Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

“Nhiều nhà đầu tư trái phiếu không chuẩn bị cho việc mất tiền”

NGƯỜI ĐƯA TIN 10:00 10/05/2022

Khi lựa chọn trái phiếu cần đặc biệt quan tâm đơn vị phát hành, thông tin cụ thể về trái phiếu, tài sản đảm bảo, yếu tổ bảo lãnh thanh toán, điều kiện mua lại...

Tại tọa đàm "Hiểu đúng về Trái phiếu doanh nghiệp và bài học từ vụ Tân Hoàng Minh", nhóm chuyên gia đã cùng phân tích để so sánh giữa đầu tư cổ phiếu và trái phiếu để chỉ ra điểm giống, khác nhau và phân tích mức độ rủi ro của các kênh đầu tư này. Đồng thời, các chuyên gia cũng chỉ ra những tiêu chí để lựa chọn trái phiếu.

Nhà đầu tư trái phiếu phải tự chịu rủi ro

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiingroup chỉ ra đầu tư vào trái phiếu khác với cổ phiếu. Cổ phiếu có 2 nguồn thu nhập chính là cổ tức và sự thay đổi giá. Việc tăng giá - giảm giá tác động chính tới dòng vốn của nhà đầu tư chứ ở thị trường Việt Nam ít người đầu tư trái phiếu mà kỳ vọng vào cổ tức.

Còn trái phiếu có trái tức trung bình từ 8-10%. "Đây là phần lợi nhuận nhưng rủi ro là gì? Tôi thấy nhà đầu tư cá nhân hiện tham gia nhiều, xem quảng cáo thì thấy lãi suất cao, hấp dẫn, có tài tài sản đảm bảo, có công ty chứng khoán, ngân hàng này nọ bảo lãnh… tôi thấy hơi loạn. Các nhà đầu tư phải làm rõ hơn, học hỏi những kiến thức cơ bản", ông nói.

Về quy mô huy động vốn qua các kênh của thị trường Việt Nam năm 2021, theo thống kê từ FiinGroup, huy động vốn cổ phần từ thị trường chứng khoán đạt tới 101.000 tỷ đồng, qua 1.700 doanh nghiệp. Giá trị tăng về dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng là 700.000 tỷ đồng năm 2021 còn huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp đạt 819.000 tỷ đồng.

Ông Thuân cho biết 3 kênh huy động vốn chính là chứng khoán, tín dụng ngân hàng và trái phiếu hiện khá cân bằng, vai trò với nền kinh tế đều lớn. Tuy nhiên, ông Thuân cũng cho rằng nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia và thị trường mà chỉ nhìn thấy lãi suất, không dự kiến hoặc không chuẩn bị cho việc mất tiền. Ông cho rằng nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm thế có thể mất tiền. "Phải có tâm thế này tôi nghĩ mới có thể trở thành nhà đầu tư tham gia thị trường", ông nói.

Tài chính - Ngân hàng - “Nhiều nhà đầu tư trái phiếu không chuẩn bị cho việc mất tiền”

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiingroup.

Đặc biệt, về vấn đề đầu tư trái phiếu, ông Thuân nhận định nhà đầu tư phải lưu ý khả năng trả lãi và gốc của đơn vị phát hành, việc hiểu về đặc thù của mỗi doanh nghiệp là rất quan trọng.

Ông Thuân nhận định ngân hàng sẽ có năng lực tín dụng cao hơn doanh nghiệp. Dù ngân hàng có lãi suất thấp hơn song đây còn liên quan đến rủi ro an toàn của hệ thống tiền tệ và có hỗ trợ từ phía Nhà nước.

"Tôi nghĩ nhà đầu tư mua trái phiếu cũng phải tự quyết định, tư chịu rủi ro giống như mua cổ phiếu, lãi lỗ tự chịu", ông Thuân nói.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital, một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ về tài chính doanh nghiệp, quản lý tài chính cá nhân đặt câu hỏi liệu có bao nhiêu nhà đầu tư phân biệt được giữa nhà đầu tư và nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tiêu chuẩn để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp là phải đáp ứng một trong 3 điều kiện: có chứng chỉ hành nghề chứng khoán còn hiệu lực, giá trị thị trường doanh mục chứng khoán lớn hơn 2 tỷ đồng, thu nhập trừ thuế lớn hơn 1 tỷ đồng (có xác nhận của cơ quan thuế).

Theo ông Tuấn, các đơn vị đôi khi có những sản phẩm mới và chỉ muốn nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia. Ông Tuấn cho rằng nếu chúng ta không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp mà đang đầu tư trái phiếu thì phải hiểu đang đầu tư vào đâu.

Ông Tuấn chỉ ra ngân hàng là một đơn vị phát hành, có bảo lãnh phát hành trái phiếu - khác với bảo lãnh thanh toán. Đây là 2 việc hoàn toàn khác nhau nhưng nhiều người đến ngân hàng mua trái phiếu nhưng không nắm được rõ điều này và tham gia ở những hợp đồng hơi "mờ".

Trả lời câu hỏi tại sao doanh nghiệp không vay vốn ngân hàng mà chọn kênh trái phiếu. Ông Tuấn cho rằng mỗi kênh điều kiện lại khác nhau. "Chúng ta đều biết một năm tăng trưởng tín dụng khoảng 14% và không phải lúc nào vốn của ngân hàng cũng dồn vào những ngành được ưu tiên phát triển", ông Tuấn nói.

Sự khác nhau giữa cổ phiếu và trái phiếu

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho biết nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu cũng cần hiểu về bản chất pháp lý của trái phiếu.

"Nhà nước có nhiều văn bản quy định về trái phiếu từ trước tới nay và tôi tổng kết lại là càng ngày theo xu hướng thắt chặt. Thời điểm có Luật doanh nghiệp năm 1990 và cải cách lớn thì không có điều kiện về phát hành trái phiếu. Trước đó, khi một doanh nghiệp tại Hà Nội muốn phát hành thậm chí phải được UBND Hà Nội cấp phép với những điều kiện nhất định. Nhưng hiện trái phiếu càng ngày càng thắt chặt. Sau một vài hiện tượng rủi ro mới đây thì có lẽ định thắt chặt hơn nữa. Quy định ở việc phát hành trái phiếu có khoảng 11-12 điều kiện", ông Trương Thanh Đức nói.

Ngoài ra, ông Đức cũng cho rằng một điểm quan trọng là nhà đầu tư phải phân biệt sự khác nhau giữa cổ phiếu và trái phiếu.

Tài chính - Ngân hàng - “Nhiều nhà đầu tư trái phiếu không chuẩn bị cho việc mất tiền” (Hình 2).

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho biết nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu cũng cần hiểu về bản chất pháp lý của trái phiếu.

Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn còn cổ phiếu chỉ được phát hành bởi công ty cổ phần.

Lợi tức thu được khi mua trái phiếu là trả lãi theo kỳ thỏa thuận, không phụ thuộc và kết quả kinh doanh còn phần lợi tức khi đầu tư cổ phiếu là nhận cổ tức (không bắt buộc), phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nguồn trả lợi tức của trái phiếu là chi phí doanh nghiệp bỏ ra còn nguồn trả lợi tức của cổ phiếu là lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.

Người mua cổ phiếu là chủ sở hữu công ty, lời ăn, lỗ chịu, cổ phiếu lên thì thắng. Còn trong trường hợp công ty phá sản cổ phiếu xuống có thể mất tiền, phải chịu thanh toán cuối cùng khi doanh nghiệp trả hết nghĩa vụ nợ còn trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ phiếu.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết tình huống xấu nhất của câu chuyện nợ nần là nhà đầu tư có thể mất trắng. Tuy nhiên thị trường không ghi nhận trường hợp như vậy.

Với riêng vụ việc Tân Hoàng Minh, ông Trương Thanh Đức cho biết ít nhiều thì nhà đầu tư sẽ được giải quyết, chỉ là vấn đề nhanh hay chậm. Tình huống đẹp nhất, ông Đức cho rằng Tân Hoàng Minh hoàn toàn có thể hy vọng trả được hết gốc, lãi thì chưa dám nói tới.

5 tiêu chí cần quan tâm khi lựa chọn trái phiếu

Còn ông Nguyễn Minh Tuấn, ở góc độ cố vấn đầu tư, ông Tuấn cho biết đơn vị của ông có phân tích trái phiếu này do nhu cầu của khách hàng.

"Tôi có lấy báo cáo tài chính và đưa vào mô hình tính toán. Chúng tôi có thang điểm 100, nếu doanh nghiệp đạt trên 70 điểm mới đạt được mức độ đầu tư của bọn tôi. Tân Hoàng Minh thì chỉ đạt dưới 50 điểm. Thang điểm này giúp bọn tôi tránh được nhiều vấn đề liên quan đến trái phiếu như thế này. Tính chất pháp lý của tài sản đảm bảo chúng tôi xem xét rất kỹ nhưng việc tôi làm lại chỉ giúp được những nhà đầu tư của tôi thôi", ông nói.

Tài chính - Ngân hàng - “Nhiều nhà đầu tư trái phiếu không chuẩn bị cho việc mất tiền” (Hình 3).

Ở góc độ cố vấn đầu tư, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết đơn vị của ông có phân tích trái phiếu Tân Hoàng Minh do nhu cầu của khách hàng song chỉ đạt dưới 50 điểm trên thang điểm 100.

Ông Tuấn lưu ý còn vấn đề là những người đầu tư vào trái phiếu Tân Hoàng Minh thông qua hợp đồng với tổ chức phân phối. "Nó khó cho họ trong việc thu hồi tài sản của mình. Ở vụ việc này, họ lại không phải trái chủ mà cá nhân khác là trái chủ, họ chỉ góp vốn thôi. Đây là điểm khó xử lý do khối lượng người mua kiểu như vậy không hề nhỏ, có thể lên đến hàng nghìn người", ông cho hay

Chủ tịch Fiingroup Nguyễn Quang Thuân chỉ ra 5 tiêu chí cần quan tâm khi lựa chọn trái phiếu. Thứ nhất, điểm mấu chốt các nhà đầu tư cần lưu ý là đơn vị phát hành. Ở điểm này, cần quan tâm tới lịch sử tài sản, lĩnh vực kinh doanh, quy mô hoạt động kinh doanh, kết quả kinh doanh 2 năm gần nhất, một số chỉ tiêu tài chính cơ bản, thông tin xếp hạng tín nhiệm…

Thứ hai là thông tin cụ thể về trái phiếu, gồm: mục đích phát hành, thông tin dự án đầu tư, thời gian đầu tư dự kiến và phương án trả gốc, lãi trái phiếu…

Tiếp theo là vấn đề tài sản đảm bảo, cần quan tâm ngân hàng định giá tài sản này ra sao, ngoài ra phải quan tâm đơn vị đại lý quản lý tài sản đảm bảo và đơn vị đánh giá tài sản đảm bảo.

Tiếp theo là yếu tổ bảo lãnh thanh toán/cam kết mua lại. Cần phân biệt giữa bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán. Bảo lãnh phát hành là việc đơn vị tư vấn phát hành, như công ty chứng khoán, đảm bảo sẽ "ôm" toàn bộ lô trái phiếu nếu không có nhà đầu tư mua hết. Bảo lãnh thanh toán là việc bên thứ ba (thường là ngân hàng hoặc công ty mẹ) đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư khi tổ chức phát hành (là các doanh nghiệp) mất khả năng thanh toán. "Theo thống kê của Fiingroup, số lượng trái phiếu được bảo lãnh thanh toán là rất hiếm hoi, và có mức lãi suất rất thấp. Thứ 5 là các điều kiện mua lại của tổ chức phát hành", ông Thuân chỉ ra

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/nhieu-nha-dau-tu-trai-phieu-khong-chuan-bi-cho-viec-mat-tien-a552349.html

Bạn đang đọc bài viết “Nhiều nhà đầu tư trái phiếu không chuẩn bị cho việc mất tiền” tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn