Lý do bạn cần Co-Founders
Bạn không thể ôm đồm tất cả
Bạn có thể là một người rất có khả năng về chuyên môn, bạn biết làm như thế nào để phát triển sản phẩm của mình, càng biết rõ hơn về cách nắm bắt những cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, bạn không thể nào có đủ thời gian để phân chia các công việc và chỉ làm một mình, bạn không thể nào giỏi hết tất cả mọi thứ và không thể nào là một người hội tụ mọi kỹ năng cần thiết. Chính bởi vậy rất cần những co-founder hòa hợp tương đối về tính cách, quan trọng là phải tin tưởng nhau để có thể phối hợp lâu dài. Có thể sẽ không dễ dàng gì tìm được một co-founder trong nghề để cùng đi chung với nhau, bởi những người trong nghề với nhau ít khi giao nhau. Cũng như vậy, không dễ gì để hiểu ra vấn đề và làm việc chung với một người không chuyên về lĩnh vực mà bạn đang muốn hướng đến, bởi họ có kiến thức và kĩ năng về một khía cạnh khác. Tuy thế, mọi việc đều có thể xoay chuyển.
Đưa ra quyết định sáng suốt hơn
Bạn không phải lúc nào cũng phải đồng ý kiến với co-founder. Nói một cách chính xác là không nên như vậy. Khi có những quan điểm không thống nhất thì đây đúng là một cơ hội tốt để mọi người có thể ngồi lại với nhau, nhìn nhận vấn đề, cùng trao đổi thảo luận về giá trị từng quan điểm của mỗi người và cuối cùng đưa ra quyết định tốt nhất cho doanh nghiệp.
Tập trung vào khả năng chính
Phân chia công việc trong doanh nghiệp theo cách mà cấp dưới làm hết mọi việc mà người đứng đầu không làm, có thể nói đó là một ý tưởng không lý tưởng chút nào. Hãy tập trung nổ lực vào thế mạnh, khả năng của mỗi người trong doanh nghiệp, theo cách đấy mọi người đều có thể thực hiện công việc theo như đúng sở trường của họ, trong khi đó vẫn hằng ngày tiếp tục góp phần vào hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng chính là một cách giúp mọi người trong một doanh nghiệp có tinh thần làm việc cũng như đạt năng suất làm việc tốt nhất.
Người đồng hành khi khởi nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. |
Có đồng chí
Còn gì tuyệt vời hơn khi bắt đầu khởi nghiệp có bạn đồng hành luôn sát cánh ủng hộ tinh thần, nâng đỡ nhau, giúp nhau tìm ra những hạn chế, khuyết điểm để từ đó cải thiện, trau dồi bản thân. Họ và bạn là những người có cùng chung lí tưởng, có chung chí hướng, thấu hiểu về nhau, chấp nhận và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trên bước đường hướng tới tương lai của doanh nghiệp. Không vì những khó khăn trước mắt mà vội chia xa. Sẽ là một lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nếu có những người đồng chí, hay còn có thể hiểu là một co-founder phù hợp, nhưng phải đủ độ tin cậy để đứng ra đại diện cho doanh nghiệp trong một số tình huống bất ngờ.
Có câu “Nếu muốn đi thật nhanh thì đi một mình. Nếu muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau” – Warren Buffett. Đó chính là sức mạnh của sự đoàn kết, một tập thể hiểu nhau, cùng hướng đến một mục tiêu sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với chỉ một cá nhân, đặc biệt khi muốn hợp tác khởi nghiệp, khi muốn tìm một co-founder phù hợp trên con đường xây dựng sự nghiệp.
Bạn cần tìm Co-Founders như thế nào
Có các kỹ năng bổ sung cho bạn
Chắc chắn, chẳng ai muốn tìm một sáng lập viên là "bản sao" của mình: thiếu đúng các kỹ năng mà bạn thiếu và có những tính "xấu" mà bạn có. Thực tế, một Co-founder cần phải đồng chí hướng và phải sở hữu một vài kỹ năng khác biệt.
Nếu bạn là một lập trình viên, Co-founder nên là một chuyên gia marketing.
Nếu bạn là một nhà thiết kế, Co-founder nên là một nhà phát triển.
Nếu bạn là một người hướng nội, Co-founder nên là một người hướng ngoại.
Nếu bạn là người có "cái đầu lạnh", Co-founder nên là người có "cái đầu nóng".
Nếu bạn là người trầm tính, Co-founder nên là người có khả năng cuốn hút mọi người.
Một hình mẫu để lựa chọn Co-founder đó là quy tắc "one builds, one sells" - có thể hiểu nôm na là "một người sản xuất - một người bán". Một người chịu trách nhiệm xây dựng nên sản phẩm và người còn lại sẽ đảm nhiệm khâu quảng bá đến người dùng. Team sáng lập có sự đa dạng về tính cách, kỹ năng và năng lực thì sẽ tạo ra sức mạnh.
Có sự liên kết về tầm nhìn và giá trị
Đồng chí hướng (mục tiêu), đồng giá trị (điều gì quan trọng) là điều rất khó để nhận dạng, tuy nhiên, chúng lại là những yếu tố cốt lõi khi bạn muốn tìm nhà đồng sáng lập để khởi nghiệp. Trước khi thiết lập quan hệ đối tác thì hãy chắc chắn rằng bạn và Co-founder tương lai đó cùng đứng trên một con thuyền với cùng tầm nhìn và mục tiêu giống như bạn.
Hơn hết, Co-founder sẽ là người chia sẻ cùng bạn những trải nghiệm, không chỉ thành công mà còn cả những thăng trầm. Chỉ khi làm việc cùng nhau thì "những động cơ thực sự sẽ được tiết lộ", hay nói cách khác, hai người phải thực sự hiểu nhau thậm chí theo cách mà người ta vẫn thường gọi là "thần giao cách cảm".
Một sự trái ngược về tầm nhìn của các nhà sáng lập đã được chứng minh chính là căn nguyên dẫn đến thất bại của rất nhiều startup và doanh nghiệp nhỏ. Thế nên, trước khi bắt đầu, bạn hãy cân nhắc thật cẩn thận yếu tố này khi tìm kiếm Co-founder.
Nếu không cẩn thận, những vấn đề mà bạn gặp phải với co-founder cũng nhiều không kém những khó khăn đối với việc kinh doanh nói riêng. |
Khao khát học hỏi
Một Co-Founder lý tưởng là một người luôn khao khát được trải nghiệm và học hỏi. Trải nghiệm là "người thầy" vô cùng tuyệt vời và người phù hợp để cùng bắt đầu khởi nghiệp phải là một người có tố chất đó.
Năng lượng
Khởi nghiệp không dành cho những trái tim yếu đuối, thiếu ý chí và chậm chạp. Khởi nghiệp cần năng lượng, phát triển cần năng lượng, sự tồn tại cần năng lượng. Do vậy, bạn cần tìm kiếm một Co-Founder mạnh mẽ cả về thể lực lẫn tinh thần để cùng nhau vượt qua những thời điểm khó khăn và vươn lên từ thất bại.
Trí tuệ cảm xúc
Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence - EI) "là khả năng nhận dạng và kiểm soát cảm xúc của bản thân cũng như của người khác".
Trong môi trường startup đầy hỗn loạn, trí tuệ cảm xúc đóng vai trò rất quan trọng và một thực tế là, những người sở hữu chỉ số EI càng cao thì họ càng có khả năng trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc.
Đồng sáng lập
Con đường khởi nghiệp có đủ những thăng trầm khiến bất cứ ai cũng dễ dàng mất kiểm soát, nóng giận và bắt đầu đổ lỗi cho người khác. Do vậy, một Co-Founder cần có ý chí và cảm xúc vững vàng để vững tay lái trên hành trình đưa startup hòa nhập với môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh và biến động.
Sự linh hoạt
Đồng sáng lập viên phải là một người linh hoạt để có thể nhanh chóng nắm bắt những biến động của thị trường và điều chỉnh kế hoạch hành động phù hợp. Nếu lựa chọn một người quá cứng nhắc, bảo thủ và định kiến thì với một môi trường khởi nghiệp biến hóa khôn lường thì bạn chẳng thể nào cùng với họ chèo chống công ty được.
Trung thành 100% và minh bạch
Khởi nghiệp cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền của, sức lực và thậm chí là phải làm rất nhiều việc bất hợp pháp (ở mức độ nào đó).
Do vậy, điều cốt lõi ở đây là "người anh em" đã lựa chọn phải tuyệt đối trung thành, thẳng thắn khi nói ra quan điểm, góp ý vì một mục tiêu là khởi nghiệp thành công, đồng thời cũng cần phải minh bạch cả trong lời nói lẫn hành động.
Theo ANTT