Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Doanh nghiệp Việt Nam với đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), có quy mô nhỏ và thời gian hoạt động ngắn, vì vậy, thường hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm trong ứng phó với những biến động bất ngờ của nền kinh tế, nhất là trong các cuộc khủng hoảng có tác động trên quy mô rộng và thời gian dài như đại dịch Covid-19.
Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) cùng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng” nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực ứng phó với các cú sốc tương lai
Theo nghiên cứu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, khi đối mặt với khủng hoảng, các doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi phương thức kinh doanh. Đồng nghĩa với điều đó thì việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp là một yếu tố sống còn để đảm bảo doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và phát triển.
Ngoài ra, khảo sát của Nghiên cứu cũng cho thấy đa phần các doanh nghiệp đều chung quan điểm coi nhân sự là tài sản, đóng vai trò quan trọng nhất, là yếu tố hàng đầu trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp.
Trong giai đoạn khủng hoảng, quản trị nguồn lực tài chính và cân đối dòng tiền là yếu tố cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực với các mức dự trữ tiền, tài sản phù hợp với quy mô hoạt động của doanh nghiệp để có thể đầu tư vào hoạt động sản xuất, tham gia vào các dự án mới hoặc ít nhất là có thể duy trì được hoạt động SXKD ngay cả khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi khủng khoảng.
Thêm vào đó, nghiên cứu cũng chỉ ra Việt Nam chủ yếu là DNNVV, với đặc điểm là tính linh hoạt cao nhưng sức chống chịu kém. Khi gặp khủng hoảng, thường chưa có chiến lược ứng phó và quản trị rủi ro.
Một phát hiện được các chuyên gia đánh giá cao trong nghiên cứu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chính là các doanh nghiệp do nữ làm chủ thể hiện sự linh hoạt hơn trong thời kỳ khủng hoảng, chủ động hơn trong việc lập kế hoạch dự phòng và áp dụng các chiến lược kinh doanh thận trọng, từ đó tăng khả năng phục hồi của họ trong thời kỳ khủng hoảng.
Như vậy, để giúp các doanh nghiệp có thể thích ứng và ứng phó có hiệu quả với các các cú sốc bất ngờ trong tương lai đòi hỏi phải có những giải pháp như cải thiện và nâng cao năng lực về tài chính để trụ vững, duy trì hoạt động trong khủng hoảng; đảm bảo việc làm và khả năng thích ứng cho lao động chủ chốt;
Nghiên cứu cũng đưa ra thêm giải pháp nâng cao năng lực ứng phó với khủng hoảng và khả năng chủ động thích ứng với những biến động bất thường của các diễn biến trong và ngoài nước; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngắn hạn giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển; tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp khi đối diện với khủng hoảng.
Quản trị kinh doanh tốt – chìa khoá vạn năng của doanh nghiệp
TS.Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: “Yếu tố về quản trị doanh nghiệp tốt ngày càng trở nên quan trọng và Chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp quản trị tốt”.
Bởi ông Hiếu cho rằng, nếu doanh nghiệp chống chịu được do có nguồn tài chính, lợi thế ngành nghề, thị trường,… đâu đó vẫn có yếu tố may mắn. Nhưng với năng lực quản trị doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có bị tác động bởi khủng hoảng hay không đều có thể thích ứng với mọi biến động không lường trước, điển hình như yếu tố quản trị rủi ro trong mô hình quản trị doanh nghiệp đã đủ khả năng giúp doanh nghiệp chống chọi mọi biến cố.
Ngoài ra, ông Hiếu có lấy ví dụ, hiện nay, khi thị trường vốn ngày càng khó khăn bởi việc thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, siết chặt room tín dụng… doanh nghiệp không còn kênh huy động nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh, chất lượng của thị trường vốn về dài hạn chính là chất lượng bản thân doanh nghiệp niêm yết, và quản trị là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp.
Về vấn đề phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, ông Hiếu cũng cho rằng chất lượng quản trị doanh nghiệp cũng góp phần rất nhiều cho doanh nghiệp trong việc tích cực chủ động tham gia, thực thi chính sách phòng chống tham nhũng, kinh doanh liêm chính, chống lạm quyền,…
Khẳng định vai trò về quyền nữ trong kinh doanh, chung quan điểm với báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, ông Hiếu cũng đưa ra một nghiên cứu khác của một ngân hàng Thuỵ Sỹ về 2.360 công ty đại chúng trong vòng 6 năm, công ty nào có ít nhất một thành viên HĐQT là nữ, giá cổ phiếu có kết quả tốt hơn 26% so với công ty không có phụ nữ, và thu nhập lớn hơn 14%/năm. Công ty vừa và nhỏ có tối thiểu một thành viên HĐQT là nữ thì gía cổ phiếu tốt hơn 17 lần.
Chia sẻ về quan điểm của mình, ông Hiếu mong muốn các doanh nghiệp nâng cao năng lực phản ứng chính sách nhanh nhạy, cập nhật trong bối cảnh cải cách thể chế.
Bởi khung pháp lý mới đòi hỏi doanh nghiệp thực sự tuân thủ pháp luật nhưng vẫn đảm bảo sự linh hoạt. Như việc doanh nghiệp gia nhập thị trường nhanh hơn trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và rút lui khỏi thị trường cũng phải nhanh để cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với từng thời điểm.
Ông nhấn mạnh tính tiên liệu trước các chính sách giúp doanh nghiệp chống chọi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sự ra đời của Nghị định 128 đã thay đổi tư duy, tạo ra khuôn khổ pháp lý mới. Tuy nhiên doanh ngiệp phải có khả năng dự liệu trước những ứng xử của Chính Phủ, những chính sách trước đó một thời gian để không trở nên bị động, và có điều kiện xây dựng doạt động sản xuất kinh doanh phù hợp.
Đồng tình với ông Hiếu, bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh một số chính sách cũng chưa thực sự hỗ trợ được cho doanh nghiệp, kể cả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 2% lãi suất bởi tốc độ giải ngân còn chậm, các chính sách có độ trễ lớn.
Bà khuyến nghị Chính phủ cần hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác những cơ hội của CMCN 4.0 để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng...Với năng lực quản trị tốt, kể cả doanh nghiệp có bị tác động bởi khủng hoảng hay không đều có thể thích ứng với mọi biến động không lường trước.