CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã CK: OGC) vừa công bố báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn của CTCP Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt (viết tắt: Sông Hồng Bắc Việt).
Theo đó, vào ngày 8/12, Sông Hồng Bắc Việt đã thực hiện giao dịch (hoặc hoán đổi) để nắm giữ gần 27,06 triệu cổ phiếu OGC, tương ứng với 9,02% vốn điều lệ. Trước đó, Sông Hồng Bắc Việt không nắm giữ cổ phiếu OGC nào.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Sông Hồng Bắc Việt được thành lập vào ngày 1/12/2023 - tức 7 ngày trước khi trở thành cổ đông lớn của OGC. Công ty này đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại tòa nhà Icon4, số 243 Đê La Thành, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, với ngành nghề kinh doanh chính là "hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu (chi tiết: tư vấn đầu tư)". Vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Sông Hồng Bắc Việt do bà Đinh Thị Nhi (SN 1994) đảm nhiệm.
Thời điểm ban đầu, Sông Hồng Bắc Việt có vốn điều lệ 189,2 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Ông Nguyễn Đức Tâm (sở hữu 47,7% vốn điều lệ), ông Lê Thanh Hải (46,46% VĐL) và bà Đặng Thị Thủy (5,84% VĐL). Ông Lê Thanh Hải hiện là người đại diện CTCP Đầu tư Hạ tầng Đô thị Thăng Long tại Nghệ An.
Trong khi đó, 2 cổ đông còn lại đều dẫn đến hình bóng của một trong những tập đoàn bất động sản sở hữu quỹ đất rộng và đa dạng bậc nhất cả nước. Ít năm trở lại đây, nhóm này còn đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Cụ thể, bà Đặng Thị Thủy sinh năm 1994, hiện là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư và Phát triển Thương mại Kim Sa. Đây là doanh nghiệp ra đời vào cuối năm 2021 với vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng, góp bởi các ông/bà: Nguyễn Ngọc Liên (29,17%), Đinh Minh Toàn (29,17%) và Nguyễn Khánh Dung (41,67%).
Dữ liệu Nhadautu.vn thể hiện, vào tháng 9/2022, Kim Sa đang nắm 48,9 triệu cổ phần, tương ứng giá trị 489,2 tỷ đồng tại CTCP phát triển nghỉ dưỡng Đà Nẵng (viết tắt Công ty Đà Nẵng). Công ty Đà Nẵng ra đời vào tháng 10/2021 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm bà Phạm Thị Ngọc Thanh (15%), bà Trần Thị Kiều Tiên (70%) và Nguyễn Phan Việt (15%). Một năm sau đó Công ty Đà Nẵng tăng vốn lệ lên 515 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Hà Đăng Sáng (SN 1985).
Doanh nhân sinh năm 1985 này nên biết là một mắt xích trong hệ sinh thái TNG Holdings. Theo đó, ông Sáng hiện đang là Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại CTCP Đầu tư phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam.
Về phần mình, ông Nguyễn Đức Tâm - cá nhân sở hữu 47,7% vốn Sông Hồng Bắc Việt, hồi năm 2013 là cổ đông nắm cổ phần tại CTCP Bê tông Xây dựng Hà Tây và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại An Thái. Song hành cùng ông Tâm ở vai trò cổ đông tại 2 doanh nghiệp này còn có CTCP Mua bán nợ VID, nay là CTCP Đầu tư Tiến An.
Cùng ngày 23/12/2023, ông Tâm và Đầu tư Tiến An đã thế chấp cổ phần Bê tông Xây dựng Hà Tây và Thương mại An Thái tại Ngân Hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).
Đáng chú ý, trong một báo cáo công bố hồi tháng 5/2021, CTCP Đầu tư Tiến An là bên liên quan với CTCP May - Diêm Sài Gòn, một "mắt xích" trong nhóm TNR Holdings.
Ở một chi tiết khác, Sông Hồng Bắc Việt và CTCP Đầu tư xây dựng TNCONS ít nhiều cũng có liên hệ với nhau, dễ thấy nhất là chi tiết cùng số điện thoại đại diện. TNCONS được thành lập từ tháng 4/2015 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, trong đó công ty con của CTCP Đầu tư TNG Holdings Việt Nam là Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ Sao Kim (nay là Công ty TNHH TNG Realty) góp đến 99,5%.
Giao dịch của Sông Hồng Bắc Việt diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu OGC đang nằm trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính ở mức âm. Điều này phần nào cho thấy sự quan tâm đặc biệt của giới chủ Sông Hồng Bắc Việt dành cho Ocean Group.
Dù vậy cần lưu ý rằng, thông tin holdings này xuất hiện tại "game" đổi chủ của OGC đã được manh nha từ trước đó. Tại AGM 2022, tân Chủ tịch HĐQT OGC còn thông tin rằng: IDS Equity Holdings đã hợp tác với "một số nhà đầu tư" để thực hiện đầu tư vào OGC; "Hiện nhóm cổ đông này đang nắm chi phối tại OGC".
Ocean Group từng là tập đoàn đa ngành hàng đầu gắn liền với tên tuổi của đại gia Hà Văn Thắm, với quy mô hàng chục công ty con hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực từ bất động sản, du lịch - nghỉ dưỡng, truyền thông, chứng khoán, ngân hàng, thương mại...
Giai đoạn 2007-2010, trước thềm chào sàn, OGC chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc. Với số vốn chỉ 10 tỷ đồng năm 2007, 3 năm sau đó công ty đã nhanh chóng tăng vốn lên 2.500 tỷ và tăng lên 3.000 tỷ đồng năm 2011. Ở thời kỳ đỉnh cao 2010-2013, doanh thu tập đoàn này lên tới cả chục nghìn tỷ và đều đặn báo lãi ròng hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ocean Group vướng vòng lao lý cuối năm 2014, tập đoàn này như rơi vào tâm bão với nhiều khó khăn chồng chất. Vòng xoáy thua lỗ kéo tổng tài sản OGC giảm hơn nửa, lỗ lũy kế gần hết vốn điều lệ. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu OGC có thời điểm rơi về mức thấp nhất còn hơn 1.000 đồng một cổ phiếu.
Sau nhiều biến động, OGC được xem như đã "đổi chủ" từ cuối năm 2020, với sự xuất hiện của IDS Equity Holdings – tổ chức dẫn dắt một nhóm nhà đầu tư thâu tóm 51% cổ phần của OGC và 22,3% cổ phần tại công ty con của OGC là CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (Mã CK: OCH). Sau đó, nhóm cổ đông này đã uỷ quyền hoàn toàn cho IDS Equity Holdings (IDS) tất cả các quyền và nghĩa vụ với tư cách cổ đông OGC.
Hậu đổi chủ tình hình kinh doanh của OGC ghi nhận sự khởi sắc, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, OGC có doanh thu thuần đạt 850,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi chi phí, công ty này báo lãi sau thuế 176,8 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra trong năm. Dù vậy, tại ngày 30/9/2023, lỗ lũy kế sau thuế chưa phân phối của OGC là 2.595 tỷ đồng.