PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. |
Xin ông đánh giá tiềm năng và cơ hội của Phú Quốc trở thành điểm đến sang trọng hàng đầu Việt Nam, thậm chí, hàng đầu thế giới?
PGS TS Trần Đình Thiên: Về nguyên tắc, Phú Quốc có đủ các điều kiện nền tảng để trở thành điểm đến sang trọng, ở đẳng cấp thế giới, thậm chí, thuộc hạng nhất. Phú Quốc có tài nguyên thiên nhiên tuyệt đẹp, còn chưa được khai thác hết tầm. Sau lưng Phú Quốc là một hậu phương “hùng mạnh”, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, v.v. Nếu nối Phú Quốc với Côn Đảo, Nha Trang, chúng ta sẽ thấy một vành đai biển tuyệt vời, đích thực là siêu hạng.
Thứ hai, chưa thấy chỗ nào ở Việt Nam giành được nhiều giải thưởng du lịch và bất động sản du lịch như ở Phú Quốc. Mà toàn là những danh hiệu đẳng cấp cao. Chúng ta biết rằng phát triển du lịch là sự kết hợp của 2 yếu tố: một là cái vốn có, bao gồm tài nguyên tự nhiên, tài nguyên lịch sử - văn hóa tích lũy được. Phú Quốc đã khẳng định yếu tố này rồi.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Phú Quốc còn phải bổ sung những giá trị hiện đại, những “giá trị gia tăng thời đại”, đáp ứng xu thế, nhu cầu của thế giới hiện đại. Không bổ sung giá trị mới, Phú Quốc khó mà đua tranh phát triển tầm quốc tế.
Vấn đề thứ ba là văn hóa. Phú Quốc phải là một tọa độ tích hợp văn hóa Đông-Tây, trong đó, linh hồn chính là bản sắc Phú Quốc. Phú Quốc có bản sắc tích hợp rừng – núi – biển và chất Nam Bộ, với những người dân trung thực, đàng hoàng, khí phách, tâm hồn bao la phóng khoáng như biển, tâm thế khám phá, sáng tạo của những người “tiên phong mở cõi”… Những nét văn hóa ấy phải được định hình, bảo tồn và củng cố, phát huy trong không gian hội nhập hiện đại.
Vấn đề thứ tư là Phú Quốc có trục phát triển đô thị xuyên suốt là “thông minh”, định hướng trở thành một trung tâm dịch vụ công nghệ cao – đổi mới, sáng tạo.
Điểm cuối cùng tôi muốn nói là kết nối. Để nâng Phú Quốc lên đẳng cấp quốc tế thì sự kết nối phải tốt hơn nữa, phải tuyệt vời hơn nữa. Hiện nay, Phú Quốc đã giành được sự ưu tiên kết nối quốc tế ở mức rất cao. Nhưng so với tiềm năng, so với kỳ vọng dành cho Phú Quốc, cái hiện có vẫn còn cách xa lắm.
Khách sạn La Festa Phu Quoc, Curio Collection by Hilton sở hữu tầm nhìn tuyệt đẹp hướng ra công trình biểu tượng mới cầu Hôn. |
Liệu có phải đảo Ngọc chưa nắm bắt được hết những lợi thế để vươn mình phát triển, đặc biệt là trở thành một điểm đến mới của thế giới, thưa ông?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Khi ví Phú Quốc là báu vật của tự nhiên, là tài sản quốc gia, và còn là tài sản của loài người, thì như tôi đã nói, Phú Quốc bây giờ vẫn chưa nắm bắt hết thời cơ để phát huy đúng tầm lợi thế. Nhưng câu chuyện chưa tận dụng được lợi thế phải xét theo từng cấp để có đánh giá xác thực.
Ví dụ: Nhà nước đã từng quan tâm, đặt vấn đề xây dựng Phú Quốc thành một đặc khu hành chính -kinh tế, kiến tạo một thể chế “đặc thù”, một không gian, môi trường, cách thức phát triển vượt trội cho Phú Quốc. Nhưng trên thực tế, điều ấy chưa đạt được. Có nghĩa là ở cấp quốc gia, chúng ta đã bỏ lỡ mất một yếu tố, một điều kiện rất cơ bản để Phú Quốc phát huy đúng tầm, đúng thế.
Trong quá trình triển khai phát triển Phú Quốc trên thực tế, có những khía cạnh chúng ta chưa tận dụng hết thế mạnh. Phú Quốc hút được đầu tư tư nhân nhiều, đẳng cấp cao, song cách tổ chức, các điều kiện đảm bảo cho cả hệ thống vận hành đồng bộ thì lại chưa đạt được. Như hạ tầng giao thông – hạ tầng đô thị. Rồi việc phối hợp các ngành như du lịch với hàng không, với quản lý đô thị, hay quy chế visa, thị thực cho du khách quốc tế chưa đồng bộ, v.v.
Có thể nói Phú Quốc đã đạt đẳng cấp khá cao ở khía cạnh “đô thị hiện đại”. Một số nhà đầu tư lớn đã tạo cho Phú Quốc một chân dung đô thị vượt trội. Nam đảo, Bắc đảo, các khu của Vingroup, Sun Group đẳng cấp rất cao. Tuy nhiên một số tuyến khác thì lại chưa vươn lên được tầm đó, ví dụ như tuyến vệ sinh môi trường, hay vấn đề trật tự xã hội, rồi di sản văn hóa, cốt cách văn hóa của Phú Quốc rất hay nhưng cũng chưa định hình được, chưa phát huy được.
Tôi nghĩ còn phải làm nhiều thứ hơn nữa, để Phú Quốc trở thành điểm đến quốc gia nhưng có đẳng cấp toàn cầu. Phải tạo cho Phú Quốc một cơ hội như thế, và Phú Quốc có thể làm được.
Người dân và du khách đổ về chợ đêm bên biển Vui Phết (VUI-Fest Bazaar). |
Thời gian qua có làn sóng khách du lịch trong nước “quay lưng” với Phú Quốc. Sau khi có những phản ánh tiêu cực, chính quyền Phú Quốc đã có những hành động mạnh để lấy lại hình ảnh đảo Ngọc như quyết tâm bình ổn giá, cam kết xử lý nghiêm nạn chặt chém… Những hành động đó đủ chưa - hay cần thêm những giải pháp mạnh hơn nữa, thưa ông?
Những thay đổi đó rất có ý nghĩa. Chính quyền đã rút ra được nhiều bài học đáng giá, đã bắt tay xử lý các vấn đề một cách mạnh mẽ.
Nhưng cần lưu ý, ngoài nỗ lực tháo gỡ những bức xúc ngắn hạn, chính quyền phải tập trung hướng tới xây dựng “đô thị thông minh hiện đại”. Vì Phú Quốc được định hình đẳng cấp quốc tế, nên chính quyền phải thông minh và hiện đại. Phải cho phép Phú Quốc thử nghiệm chính quyền đô thị vượt trội. Nếu không, Phú Quốc sẽ “tụt hậu”. Chính quyền phải có tầm nhìn, có năng lực vượt trội, có khả năng tổ chức đời sống hiện đại đẳng cấp cao. Muốn thế, nó phải được trao quyền và điều kiện thực thi quyền tốt nhất. Nếu không, cái gì cũng phải xin cho. Tiếp tục xin ưu tiên, ưu đãi hơn mấy huyện nông thôn nhưng đẳng cấp vẫn vậy thì không thể chấp nhận được. Đó là điều phải nhấn mạnh.
Đây là cơ hội để chúng ta làm lại, làm mới để có chính quyền hiện đại, cạnh tranh quốc tế; không phải chỉ đi tháo gỡ những vấn đề lặt vặt. Phải thay đổi hệ thống chính quyền như cách tiếp cận “đặc khu”. Tầm nhìn chiến lược đó phải làm đầu tiên.
Phú Quốc phải đặt mình vào vị thế đi sau, rút ra các bài học, đặc biệt là khi những tập đoàn đang giúp Phú Quốc định hình chân dung có sẵn nhiều bài học như vậy. Cách tốt nhất là Phú Quốc thảo luận với những tập đoàn này với tư cách là những đối tác, người đồng hành phát triển để xác lập cách quản trị, chiến lược phát triển phù hợp. Điều đó sẽ giúp Phú Quốc có một chính quyền mẫu mực, làm hình mẫu cho cả các đô thị khác.
Pháo hoa thắp sáng Thị trấn Hoàng Hôn tại Nam đảo Phú Quốc. |
Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy có những điểm đến rất sang trọng mà nhiều du khách, giới thượng lưu chỉ mong muốn được đến để tiêu tiền, trong khi Phú Quốc với rất nhiều tiềm năng nhưng nhiều năm qua vẫn còn khá “loay hoay”. Ông có thể chia sẻ ý kiến để Phú Quốc học hỏi các bài học từ những câu chuyện quốc tế?
Tôi nghĩ các doanh nghiệp và chính quyền Phú Quốc cơ bản biết những bài học này. Chỉ có điều là có nhiều vấn đề chúng ta còn e ngại, băn khoăn, xử lý theo lập trường cũ, cách tư duy cũ. E ngại cái mới nên dù “mở sớm”, chúng ta vẫn bị chậm, khó chớp thời cơ. Ví dụ như tổ chức sòng bạc chẳng hạn. Trước đây là “tuyệt đối không”. Đến bây giờ tiếp cận “mở”, từng bước mở ra, kiểm soát được, chưa thấy vấn đề gì. Chỉ có thời cơ bị mất thôi. Đó là một dịch vụ giải trí, nhưng là dịch vụ “đặc thù”, “có điều kiện”, song đòi hỏi một cách nhìn thoáng và cởi mở.
Các công trình du lịch văn hóa đặc sắc, khác thường, chúng ta càng phải có thái độ tiếp cận văn hóa – xem xét, đánh giá, ghi nhận và trân trọng. Đừng có kiểu chưa biết gì đã phỉ báng, coi thường. Chúng ta phải có những công trình văn hóa khác thường, phi thường, dù ở Phú Quốc hay bất kỳ điểm du lịch nào. Nhiều khi, chúng ta mới chỉ thấy khác, thấy lạ, không hợp “nhãn”, không quen, nhìn chúng bằng con mắt dung tục thô thiển, thì cuối cùng không ai được phép làm, không ai làm được gì mới mẻ, đáng kể. Vượt qua những cấm kị, những tư tưởng đóng đinh chúng ta lại, là thách thức không thể xem thường.
Phải có những công trình “vượt trước” thời đại, thế giới chưa có nhưng Phú Quốc có thì thế giới người ta mới đến. Muốn thế thì tư duy phải mới, phải khác thường, nhất là với những người làm cơ chế chính sách vốn hay e ngại, sợ dư luận xã hội. Dư luận vốn quen với những cái cũ, phải có cách tiếp cận thông minh, khôn ngoan, bài bản để không xung đột với nó.
Xin cảm ơn ông!