Tập đoàn Kido báo lãi 6 tháng đạt 130 tỷ đồng
Quý 2/2020, KDC đạt doanh thu thuần gần 1,957 tỷ đồng, tăng trưởng gần 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, biên lãi gộp quý vừa qua của nhà sản xuất hàng tiêu dùng này co lại chỉ còn 22.6%, trong khi quý 2/2019 lên đến 28.9%.
Nhờ việc giảm mạnh các chi phí bán hàng, Tập đoàn vẫn báo lãi sau thuế tăng trưởng 15.5% trong quý 2 vừa qua.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, KDC đạt 3.683 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14.2% chủ yếu nhờ đóng góp của ngành dầu. Doanh thu từ ngành dầu chiếm 81% doanh thu toàn Tập đoàn và trong nửa đầu năm, doanh thu mảng này tăng trưởng 23.5% so với cùng kỳ năm trước.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng, điểm đáng chú ý vẫn là mức biên lãi gộp sụt giảm so với cùng kỳ. Theo đó, biên lãi gộp của KDC chỉ đạt 21.4% trong nửa đầu 2020, co lại đáng kể so với mức 24.9% của 6 tháng đầu 2019.
Lợi nhuận sau thuế của KDC trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt 130 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước
Chi tiết từng mảng, thứ nhất ngành hàng lạnh, Kido Foods (KDF) ghi nhận doanh thu thuần nửa đầu năm đạt 674 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu ở kênh KA. Trong đó, doanh thu từ kênh KA giảm mạnh cũng làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của KDF, giảm từ 60,25% xuống còn 57,98%. Lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Song song với việc chuyển dịch kênh phân phối, Công ty cũng có sự chuyển dịch chi phí tương ứng từ kênh KA sang các kênh khác có hiệu quả cao hơn. Kết quả, lợi nhuận trước thuế KDF đạt 144 tỷ đồng, thực hiện hơn 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm đã đặt ra.
Thứ hai ngành dầu, Dầu Thực vật Tường An (TAC) đạt 2.189 tỷ doanh thu thuần nửa đầu năm, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giá dầu nguyên vật liệu tăng lên so với năm trước, biên lợi nhuận gộp của Công ty giảm nhẹ từ 15,02% xuống còn 14,1%. Mặc dù vậy, nhờ việc rà soát và cắt giảm các chi phí không hiệu quả, lợi nhuận trước thuế đạt 84,8 tỷ đồng, tăng 41%.
Về Golden Hope Nhà Bè (KDNB), doanh thu thuần 6 tháng Công ty đạt 513 tỷ, tăng 26,66% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận trước thuế đạt 9,4 tỷ, đạt 58,85% kế hoạch năm đã đề ra. Song song, Vocarimex (VOC) đạt doanh thu thuần 1.373 tỷ, tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, đối mặt với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự biến động của giá cả nguyên vật liệu, Tập đoàn đã chuyển dịch hệ thống phân phối, rà soát danh mục sản phẩm, tập trung đẩy mạnh các sản phẩm cốt lõi và cao cấp. Đến giai đoạn cả nước chuyển dịch sang trạng thái bình thường mới, nắm bắt được các xu hướng ăn vặt của giới trẻ và nhu cầu sử dụng các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, Tập đoàn đã cho ra mắt các sản phẩm mới để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2020 của Tập đoàn đạt 180 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 130 tỷ đồng, tăng 14%.
Trở lại ngành bánh kẹo và chơi lớn ngay mùa quà biếu Trung thu 2020
Năm 2020 sẽ là năm Kido "quy tụ" tất cả các đơn vị độc lập hiện nay tại ngành hàng lạnh – Kido Foods (KDF) và mảng dầu gồm Vocarimex (VOC) và Dầu Thực vật Tường An (TAC) về Tập đoàn, hướng đến quay về mảng truyền thống bánh kẹo sau 5 năm chia tay.
Cùng với đó, Kido cũng tiến đến bắt tay với Vinamilk để tiến sâu hơn vào ngành tiêu dùng, mở rộng sang ngành nước giải khát (không gas), sữa… với thương hiệu Vibev.
Có thể thấy rằng, Kido từng là tên tuổi lớn trong ngành bánh kẹo với thương hiệu Kinh Đô. Tập đoàn đã quyết định rời sân chơi nhiều năm trước đây, và một trong những nguyên nhân theo Đại diện là quy mô thị trường không đủ lớn.
Đến nay, sau sự thăm dò thị trường bằng sản phẩm mì snack và nhận được những tín hiệu khả quan từ thị trường và người tiêu dùng, Công ty đang đi theo đúng lộ trình trong quá trình thực hiện chiến lược đa dạng hoá giỏ sản phẩm của khách hàng, tại điều kiện thuận lợi để mở rộng hoạt động sang lĩnh vực khác của thị trường thực phẩm thiết yếu.
Chi tiết, Kido lên chiến lược quay về mảng truyền thống bánh kẹo ngay trong quý 3/2020 – đặc biệt cũng là thềm Tết Trung thu, mục tiêu lấy lại vị thứ 2 trong thời gian không xa, song song mở rộng hơn nữa ra ngành hàng Snacking (đồ ăn vặt).