Tại VBS 2018, Việt Nam đã nói về cơ hội của cách mạng 4.0, về nền kinh tế số, về việc muốn trở thành một nền kinh tế sáng tạo… |
Doanh nghiệp hối thúc
“Chúng tôi tin rằng, khi đặt doanh nghiệp làm trọng tâm trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, Chính phủ đang mong chờ doanh nghiệp sẽ tối ưu các cơ hội từ đổi mới, cải cách cũng như từ kỷ nguyên số", ông Vincent Truong Kinh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World tbày tỏ khi được hỏi về suy nghĩ trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2019.
Cụ thể, ông kỳ vọng vào nỗ lực tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp; nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, tăng ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực kinh doanh mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục nhắc tới trong hơn 1.000 ngày qua của nhiệm kỳ Chính phủ hiện tại.
“Các doanh nghiệp luôn mong muốn được tiếp cận hệ thống thông tin chia sẻ rộng rãi, được cập nhật kịp thời để nắm bắt rõ và đầy đủ hơn chủ trương, chính sách của Đảng và quy định pháp luật của nhà nước, nhằm xây dựng chiến lược hoạt động phù hợp, hiệu quả, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, đóng góp hữu ích cho cộng đồng”, ông Truong nhấn mạnh với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm VBS 2019.
Tất nhiên, ông Truong không phải là người duy nhất đưa ra các ý kiến hối thúc điều này. 600 đại biểu, bao gồm 200 CEO của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đến dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Á lần thứ 10 và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang thăm và làm việc tại Việt Nam đã đăng ký dự VBS 2019 chờ đợi các thông tin chính thức từ Chính phủ về chính sách mới nhất của Việt Nam với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thông tin về việc Việt Nam ở vị trí thứ 8 trong danh sách 29 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư mà Báo cáo Thế giới và Tin tức Hoa Kỳ đã xếp hạng, công bố vào tháng trước đã chứng tỏ sức nóng của điểm đến Việt Nam trong kế hoạch đầu tư, kinh doanh của giới đầu tư. Các nền kinh tế trong khu vực, gồm Malaysia, Singapore, Indonesia đều đứng sau, với các thứ hạng tương ứng là 13, 14 và 18.
Thứ hạng trên được xếp dựa trên kết quả khảo sát gần 7.000 người ra quyết định kinh doanh, dựa trên 8 tiêu chí như ổn định kinh tế, môi trường thuế thuận lợi, lực lượng lao động lành nghề...
“Các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt đến sự ổn định, sự rõ ràng, đồng bộ của khung khổ pháp lý. Tôi muốn lấy ví dụ, trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, một khung pháp lý và hướng dẫn về hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) theo chuẩn mực tiệm cận quốc tế sẽ tranh thủ được hiệu quả hơn làn sóng đầu tư phát triển hạ tầng đang hướng về các nền kinh tế tăng trưởng tốt”, ông Truong cung cấp thông tin.
Thời khắc hành động
Đây là lần thứ ba VBS được tổ chức, cũng là lần thứ ba thông điệp “Viet Nam: We mean business - Việt Nam: Đối tác kinh doanh tin cậy” được nhắc lại. Chỉ có điểm khác biệt là lần này, kỷ nguyên số được chọn là điểm nhấn.
Năm ngoái, khi VBS lần thứ hai được tổ chức trong dịp WEF ASEAN 2018, chúng ta đã nói về cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, về nền kinh tế số, về việc Việt Nam muốn trở thành một nền kinh tế sáng tạo… Năm nay, doanh nghiệp đã nhìn thấy các chủ trương và giải pháp quan trọng thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử và nền kinh tế số; thực hiện cơ chế một cửa quốc gia ASEAN; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh các địa phương...
“Cơ hội trong nền kinh tế số không dừng lại trong các phiên thảo luận, trên các diễn đàn”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch VBS 2019, đồng Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á nhấn mạnh khi nói về VBS 2019.
Đặc biệt, ông Lộc muốn nói tới Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Chính trị được ban hành cuối tháng 9 vừa qua và thứ hạng mới của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0 năm 2019 mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới công bố.
“Một cuộc cách mạng về thể chế đã được nhắc tới trong Nghị quyết 52. Đây là điều mà giới đầu tư, kinh doanh tin rằng, sẽ có thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong cơ chế, chính sách thời gian ngắn tới đây. Sự lừng khừng, ngần ngừ sẽ không còn trong tư duy quản lý nhà nước sẽ thúc đẩy doanh nghiệp cơ cấu lại theo hướng phát triển bền vững và chuyển đổi số. Đây là cơ sở để thu hút dòng đầu tư nước ngoài mới cho nền kinh tế”, ông Lộc tin tưởng.
Trước đó, đầu tháng 10/2019, VCCI ký thỏa thuận hợp tác với VNPT triển khai chương trình quốc gia về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, trong đó chú trọng các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
“Cơ hội kinh doanh đang chia đều cho tất cả doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhưng tối ưu hóa các cơ hội này sẽ không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp. Chúng tôi đề nghị Chính phủ kiên định con đường đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường, tiếp tục xây dựng một thể chế kinh tế minh bạch và công bằng, một đội ngũ cán bộ công chức tận tâm, phòng chống tham nhũng có hiệu quả, chú trọng thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân dân tộc, coi trọng phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để tạo thế ‘sâu rễ, bền gốc’ cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc khẳng định.
Phải nhắc lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong VBS 2018 rằng, Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa, nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Đồng thời, Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Đây cũng là cơ sở để Việt Nam thu hút được những nhà đầu tư lớn, uy tín.
Chương trình Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2019: 3 phiên thảo luận với 3 nội dung: đổi mới khoa học công nghệ và cơ hội đối với Việt Nam; chuyển dịch nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số: tiềm năng của Việt Nam; tối ưu hóa cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Phiên toàn thể đặc biệt Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam và châu Á (VBS-ABS 2019): Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số. |