Hiện nay, mỗi năm có khoảng 150 triệu thiết bị di động được xuất xưởng từ Việt Nam và xuất khẩu đi toàn thế giới, chiếm khoảng 40% số thiết bị di động mà Samsung bán ra trên toàn cầu. Sự xuất hiện của các tên tuổi lớn này cũng đã khơi nguồn cảm hứng để Bkav, rồi mới đây là Vinsmart bắt tay vào sản xuất smartphone “made in Vietnam”.
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài luôn đánh giá cao các dự án đầu tư của Samsung tại Việt Nam, không phải chỉ vì những khoản đầu tư lớn, mà còn vì những gì mà các dự án này mang lại cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên khi kinh tế khó khăn thì Samsung luôn được coi là một trong những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng xuất siêu… và luôn có một nỗi lo ngại mơ hồ rằng, nếu Samsung “xổ mũi” thì kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc, Tập đoàn Samsung mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. |
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng
Sự có mặt của Samsung cũng được ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá cao, bởi Samsung xuất hiện đã kéo theo hàng tỷ USD vốn đầu tư từ các nhà sản xuất vệ tinh khác, qua đó góp phần phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Chưa hết, Samsung - với nỗ lực của mình cũng đã hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình sản xuất, để có thể trở thành các nhà cung cấp cho Samsung.
Hiện tại, số lượng doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung gia tăng mạnh mẽ. Từ 4 doanh nghiệp vào năm 2014, hiện đã có 35 doanh nghiệp, và dự kiến sẽ có 50 doanh nghiệp vào năm 2020. Còn số lượng các nhà cung cấp cấp hai đã lên tới hơn 200 doanh nghiệp.
Tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt nâng cao doanh thu, hay lợi nhuận, mà nói như ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Thang Long Tech, là từ ngày làm ăn với Samsung, LG, “chúng tôi trở thành người khác”. Khác ở đây chính là tư duy tốt lên, làm ăn bài bản hơn, hiệu quả hơn, tiếp cận với kinh doanh quốc tế tốt hơn... Đó là những tác động to lớn mà khó có thể đong đếm được của Samsung đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, dù có thể chưa được như kỳ vọng.
TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển (DEPOCEN) cho rằng, Samsung đã làm thay đổi cả bộ mặt ngành điện tử của Việt Nam, thay đổi cả cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Ở góc độ đóng góp của doanh nghiệp, Samsung đã có những đóng góp rất tích cực cho nền kinh tế nói chung, cho xuất khẩu cũng như góp một phần nào đó chi việc xây dựng được một vài nền tảng ban đầu của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR)- Đại học Quốc gia Hà Nội, Samsung là một doanh nghiệp lớn đầu tư ở Việt Nam thì chắc chắn đấy là cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Thử tưởng tượng, bây giờ Samsung không đầu tư ở Việt Nam mà chuyển sang nước bên cạnh thì chúng ta cũng cảm thấy ghen tị hoặc nuối tiếc.
Nhưng nếu cần đong đếm, có lẽ, các nhà lãnh đạo của Thái Nguyên hay Bắc Ninh sẽ là những người “đong đếm” giỏi nhất những tác động của Samsung đối với kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Nguyễn Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên hẳn biết rằng, 5-6 năm trước, Thái Nguyên chỉ được biết đến có sắt, thép, chè, xuất khẩu chỉ hơn 130 triệu USD. Nhưng nay thì con số đã “một trời một vực”. Và Samsung thì đóng góp tới 99% kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên.
“Từ khi Canon, Foxconn, đặc biệt là Samsung… đầu tư vào Bắc Ninh, các ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp điện, điện tử, viễn thông đã được hình thành tại đây. Những dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia đã tạo nên hình ảnh năng động, phát triển và cũng chính là thương hiệu của Bắc Ninh trong quá trình hội nhập”, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã nói như vậy. Hiện Samsung đóng góp tới 75% kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh.
Điều cần lúc này là cơ hội đến thì chúng ta tận dụng nó như thế nào trong thời gian họ còn đang ở đây. Vì chu kỳ sản phẩm của điện thoại di động cũng có thể thay đổi chứ không phải do Samsung. Giống như Nokia, là một "đại doanh nghiệp" huy hoàng rồi cũng biến mất vì chu kỳ sản phẩm của thế hệ điện thoại đó không còn nữa.
Việt Nam luôn ủng hộ nhà đầu tư
Chúng ta sẽ có được lợi thế như thế nào khi Samung đầu tư vào Việt Nam? Theo ông Thành, Việt Nam đã xuất khẩu được một lượng hàng khổng lồ, có một lượng ngoại hối, ngoại tệ như vậy để xây dựng một nguồn dự trữ ngoại hối lớn và duy trì sự ổn định tỷ giá như hiện nay. “Các doanh nghiệp trong nước như khu vực quốc doanh hay khu vực Nhà nước có thể lợi dụng thời kỳ ngoại tệ tương đối dồi dào này để nhập khẩu công nghệ, thiết bị, nguyên vật liệu để tăng cường tỷ suất nội địa hay không? Đây là đóng góp gián tiếp của Samsung cũng như các doanh nghiệp lớn khác, chúng ta phải nhìn thấy điều đó”, ông Thành nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam (Ảnh: Quang Hiếu/VGP) |
Và trong buổi tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam Choi Joo Ho mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc, Tập đoàn Samsung mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn Tập đoàn không chỉ trong lĩnh vực lắp ráp các sản phẩm điện tử mà mở rộng năng lực phát triển công nghệ; tiếp tục nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm công nghệ thế hệ mới phù hợp xu thế phát triển cũng như yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng công nghệ thông tin 4.0 hiện nay; hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai Chính phủ điện tử mà Samsung có nhiều kinh nghiệm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh lãnh đạo Tập đoàn tại Hàn Quốc đã có quyết định đầu tư Dự án xây dựng Văn phòng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Hà Nội và Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND TP Hà Nội, cơ quan liên quan để xem xét, xử lý sớm các kiến nghị của Tập đoàn, bảo đảm kịp tiến độ xây dựng Tòa nhà, nếu có vấn đề vướng mắc, vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Samsung tiếp tục hỗ trợ thiết thực về đào tạo và chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có cơ hội hợp tác tham gia cung cấp các nguyên vật liệu, linh kiện cho các dự án của Tập đoàn.
Theo Nguyễn Việt/Diễn đàn Doanh nghiệp