Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Doanh nhân Trần Bá Dương: Để đi xa hơn, đừng ngại đi cùng nhau

DTVN 08:34 14/10/2019

“Đất nước cho tôi cơ hội phát triển thì tôi phải có trách nhiệm giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo, nhất là các doanh nghiệp nhỏ”, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương chia sẻ.

Đồng thời đây cũng là chia sẻ của Doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã nói vậy khi được hỏi về con đường ông đang đi.

Sẻ chia

“Tôi nói với anh em trong Công ty là sẽ tiếp tục chọn dòng xe Kia để phát triển dịch vụ taxi, chứ không phải thương hiệu nào khác. Điều này không chỉ bởi ân tình của ông Trần Bá Dương, mà còn là bởi Kia ngày càng có những mẫu xe đa dạng, giá hấp dẫn và tiết kiệm nhiên liệu”. Ông Nguyễn Tuấn Mùi, Giám đốc Công ty Taxi Sài Gòn, đồng thời là Chủ tịch Liên minh Taxi Việt chia sẻ như vậy khi nán lại cuối cùng, để chúc mừng vị thuyền trưởng của Thaco trong lễ ra mắt xe Kia Soluto giữa tháng trước.

Sau nhiều năm tham gia gầy dựng tại Mai Linh, năm 2010, ông Mùi quyết tâm khởi nghiệp riêng trong lĩnh vực dịch vụ vận chuyển. “Ban đầu đầy khó khăn, vốn ít mà cần phải có số xe nhất định, trong khi đối tác cùng làm lúc đó có trục trặc khiến tôi lúng túng. Khi biết chuyện, ông Dương đã đồng ý cho tôi nợ tiền mua xe với con số không nhỏ. Bàn tay được chìa ra khi khó khăn đã giúp tôi đứng vững ngay từ ban đầu. Không những vậy, cả quá trình phát triển sau này, ông Dương vẫn để tâm, góp ý xác đáng về đường hướng phát triển cũng như trợ giúp mỗi khi Công ty mua xe loạt lớn”, ông Mùi kể.

Bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ với nghề vận chuyển bằng taxi, sau gần 10 năm chăm chỉ, việc kinh doanh của ông Mùi đã ổn định với hơn ngàn xe ở khu vực Đông Nam Bộ.

Doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco)

Từng cho biết, “nếu gắn được chữ tình vào trong mỗi quyết định kinh doanh, gắn được trách nhiệm cộng đồng vào mỗi bước đi sẽ luôn tìm ra một lối đi tươi sáng”, nên ông Mùi rất trân trọng chữ tình mà ông Dương đã dành cho mình trong lúc khó khăn trên chặng đường lập nghiệp, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội, giúp đỡ được con em của đồng đội ngày xưa và có nhiều điều kiện hơn để làm từ thiện.

Ít phút ngồi riêng của 2 doanh nhân những tưởng chỉ đủ để ông Mùi nói lời chúc mừng tới ông Dương và Thaco. Nhưng ông Dương kịp tranh thủ thời gian chia sẻ góc nhìn của mình về xu hướng sắp tới trong ngành dịch vụ vận chuyển, để bạn làm ăn suy ngẫm hướng hoạt động khi cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Làm công nghiệp đòi hỏi có khát vọng lớn ngay từ đầu, có ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi. Nếu cứ vừa làm vừa nghĩ mở đến đâu thì tôi đâu có ra Chu Lai, ở Biên Hòa là quá đủ.

Sẻ chia, giúp nhau hướng về một tương lai tốt hơn luôn được ông Dương tâm niệm trong nghiệp kinh doanh của mình.

Khởi nghiệp ở ngành cơ khí chế tạo vốn đòi hỏi những kiến thức kỹ thuật nhất định, nhưng sự đam mê và nỗ lực không mệt mỏi đã giúp “anh thợ sửa xe có bằng đại học” năm xưa lập doanh nghiệp riêng cho mình và đi được rất xa trong lĩnh vực này.

Bởi vậy, ông Dương hơn ai hết thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất, nhất là cơ khí vì “làm công nghiệp thực sự rất vất vả, không có chuyện nay thấy hay thế này thì làm, mai thấy hay hơn thì làm theo cách đó, bởi đi kiểu đó chỉ có nước chết”.

Không ngại ngần bộc bạch trước lãnh đạo Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cơ khí sự “trân trọng tất cả những ai đam mê ngành cơ khí, có năng khiếu tham gia ngành này”, ông Dương đã thực hiện chiến lược mở rộng sản xuất bên cạnh các nhà máy, công ty hiện hữu để làm bệ đỡ cho những người có chung đam mê về cơ khí chế tạo, để họ đi được lâu dài.

Nhà máy máy nông nghiệp công suất 3.000 máy/năm hay các công ty: Cơ khí và Giải pháp nông - lâm nghiệp, Cơ khí Xây dựng, Thiết bị công nghiệp được hình thành thông qua hình thức liên doanh, liên kết với các đối tác có kinh nghiệm, năng lực để hợp tác sản xuất, kinh doanh, nhận chuyển giao công nghệ, mua sáng chế của nông dân, tổ chức, doanh nghiệp để phát triển sản phẩm...

“Hình ảnh của các nhà khởi nghiệp từ cơ khí, cũng là hình ảnh của tôi trong những nhiều năm trước đây”, ông Dương nói.

Cứu người cũng là giúp mình

Khi cuộc hôn nhân của Thaco và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mới khởi động, nhiều người đã hoài nghi về mối quan hệ và những cam kết này bởi cho rằng, phần lợi nghiêng về Thaco.

Là người khai mở, quy tụ được tới 80.000 ha đất không chỉ ở Việt Nam và cũng đã trải qua 25 năm hoạt động trên thương trường, hơn ai hết, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức hiểu rõ nhất tình thế của mình.

Ở thời điểm đầu năm 2018, mặc dù đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét tái cấu trúc nợ, giảm lãi suất, đồng thời Công ty cũng đã nỗ lực cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng giảm nợ, nhưng tổng dư nợ vay của HAGL vẫn còn khoảng 23.000 tỷ đồng, dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh hàng năm rất lớn.

Đi tìm người “cứu mình”, nhưng ông Đức rất thẳng thắn khẳng định, đó phải là người có tiền tươi và biết làm ăn công nghiệp ở quy mô lớn, chứ không hề tìm tới những doanh nghiệp bất động sản thuần tuý.

Sau 1 năm hợp tác, Thaco đã đầu tư vào HNG thuộc HAGL thông qua việc mua 35% vốn với số tiền 3.949 tỷ đồng; cho vay 2.464 tỷ đồng. Công ty THADI do Thaco thành lập đã mua cổ phần 3 công ty con của HNG, sở hữu 23.100 ha đất với số tiền là 7.626 tỷ đồng, đồng thời đã nhận nợ vay 2.500 tỷ đồng và sẽ nhận nợ 3.500 tỷ đồng. Công ty Đại Quang Minh góp 65% vốn theo thỏa thuận, sẽ ứng mua tiếp 35% đồng thời sẽ ứng vốn trả nợ đến hạn và chi phí đầu tư cho giai đoạn II là 8.155 tỷ đồng.

Số “tiền tươi” mà Thaco đã bỏ ra đầu tư lên tới 22.194 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) đúng như kế hoạch hợp tác được công bố cách đây 1 năm đã giúp HAGL cơ bản ổn định dòng tiền.

Ông Đức không giấu nổi vui mừng khi cho phóng viên Báo Đầu tư hay, chỉ sau 1 năm hợp tác, HNG đã thực sự thoát khỏi tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, nợ ngân hàng của HAGL đã giảm được 50% và chỉ trong 1-2 năm nữa là ông lại khoẻ re.

Ít người nhận thấy sự khác biệt từ vị doanh nhân có biệt danh “phủi và thẳng” chuyên đời mặc quần kaki ở bất cứ sự kiện nào. Tại lễ kỷ niệm 1 năm ngày hợp tác, ông Đức đã chọn chiếc quần âu chất nhung lịch lãm lên cùng chiếc áo vest.

Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco)

Ở chiều ngược lại, khi quyết định bỏ tiền để giữ lại trong tay doanh nghiệp Việt những diện tích đất có vị trí đặc biệt quan trọng quanh tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia , ông Dương có lẽ cũng nhận ra “cứu người cũng là giúp mình”.

Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi với diện tích khai thác là 80.000 ha đất được tập trung, ngoài cơ hội phát triển nông nghiệp ở quy mô lớn, đây sẽ là nơi ông Dương thi triển những dự định của mình về cơ khí nông nghiệp quy mô lớn, phát triển tiếp chính ngành cơ khí ông đam mê.

“Chúng tôi tiếp tục đầu tư trung tâm nghiên cứu ứng dụng và xưởng cơ khí tại nông trường, qua đó nghiên cứu giải pháp để chế tạo các thiết bị, nông cụ chuyên dụng và tiến đến cơ giới hóa toàn bộ trong hoạt động canh tác trồng trọt của HAGL”, ông Dương nói.

Với nền tảng sẵn có là Khu phức hợp Cơ khí và Ô tô Chu Lai - Trường Hải, Thaco đang xúc tiến hình thành Trung tâm Cơ khí đa dụng miền Trung. Sản phẩm đầu ra sẽ không chỉ là các máy móc cơ khí phục vụ canh tác, cơ giới hoá ở khâu trồng trọt mà là các sản phẩm cơ khí hóa trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất, trồng trọt, chế biến, vận chuyển, bảo quản. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của HAGL với sự có mặt của Thaco sẽ thêm giá trị mới.

Từ chỗ dựa vào ô tô và phát triển cơ khí, Thaco đang chuyển mình, mở rộng hoạt động sang cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí máy công nghiệp. Hướng đi này cũng vô cùng thuận lợi nếu xét trên cơ sở vật chất mà Thaco đã đầu tư bấy lâu cho ngành cơ khí tại Chu Lai.

“Để được quy mô như ngày nay, chúng tôi phải rất quyết liệt và có tầm nhìn. Làm công nghiệp đòi hỏi có khát vọng lớn ngay từ đầu, có ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi. Nếu cứ vừa làm vừa nghĩ mở đến đâu thì tôi đâu có ra Chu Lai, ở Biên Hòa là quá đủ”, ông Dương chia sẻ.

Trên chặng đường mới, với kinh nghiệm trong giao thương kinh tế, ông Dương mong Thaco sẽ là đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp khác tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, cùng với các doanh nghiệp của ông.

“Tôi quan niệm không phân biệt đối tác lớn, nhỏ, mà sử dụng triệt để sở trường của họ. Đất nước cho tôi cơ hội phát triển, tôi phải có trách nhiệm giúp các doanh nghiệp Việt phát triển theo, nhất là các doanh nghiệp nhỏ. Nếu người ta chưa đạt, tôi sẽ giúp đưa cho họ tiêu chuẩn, tiêu chí để họ hoàn thiện”, ông Dương nói.

Chia sẻ sau 1 năm hợp tác với Thaco, ông Đức cũng rất thẳng thắn và công khai cho rằng, từ nhận thức của một người đi qua nhiều thăng trầm trong đời kinh doanh, tôi nhận thấy bên cạnh ý chí và nỗ lực, mình vẫn cần phải có được những người đồng hành tin cậy.

“Thaco và HAGL đã đến với nhau, đã và đang hợp tác hết sức tốt đẹp và trách nhiệm. Chúng tôi cùng ghi nhận sâu sắc rằng, đây là một trong những hình mẫu tiêu biểu của việc dung hòa các lợi ích, thúc đẩy tiềm lực của mỗi bên để tạo ra giá trị vững bền”, ông Đức nói.

“Cuộc đời kinh doanh cũng nhiều nghiệt ngã, nếu thiếu 1% may mắn thì cũng không thành công. Nhưng may mắn không bao giờ đến hoài và may mắn không bao giờ là 99%. May mắn chỉ có 1% để tạo nên thành công, còn 99% là lao động mồ hôi và nước mắt.

Tôi khẳng định, không có tiền thì không kinh doanh được. Quan điểm của tôi là anh có ý tưởng, ý chí, quyết tâm, kế hoạch mà khi bắt đầu chưa có tiền thì hãy tìm người có tiền, có kinh nghiệm quản trị để cùng làm. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc liên doanh, liên kết các sức mạnh với nhau là hướng đi thông minh và nhiều khả năng thành công”.

- Doanh nhân Trần Bá Dương

Theo Thanh Hương/Đầu Tư

Bạn đang đọc bài viết Doanh nhân Trần Bá Dương: Để đi xa hơn, đừng ngại đi cùng nhau tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
“Tỷ phú VN toàn làm giàu từ đất”, câu này không biết ai nói, nhưng lại được số đông chấp nhận. Tuy nhiên, nếu soi kỹ danh sách tỷ phú Bloomberg hoặc Forbes công nhận, câu này hình như… không đúng.