Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Cần cơ chế kiểm soát riêng giao dịch cổ đông lớn trên sàn chứng khoán

người đưa tin 11:40 13/01/2022

Nhìn từ vụ bán cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, chứng khoán Việt Nam cần có những thay đổi để quản lý chặt hơn việc giao dịch của những cổ đông lớn.

Thị giá cổ phiếu FLC phiên 13/1 tiếp tục giảm sàn về mức 17.300 đồng/CP, trắng bên mua sau khi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước xử lý vụ việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC bán gần 75 triệu cổ phiếu không báo cáo trước khi giao dịch.

Đến nay, các công ty chứng khoán đã thực hiện hủy kết quả khớp lệnh mua đối ứng cổ phiếu FLC của nhà đầu tư với tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết thông báo hoàn trả tiền ngay trong ngày 12/1.

Tài chính - Ngân hàng - Cần cơ chế kiểm soát riêng giao dịch cổ đông lớn trên sàn chứng khoán

Nhiều nhà đầu tư cho biết đã được hoàn trả lại tiền mua cổ phiếu FLC đối ứng với lệnh bán của ông Quyết.

Việc hủy giao dịch với một trường hợp không công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu là điều chưa có tiền lệ trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn thực hiện được do giao dịch chứng khoán ở Việt Nam theo nguyên tắc T+3.

Điều này nghĩa là nếu một nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC trong ngày 10/1 (ngày T) thì phải sau 16h30 ngày 12/1 (hết ngày T+2), tài khoản của nhà đầu tư mới được nhận cổ phiếu. Số cổ phiếu này chỉ được giao dịch tiếp trên thị trường vào ngày 13/1 (ngày T+3).

Do vậy, lượng lớn nhà đầu tư thực tế vẫn chưa nhận được cổ phiếu nên thuận lợi cho việc hủy các giao dịch mua gần 75 triệu cổ phiếu FLC đối ứng từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết. Số tiền mà ông Quyết bán cổ phiếu thực chất cũng chưa về tài khoản cá nhân, vậy nên cơ quan quản lý cũng thuận lợi hoàn trả tiền cho nhà đầu tư và trả cổ phiếu về tài khoản ông Quyết.

Đặc biệt, Ủy ban chứng khoán Nhà nước mới đây cũng yêu cầu ông Trịnh Văn Quyết lên ký biên bản xử phạt và sau 5 ngày sẽ ban hành quyết định xử phạt hành chính theo đúng quy định, thẩm quyền.

Tầm quan trọng của việc công bố thông tin

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Khoa Bảo - Trưởng phòng đầu tư Chứng Khoán VPS cho rằng, trong vụ việc trên, ngoài những nhà đầu tư được trả lại tiền, còn có nhiều bên bị thiệt hại.

"Phiên ngày 10/1 khớp lệnh tới gần 135 triệu cổ phiếu. Như vậy, những nhà đầu tư không khớp đối ứng với 74,8 triệu cổ phiếu này mà khớp với những lệnh bán ra khác không những không được hoàn tiền mà còn bị ảnh hưởng bởi thông tin Chủ tịch FLC bán ra làm giá cổ phiếu đi xuống" - ông Bảo nói.

Những nhà đầu tư mua hơn 60 triệu cổ phiếu FLC nằm ngoài giao dịch của ông Quyết cho tới nay đã lỗ gần 30% sau 4 phiên giảm sàn liên tục, trắng bên mua.

Tài chính - Ngân hàng - Cần cơ chế kiểm soát riêng giao dịch cổ đông lớn trên sàn chứng khoán (Hình 2).

Cổ phiếu FLC đã giảm sàn 4 phiên liên tục từ khi ông Quyết bán gần 75 triệu cổ phiếu, về mức 17.300 đồng/CP phiên sáng 13/1. (Nguồn: FireAnt)

Ông Nguyễn Khoa Bảo cho rằng, giả sử ông Quyết đăng ký bán cổ phiếu từ trước, nhà đầu tư đã có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng, phản ứng trước khi giao dịch được thực hiện và hạn chế mức lỗ trước khi ông Quyết bán ra.

Ngoài ra, không chỉ người mua phiên 10/1 bị ảnh hưởng. Những người mua cổ phiếu FLC ở vùng giá cao, nếu không bán tháo trong hai phiên gần đây thì tài khoản cũng đã chuyển từ lãi sang lỗ.

Ông Bảo cũng nhấn mạnh các công ty chứng khoán còn bị thiệt hại phí giao dịch khi lệnh bán cổ phiếu của ông Quyết bị huỷ. Thông thường một giao dịch chứng khoán, các công ty sẽ nhận được phí từ 0,1-0,3%. Tổng giá trị lô cổ phiếu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bán trong phiên 10/1 có thể đạt hơn 1.400 tỷ đồng theo giá trung bình hoặc 1.800 tỷ đồng nếu tính theo mức giá trần. Như vậy, mức phí trung bình của các công ty chứng khoán thu về có thể đã đạt hơn 6 tỷ đồng.

"Đó là chưa kể đến việc hành vi này sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán ảnh hưởng, gây nhiễu loạn thị trường. Ảnh hưởng xấu đến tính minh bạch của thị trường, nhất là trong thời điểm Việt Nam đang được xem xét để nâng hạng" - ông Bảo nói thêm.

"Việc phong tỏa tài khoản chứng khoán và hoàn trả lại tiền nhà đầu tư vốn là việc chưa có trong tiền lệ chứng khoán Việt Nam, việc này không giải quyết hết được những thiệt hại liên đới nhưng cũng phần nào giúp thị trường ổn định"- ông Bảo nhấn mạnh.

Cần cơ chế kiểm soát riêng tài khoản của cổ đông lớn

Sau vụ việc, các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết đều đã bị phong tỏa từ ngày 11/1 cho đến khi có quyết định thay thế. Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Quyết là việc cần thiết. Tuy nhiên, cách xử lý này có đúng luật?

Thực tế, dù chưa có tiền lệ nhưng nội dung này đã được quy định trong Quy chế hoạt động của HoSE. Cụ thể, khoản 2, Điều 22 của quy chế cho biết, trong trường hợp giao dịch đã được xác lập vi phạm quy định giao dịch hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường, Sở có thể công nhận hoặc hủy bỏ giao dịch sau khi báo cáo UBCKNN.

Theo đó, quy mô và mức độ ảnh hưởng cũng như những thiệt hại gây ra của giao dịch ngày 10/1 có thể là lý do để cơ quan quản lý áp dụng mức phạt này.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS Phan Phương Nam - Phó Khoa luật Thương mại, Đại học Kinh tế Tp.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhà đầu tư công bố thông tin trước giao dịch. Theo ông Nam, quy định các cổ đông lớn công bố thông tin sẽ giảm bớt rủi ro, ngăn chặn các hành vi thao túng cổ phiếu. Đặc biệt, với người vừa là lãnh đạo doanh nghiệp vừa là cổ đông lớn, việc công bố thông tin càng quan trọng.

Tài chính - Ngân hàng - Cần cơ chế kiểm soát riêng giao dịch cổ đông lớn trên sàn chứng khoán (Hình 3).

Theo TS Phan Phương Nam, đối với những cổ đông lớn có liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp, phải đặt họ vào một cơ chế kiểm soát khác.

Ông Nam kiến nghị cơ quan Nhà nước nên xem xét một cơ chế mà pháp luật hiện hành chưa có là khởi kiện tập thể. Ông Nam cho biết, có nhiều nhà đầu tư mua lượng cổ phiếu ít nên thiệt hại có thể chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, trong khi khởi kiện một vụ án kéo dài từ 3-6 tháng. "Điều này sẽ gây tổn hại về tài chính, thời gian nhà đầu tư" - ông Nam nhận định.

Ông Nam cho rằng điều này có thể khiến nhà đầu tư sinh ra tâm lý "ngại khởi kiện", dẫn đến việc những người gây ra tình trạng nhiễu loạn thị trường sẽ hưởng lợi. "Nhà đầu tư có thể khởi kiện tập thể bằng cách uỷ quyền cho những đơn vị uy tín, chẳng hạn như Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính để họ đứng ra khởi kiện cho những người thiệt hại. Số tiền thắng kiện sẽ chi trả lại cho những nhà đầu tư này" - ông Nam nói.

Ngoài ra, theo ông Nam, sau vụ việc này, nếu chỉ phạt tiền với mức tối đa 1,5 tỷ đồng theo Nghị định số 128 của Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là chưa đủ. Với quy mức phạt này, các sai phạm giao dịch chứng khoán vẫn sẽ lặp lại do tiền nộp phạt chỉ ở mức nhỏ so với tiền thu về.

Theo TS Phan Phương Nam, đối với những cổ đông lớn có liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải đặt họ vào một cơ chế kiểm soát riêng.

"UBCKNN có thể phong tỏa tài khoản và chỉ mở tài khoản và cho phép giao dịch khi các cổ đăng này đăng ký. Nếu vậy, sẽ tránh khỏi việc nhà đầu tư cá nhân rơi vào thế bị động và chắc chắn loại trừ được những giao dịch tương tự ông Quyết hôm 10/1" - ông Nam cho hay.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/can-co-che-kiem-soat-rieng-giao-dich-co-dong-lon-tren-san-chung-khoan-a539759.html

Bạn đang đọc bài viết Cần cơ chế kiểm soát riêng giao dịch cổ đông lớn trên sàn chứng khoán tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn