Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Vingroup lãi hơn 500 tỷ đồng trong quý đầu năm 2022

NGƯỜI ĐƯA TIN 10:27 04/05/2022

Việc giảm số lượng bất động sản bàn giao là nguyên nhân khiến doanh thu và giá vốn quý I/2022 của Vingroup giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn Vingroup (Vingroup - HoSE: VIC) mới đây đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.229 tỷ đồng, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước với nhiều mảng kinh doanh ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đóng góp lớn nhất cho tổng doanh thu của Vingroup với 6.685 tỷ đồng, tuy nhiên mảng này cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2021, mảng này ghi nhận tới 10.656 tỷ đồng. Hay như mảng cho thuê bất động sản, quý đầu năm nay mảng này chỉ mang về 1.470 tỷ đồng cho Vingroup trong khi cùng kỳ năm trước là 1.885 tỷ đồng. Hoạt động giáo dịch và sản xuất cũng sụt giảm so với quý đầu năm 2021. Cụ thể, 2 mảng này lần lượt đạt 681 tỷ đồng và 3.334 tỷ đồng, trong khi quý trước đạt 857 tỷ đồng và 4.824 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh các mảng ghi nhận doanh thu sụt giảm, vẫn có mảng ghi nhận doanh thu tăng là mảng cung cấp dịch vụ khách sạn, du lịch, giải trí và bệnh viện, với mức tăng lần lượt đạt 417 tỷ đồng và 229 tỷ đồng.

Ngoài ra, nếu điều chỉnh cộng lại doanh thu từ các giao dịch bán lô lớn bất động sản được ghi nhận trong thu nhập tài chính, doanh thu thuần hợp nhất đạt 25.145 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả là lợi nhuận trước thuế của Vingroup đạt 1.928 tỷ đồng, giảm 31%. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm tương ứng, đạt 512 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quý liền trước, doanh nghiệp này lỗ ròng gần 9.249 tỷ đồng nên mức lợi nhuận quý đầu năm 2022 cũng cho thấy kết quả tích cực của Vingroup.

Quý IV/2021 trước đó, Vingroup báo lỗ lần đầu là do quyết định ngừng sản xuất xe xăng để tập trung nguồn lực cho xe điện. Điều này khiến Vingroup phải ghi nhận một khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng.

Tính đến hết quý I/2022, các khoản góp vốn của Vingroup hầu như không có thay đổi tại với các công ty con. Vinpearl vẫn là khoản đầu tư lớn nhất của Vingroup tính đến thời điểm hiện tại với 37.851 tỷ đồng. Tiếp theo sau là Vinhomes với 21.991 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có duy nhất khoản đầu tư vào VinFast giảm từ 26.128 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn vỏn vẹn 6.000 tỷ đồng. Trước đó, Vingroup đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (51,52%) của VinFast, trụ sở tại Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng, Việt Nam cho Công ty VinFast Trading and Investment Pte.Ltd., đây là công ty con của Tập đoàn Vingroup có trụ sở chính tại Singapore.

Vingroup cho biết, trong hoạt động công nghệ - công nghiệp, tại thị trường Việt Nam, VinFast tiếp tục ghi nhận doanh số khả quan với tổng cộng hơn 6.700 xe trong quý I, trong đó VinFast Fadil tiếp tục là mẫu xe được ưa chuộng nhất trong tháng 3, bất chấp việc tập đoàn đã tuyên bố dừng sản xuất xe xăng để tập trung toàn lực cho sản xuất xe điện.

Chỉ sau 3 tháng mở đăng ký, VinFast đã nhận tổng cộng khoảng 60.000 đơn đặt hàng VF 8 và VF9 trên toàn cầu. Hôm 29/3, VinFast cũng đã công bố xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên ở nước ngoài tại hạt Chatham, Bang North Carolina (Mỹ).

Bạn đang đọc bài viết Vingroup lãi hơn 500 tỷ đồng trong quý đầu năm 2022 tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn