Hà Nội, Thứ Tư Ngày 04/12/2024

Bộ Tài chính: Bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2021 dưới 4% GDP

người đưa tin 13:02 09/01/2022

Năm 2022, Bộ Tài chính sẽ giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN.

Ngày 6/1, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Chủ động chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Năm 2021, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, thách thức, song ngành Tài chính đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ tài chính - ngân sách.

Trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã tham mưu kịp thời, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp chính sách tài khóa để phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Về thu NSNN, Bộ Tài chính chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân. Trong đó trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ như: tiếp tục giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021; cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp; tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất từ quý I/2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; tiếp tục miễn giảm trên 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021...

Kinh tế vĩ mô - Bộ Tài chính: Bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2021 dưới 4% GDP
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu khai mạc hội nghị.

Trước tác động nghiêm trọng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn năm 2021 khoảng 144 nghìn tỷ đồng, trong đó, số tiền gia hạn khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 24,6 nghìn tỷ đồng.

Thu ngân sách vượt hơn 200 nghìn tỷ đồng

Trong tổ chức thực hiện các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, cơ quan Thuế, Hải quan đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý thu NSNN trên địa bàn, nhất là các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế; quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.

Đồng thời, tập trung triển khai các giải pháp chính sách thu NSNN tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, với phương châm đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chính sách; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi.

Với các giải pháp chính sách tài khóa nêu trên, kết hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác đã góp phần từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống cho người dân. Qua đó, thu NSNN cũng đạt mức cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 2 (tháng 10, 11/2021), với tổng số thu NSNN năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% (219,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020.

Trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6%GDP ước thực hiện (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 15,5%GDP). Theo phân cấp quản lý, thu ngân sách trung ương (NSTW) ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương (NSĐP) ước đạt 128,2% dự toán.

Tổng chi NSNN năm 2021 bằng 111,4% dự toán

Tổng chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn.

Đến ngày 31/12/2021, NSNN đã quyết định chi 45,1 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19 và 28,9 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng cộng là 74 nghìn tỷ đồng (trong đó, trung ương đã chi 26,3 nghìn tỷ đồng, các địa phương đã chi từ NSĐP 47,7 nghìn tỷ đồng).

Kinh tế vĩ mô - Bộ Tài chính: Bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2021 dưới 4% GDP (Hình 2).

Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021.

Với kết quả thu, chi NSNN nêu trên, cân đối NSTW và NSĐP được đảm bảo. Ước tính năm 2021, bội chi NSNN thực hiện đạt dưới 4% GDP.

Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước. Lũy kế đến ngày 31/12/2021 đã thực hiện phát hành được 318,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,92 năm, lãi suất bình quân 2,3%/năm.

Bên cạnh đó, trong điều hành, Bộ Tài chính đã đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực, như: Kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững; Tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát; phát triển đồng bộ thị trường tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công...

Những thành tựu nổi bật trên tất cả các mặt công tác của Bộ Tài chính trong năm 2021 sẽ là tiền đề quan trọng, tạo đà để tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về tài chính - NSNN năm 2022.

Năm 2022 tiếp tục chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng

Năm 2022, dự toán thu là 1.411,7 nghìn tỷ đồng; trong đó: thu nội địa chiếm 83,35%; thu dầu thô chiếm 2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 14,1%; thu viện trợ chiếm 0,55%. Chi NSNN dự toán năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN 4% GDP.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, Bộ Tài chính đề ra 8 nhóm giải pháp, đó là:

Một là, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng, bám sát diễn biến của dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - NSNN; đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy nhanh xây dựng chính phủ số.

Ba là, phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; bảo đảm dự toán thu NSNN.

Năm là, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngành Tài chính được giao trong năm 2022.

Sáu là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên.

Bảy là, tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Tám là, điều hành ngân sách trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và xử lý tiếp các nhiệm vụ của năm 2022.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/boi-chi-ngan-sach-nha-nuoc-duoi-4-gdp-a539233.html

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính: Bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2021 dưới 4% GDP tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn