Hà Nội, Thứ Tư Ngày 17/04/2024

“Đế chế” bán lẻ của doanh nhân Nguyễn Đức Tài bị 'tố' tự ý giảm tiền thuê mặt bằng?

DOANH NHÂN VN 13:29 04/10/2021

Chủ nhà cho biết, nếu phía Thế giới di động (TGDĐ) vẫn không tôn trọng và tuân thủ các điều khoản cho thuê đã ký thì sẽ chuyển hồ sơ khởi kiện lên Tòa án Nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Đơn phương tuyên bố không thanh toán đủ tiền thuê mặt bằng?

Đầu tháng 8, Công ty CP Thế giới Di động đã Công văn 0208/2021/TGDĐ – ĐMX ngày 02/08/2021 gửi các đối tác mặt bằng của chuỗi cửa hàng Thế giới Di động về việc thanh toán tiền thuê mặt bằng, trong giai đoạn cửa hàng đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

Trong công văn, ông Quách Vĩnh Nam, Giám đốc bán hàng toàn quốc, đại diện của Công ty CP Thế giới Di động nêu, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, công ty đã tích cực cắt giảm nhiều chi phí, nhưng việc phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng đã làm công ty không phát sinh doanh thu hoặc doanh thu sụt giảm nhiều, điều này ảnh hưởng tới tình hình hoạt động của công ty.

Trên cơ sở đó, Công ty CP Thế giới Di động đã có thông báo về một số giải pháp sẽ triển khai trong giai đoạn này.

Cụ thể, Thế giới Di động sẽ không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước.

Không tính tiền thuê 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch.

Thời gian áp dụng từ 1/1/2021 đến 1/8/2021 đối với trường hợp nêu tại Mục 1 và Mục 2, tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ tiếp tục áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu như xảy ra các trường hợp bất khảng kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.

Tuy nhiên, ông Trần Kỷ Mùi, một trong những ông chủ mặt bằng đã cho Thế giới Di động thuê mặt bằng tại An Nhơn, Bình Định đã có đơn phúc đáp lại Công văn 0208/2021/TGDĐ – ĐMX ngày 02/08/2021 về việc điều chỉnh giảm trừ thanh toán phí thuê mặt bằng của Thế giới Di động.

Trong đơn phúc đáp, ông Mùi khẳng định, trong Hợp đồng cho thuê đã ký kết với Thế giới Di động, không có bất kỳ điều khoản nào nêu rõ việc Thế giới Di động được tự ý giảm giá thuê mặt bằng, khi xảy ra dịch COVID-19 tại địa bàn An Nhơn và chưa có sự đồng ý của bên cho thuê.

Căn cứ vào quy định tại Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ký ngày 16/01/2020 giữa Chi nhánh CTCP Thế giới Di động tại Bình Định và ông Trần Kỷ Mùi về việc Chi nhánh TGDĐ tại Bình Định thuê mặt bằng kinh doanh tại đại chỉ 160A Trần Phú, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định để mở cửa hàng kinh doanh, ông Mùi cho rằng giá thuê được nêu rõ tại Điều 4 của Hợp đồng và Điều 9 Cam đoan của các bên “không có điều khoản nào nêu rõ việc CTCP Thế giới Di động được tự ý giảm giá thuê mặt bằng” khi xảy ra dịch COVID-19 tại địa bàn An Nhơn và chưa có sự đồng ý của người thuê mặt bằng.

Trên cơ sở đó, ông Mùi không đồng ý việc Thế giới Di động được tự ý giảm giá thuê mặt bằng theo hợp đồng đã ký.

Ông Mùi rất thông cảm các yếu tố dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty, nhưng không vì vậy mà Thế giới Di động muốn tự giảm giá kiểu gì thì giảm, mà không quan tâm tới ý kiến của người cho thuê nhà.

Nếu Thế giới Di động tiếp tục không tôn trọng và tuân thủ hợp đồng đã ký, ông Mùi sẽ chuyển hồ sơ khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết.

Tăng trưởng 2 con số

Theo cập nhật tình hình BCTC quý II/2021 của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (hoSE: MWG), bất chấp ảnh hưởng của COVID-19, doanh thu Thế giới Di động vẫn đạt kỷ lục.

Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất quý II của MWG đạt 31.658 tỷ đồng, tăng 20%; giá vốn tăng thấp hơn nên lãi gộp tăng 24% đạt 7.143 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng nhẹ từ 21,9% lên 22,6%.

Doanh thu tài chính tăng 80% lên 305 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 25% lên 171 tỷ đồng. Chi phí bán hàng lớn nhất trong các chi phí và tăng 26% lên 4.444 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng 20% lên 1.201 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ MWG đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 36%.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 62.487 tỷ đồng, tăng 12,3%; lãi sau thuế 2.551 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, nhà bán lẻ thực hiện 50,4% chỉ tiêu doanh thu và 53,7% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Doanh nghiệp cho biết, ngành hàng điện thoại tăng trưởng 16%; laptop, điện lạnh và gia dụng tăng một chữ số với cùng kỳ nên chuỗi Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động vẫn đóng góp lớn vào tổng doanh thu, lần lượt khoảng 33.300 tỷ đồng và 15.600 tỷ đồng. Chuỗi Bách Hoá Xanh đóng góp 21,4%, tương đương 13.370 tỷ đồng.

Riêng tháng 6, chuỗi điện thoại và điện máy thu hơn 7.880 tỷ đồng và tăng 21% so với cùng kỳ. Kết quả này, theo ban lãnh đạo là nỗ lực lớn trong bối cảnh gần 1.000 cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng để phòng dịch.

Ông chủ "đế chế" bán lẻ Thế giới Di động là ai?

Doanh nhân Nguyễn Đức Tài sinh ngày 30/5/1969 tại TP.HCM, quê gốc ở Nam Định. Ông chính là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động. Ông Nguyễn Đức Tài là 1 trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2019. Tổng giá trị tài sản hiện nay của ông lên đến 3.260,88 tỷ đồng.

Mỗi khi nhắc đến cái tên Thế Giới Di Động là hầu như người Việt Nam đều biết đến với chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại, máy tính, phụ kiện… nổi tiếng. Bên cạnh việc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, ông Nguyễn Đức Tài còn là chủ của hệ thống các cửa hàng Điện máy xanh, Bách hoá xanh. Thành công nhất của ông chính là việc phát triển Thế Giới Di Động thành một trong những thương hiệu, nhà bán lẻ mặt hàng di động hàng đầu Việt Nam.Được biết đến là một tỷ phú nổi tiếng, như một “người khổng lồ” trong ngành bán lẻ điện thoại di động và các thiết bị điện máy với hai siêu phẩm là Thế Giới Di Động và Điện máy xanh, chiếm thị phần số 1 Việt Nam hiện nay.

Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Pháp, ông Tài quyết định quay về nước và làm Giám đốc tài chính cho 1 tập đoàn của Thụy Sĩ có trụ sở tại Việt Nam. Sau 8 năm gắn bó với công việc Giám đốc tài chính ông Tài quyết định từ bỏ công việc tốt để khởi nghiệp. Ông bắt đầu công việc kinh doanh bằng việc mở 3 cửa hàng bán điện thoại di động.

Tuy nhiên, bởi sự chủ quan, tính hiếu thắng không cần ai giúp đỡ hay hợp tác cùng đã khiến ông gặp thất bại thảm hại. Nhưng ông quyết không từ bỏ ý định kinh doanh của mình. Để có thể xây dựng sự nghiệp lại một lần nữa, ông Tài lại đi làm thuê để tích góp tiền vốn kinh doanh.

Năm 2004, ông cùng với 4 cộng sự của mình thành lập Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động với số vốn khoảng 2 tỷ đồng. Trong số 2 tỷ tiền vốn ban đầu, ông Tài có đóng góp 700 triệu đồng. Ông mở liên tiếp 3 cửa hàng bán lẻ điện thoại, cùng với việc xây dựng quảng cáo cửa hàng thông qua website trực tuyến. Tuy nhiên, kết quả doanh thu cũng chẳng mấy khả quan.

Nhận thấy sai lầm trong cách điều hành kinh doanh, ông đã chọn việc tập trung đầu tư vào 1 cửa hàng bán điện thoại duy nhất một cách bài bản. Chính điều này đã giúp ông thu về một lượng khách hàng ổn định, tốc độ phát triển ấn tượng.

Giai đoạn năm 2004 -2008 dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Đức Tài có hơn 40 cửa hàng Thế Giới Di Động được ra đời và đi vào hoạt động. Để có thể nắm rõ được tình hình hoạt động của công ty, mọi khâu kinh doanh từ: Bán hàng, tuyển dụng, giá bán, vận hành đều có sự tham gia của ông Tài.

Sau sự thành công rực rỡ của chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại Thế Giới Di Động, ông Tài tiếp tục cho xây dựng đế chế mới, lấn sân sâu vào lĩnh vực điện máy, các chuỗi cửa hàng Điện máy xanh tiếp tục được ra đời. Đến nay, bên cạnh Thế Giới Di Động và Điện máy xanh, ông Tài tiếp tục mở rộng thị trường kinh doanh hàng tiêu dùng với sự ra đời của Bách hoá xanh – đơn vị bị phản ánh bán hàng tăng giá trong thời điểm dịch căng thẳng khiến nhiều khách hàng bức xúc.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh công bố gần đây, MWG ghi nhận hơn 6.500 tỷ đồng doanh thu và 222 tỷ đồng lợi nhuận riêng trong tháng 8/2021, lần lượt giảm gần 32% và 4% so với tháng trước. Đây là kết quả kinh doanh thấp nhất của MWG kể từ đầu năm 2021.

MWG cho biết do giãn cách xã hội để phòng chống dịch, 70% tổng số điểm bán của TGDĐ/ĐMX trên toàn quốc phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng trong suốt tháng 8. Ngoài ra, 50% tổng số cửa hàng BHX tại TP.HCM và một số tỉnh Nam bộ không thể phục vụ khách mua sắm trực tiếp tại cửa hàng từ 23/08 trở đi.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 78,495 tỷ đồng và lãi sau thuế 3,006 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 12% so với cùng kỳ. Doanh thu online đóng góp hơn 7,540 tỷ đồng cho MWG, tăng 17%. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 63% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/de-che-ban-le-cua-doanh-nhan-nguyen-duc-tai-bi-to-tu-y-giam-tien-thue-mat-bang.html

Bạn đang đọc bài viết “Đế chế” bán lẻ của doanh nhân Nguyễn Đức Tài bị 'tố' tự ý giảm tiền thuê mặt bằng? tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần