời tốt, an toàn và phù hợp với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
TS.Lê Xuân Nghĩa
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia