công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới trúng đấu giá mức “hời” là 27,2 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia, luật sư nhận định, đây cũng chính là những kẽ hở cần xem xét trong hoạt động đấu giá.
Dấu hiệu “bài gài” và trái luật?
Phiên đấu giá thanh lý lô vật tư thu hồi từ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tồn kho đến ngày 31/12/2020 tại 20 công ty bảo trì, sửa chữa của tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), có những điểm được cho là bất hợp lý.
Như chúng tôi đã phản ánh trong bài viết trước: Ai hưởng lợi từ phiên đấu giá ở tổng công ty Đường sắt Việt Nam - Bài 1: Giá chênh lệch “khủng” và những tiêu chí khó, điểm đáng chú ý tại phiên đấu giá này là điều kiện công ty vào đấu giá phải xử được cấp phép xử lý chất thải nguy hại là phần ắc quy - trị giá tài sản chỉ 17.820.000 đồng (Mười bảy triệu, tám trăm hai mươi nghìn đồng) so với 25.464.301.966 (Hai mươi lăm tỷ, bốn trăm sáu mươi tư triệu, ba trăm linh một nghìn, chín trăm sáu mươi sáu đồng) - giá khởi điểm của toàn bộ tài sản đem ra đấu giá.
Thêm nữa, tổ chức muốn tham gia đấu giá phải thực hiện khảo sát hiện trạng, số lượng vật tư thu hồi từng đơn vị quản lý để đảm bảo việc thu gom, vận chuyển an toàn, đúng tiến độ theo yêu cầu (theo địa bàn 20 công ty kéo dài suốt từ Bắc đến Nam).
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Hoàng Đức Anh (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Hiện nay, lĩnh vực đấu giá vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập. Có rất nhiều phiên đấu giá mà đơn vị tổ chức đưa ra điều kiện “đính kèm” không hợp lý. Chẳng hạn, yêu cầu đấu giá viên phải có kinh nghiệm hoạt động 5-10 năm, hoặc phải có bằng luật sư hay yêu cầu về học hàm học vị… Nói như vậy, để thấy rằng, toàn bộ việc lựa chọn các đơn vị tham gia đấu giá hiện tại đang phụ thuộc rất lớn vào ý chí của chủ tài sản, gần như mang tính chủ quan toàn bộ, chủ tài sản thích ai là chọn, tạo thành một ê-kíp với nhau.
Khoản 3, Điều 38 quy định về đăng ký tham gia đấu giá, trong luật Đấu giá tài sản năm 2016 ghi: Ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá.
Theo kinh nghiệm và quan điểm trên góc độ luật sư, tôi thấy những điều kiện “đi kèm” như trong phiên đấu giá tài sản của VNR là hoàn toàn trái luật và cản trở những đơn vị muốn tham gia đấu giá”.
Kẽ hở nảy sinh những bất cập, tiêu cực
Phân tích về những vấn đề còn tồn tại trong các phiên đấu giá, luật sư Hoàng Đức Anh chỉ ra: “Những bất cập trên thường xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân sau: Thứ nhất, là quy định của pháp luật có phù hợp để đáp ứng yêu cầu của quản lý Nhà nước đảm bảo hoạt động đấu giá minh bạch, công khai, trung thực hay không? Và thứ hai là quá trình thực thi.
Pháp luật chưa chặt chẽ, cơ quan quản lý Nhà nước ở hoạt động này cũng có lúc, có nơi hời hợt, nên một số đơn vị tổ chức đấu giá tìm cách “lách luật”. Cho dù luật có quy định đầy đủ, nhưng làm thế nào hoàn thiện, đảm bảo công bằng, minh bạch hơn trong quá trình tổ chức đấu giá thì lại là một vấn đề rất dài hơi”.
Về khía cạnh này, ông Hoàng Văn Thiểm nhấn mạnh thêm, do luật chưa nói rõ là các điều kiện “đi kèm” với tỉ lệ như thế nào thì được tính là “gài”, nên mới có những trường hợp “làm khó” tương tự.
Trong phiên đấu giá thanh lý vật tư của VNR, còn một chi tiết bất hợp lý khiến nhiều doanh nghiệp phải “tiếc thay”, đó là giá khởi điểm chỉ khoảng hơn 25,4 tỷ đồng. Trong danh mục giá vật tư thu hồi thanh lý này cũng có nhiều “sản phẩm” chênh giá, thậm chí, chỉ có giá bằng 1/2 giá thị trường.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH thẩm định giá và giám định DELOITTE cho biết: “Hiện nay, theo luật, để đưa ra tiêu chuẩn giá, khi thẩm định cùng phương pháp, cùng một thông tin dữ liệu, không được làm lệch kết quả quá 10-15% so với hội đồng khi thẩm định giá lại.
Cụ thể, mục 13, Điều 1 tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 260.000.000 đồng đối với hành vi làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá dẫn đến thẩm định giá cao hơn hoặc thấp hơn 10% đối với tài sản là bất động sản, thiết bị, phương tiện vận tải; 15% đối với tài sản là vật tư, hàng hóa so với kết quả thẩm định giá cuối cùng của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá và cơ quan Nhà nước có thẩm áp dụng cùng một cách tiếp cận thẩm định giá.
Vậy, để đánh giá, chúng ta cần xem lại cơ sở dữ liệu và cách tính toán của bên thẩm định. Khi có những dư luận chưa thỏa đáng thì sẽ thành lập hội đồng thẩm định lại giá đấu giá. Trong luật cũng quy định rõ, đơn vị thẩm định nếu liên kết, cấu kết với bên khác để nhận một khoản nào đó, để làm sai lệch kết quả là vi phạm.
Trên thực tế, cũng có một số trường hợp, các đơn vị thẩm định giá có thể sẽ phải đứng trước hai lựa chọn, nếu không làm theo kết quả như yêu cầu, sẽ bị hủy hợp đồng chẳng hạn. Một số đơn vị có thể vì tiếc hợp đồng mà chấp nhận làm sai lệch kết quả. Cũng có những đơn vị nếu xác định làm cho “lành mạnh thị trường ở Việt Nam”, thì sẽ không “thỏa hiệp” và tư vấn ngược lại cho khách hàng để họ cân nhắc giữa lợi ích thu về với rủi ro phải chấp nhận”.
Không riêng những bất cập trong phiên đấu giá tài sản của VNR, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (nguyên Phó Giám đốc sở Thương mại Hà Nội) cũng chỉ ra một số tồn tại: “Đấu giá thanh lý để thu hồi vốn là đúng. Nhưng vấn đề đằng sau là phải có quy trình tổ chức đấu giá ra sao? Đơn vị tham gia đấu giá và trúng đấu giá như thế nào? Có công khai, minh bạch không?
Các sàn đấu giá ở nước ngoài đều đã được đưa vào công nghệ kiểm soát từng tí một. Còn đấu giá ở Việt Nam, nói thật, đôi lúc vẫn còn những phân vân, chưa thật rõ ràng!
Mà những tiêu cực ấy xuất phát từ kẽ hở pháp luật, những kẻ lợi dụng khung đấu giá “doãng” quá để làm sai. Những người thực hiện, muốn không tử tế thì có rất nhiều cách. Thời đại công nghệ thông tin hiện đại như hiện nay thì càng nguy hiểm, một cú bấm máy xong. Những tiêu cực “móc nối” với nhau ngày càng tinh vi, xảo quyệt, rồi tiền không biết vào túi ai?!”.
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Hiện tượng làm thất thu ngân sách Nhà nước Liên quan đến những bất thường trong hoạt động đấu giá, trong quá khứ đã từng có những trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thẩm định giá tài sản công rất thấp, thế nên sau khi đấu giá, tài sản thu về cho Nhà nước không đáng là bao. Tôi nghĩ rằng, hầu hết các tài sản công được bán thông qua đấu giá đều có lợi ích nhóm, có sự móc ngoặc giữa người trúng giá với các trung tâm tổ chức đấu giá. Đây không phải hiện tượng mới, nhưng nhiều năm qua, các cuộc đấu giá tài sản công vẫn tồn tại tiêu cực. Tiêu cực trước tiên nằm ở khâu thẩm định giá tài sản công. Như tôi đã nói ở trên là việc thẩm định giá trị tài sản rất thấp. Khi tổ chức đấu giá thì cũng chỉ có một số nhà đầu tư hay doanh nghiệp tham gia đấu giá. Mặc dù có thông báo rộng rãi nhưng lại hạn chế doanh nghiệp tham gia với đủ điều kiện. Đã có hiện tượng thông đồng, chung chi giữa trung tâm đấu giá và đơn vị duyệt giá, dù có thể doanh nghiệp trúng giá cao hơn đến 20-30% thì vẫn còn lời rất cao. Đây là hiện tượng làm thất thu ngân sách Nhà nước. Nhiều hồ sơ tham gia đấu giá nhưng lại dường như có sự sắp đặt sẵn. Họ đã có ý đồ khép kín hồ sơ thì làm sao ai có thể phát hiện được. Hồ sơ khép kín nên vào thanh kiểm tra sẽ chỉ là số 0. Thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người có trách nhiệm thì mọi chuyện coi như xong. Cần xem xét bản thân người duyệt giá có công tâm không hay cũng a dua với hội đồng thẩm định giá định giá tài sản Nhà nước thấp xuống để bán ra thị trường giúp người trúng đấu giá có một khoản lợi nhuận kếch xù, sau đó lại quay lại chia chác lợi nhuận với nhau? Cần sự vào cuộc của các cơ quan và sự minh bạch của người đứng đầu. |