Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Bài 1: Giá chênh lệch “khủng” và những tiêu chí khó

NGƯỜI ĐƯA TIN 09:13 28/09/2021

Công ty CP Môi trường Việt Xuân trúng đấu giá lô tài sản vật tư thu hồi thanh lý của tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hơn 4 tháng qua, thế nhưng những ồn ào về điều bất thường tại phiên đấu giá này

Phiên đấu giá với những tiêu chí khó

Theo các quyết định ngày 25/3/2021 của tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), công ty Đấu giá hợp danh VNA đã tổ chức buổi đấu giá tài sản “Vật tư thu hồi từ bảo trì Kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) tồn kho đến ngày 31/12/2020 tại 20 công ty bảo trì, sửa chữa KCHTĐS” (sau đây gọi tắt là Đấu giá tài sản VNR – PV).

Tài sản được tổ chức đấu giá trực tiếp tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên vào hồi 14h30 ngày 29/4/2021 tại văn phòng công ty Đấu giá hợp danh VNA (số 81, khu Đại An, tập thể học viện An Ninh, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP. Hà Nội).

Được biết, phiên đấu giá có 6 doanh nghiệp tham gia, mức giá khởi điểm là 25.464.301.966 đồng (Hai mươi lăm tỷ, bốn trăm sáu mươi tư triệu, ba trăm linh một nghìn, chín trăm sáu mươi sáu đồng).

Theo tìm hiểu của phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, doanh nghiệp này có địa chỉ tại Thái Nguyên nhưng đa số cổ đông sáng lập lại ở Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh, trong đó có ông Nguyễn Văn Mỵ - một người khá nổi tiếng trong lĩnh vực thu mua sắt phế liệu tại địa phương.

Theo nội dung trong thông báo đấu giá số: 37.4/2021-TB/VNA do Giám đốc công ty Đấu giá Hợp danh là bà Nguyễn Thị Hằng ký có nêu nhiều điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá, trong đó, đáng chú ý là điều kiện về xử lý chất thải nguy hại. Cụ thể, thông báo nêu: “Khách hàng đăng ký tham gia đấu giá đã được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại còn thời hạn ít nhất đến hết tháng 12/2021 và vùng được cấp phép hoạt động có bao gồm khu vực để tài sản đấu giá, trong đó có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại phù hợp, thuộc các bộ mã: 190206 và 190601 trong danh mục Chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của bộ Tài nguyên Môi trường”.

--

Theo tìm hiểu của phóng viên thì chất thải nguy hại nằm trong khối tài sản đấu giá của VNR chính là phần ắc quy. Tính chi li, tổng giá trị số ắc quy cần xử lý mà công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới trúng đấu giá chỉ vỏn vẹn 17.820.000 đồng (Mười bảy triệu, tám trăm hai mươi nghìn đồng) so với 25.464.301.966 (Hai mươi lăm tỷ, bốn trăm sáu mươi tư triệu, ba trăm linh một nghìn, chín trăm sáu mươi sáu đồng) - giá khởi điểm của toàn bộ tài sản đem ra đấu giá.

Thêm nữa, điều kiện của khách hàng tham gia đấu giá còn yêu cầu đã thực hiện khảo sát hiện trạng khối lượng, số lượng vật tư thu hồi tại địa bàn thuộc từng đơn vị quản lý để đảm bảo việc thu gom, vận chuyển an toàn, đúng tiến độ theo yêu cầu (theo địa bàn 20 công ty bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt kéo dài suốt từ Bắc đến Nam).

Đây là những tiêu chí được cho là “làm khó” doanh nghiệp muốn tham gia phiên đấu giá tài sản (vấn đề này chúng tôi sẽ phân tích trong nội dung bài viết sau).

Giá chênh lệch “khủng”

Trong vai một nhân sự của doanh nghiệp đang có khối lượng lớn tài sản “hết đát” là những vật tư thu hồi từ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt cần thanh lý như của VNR, qua nhiều ngày liên hệ, phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật đã kết nối được với anh T. (một người chuyên thu mua sắt vụn nhiều năm ở quận Hà Đông, Hà Nội, đề nghị được giấu tên – PV).

Do tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến hết sức phức tạp, lại sinh sống tại địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thế nhưng là một người kinh doanh, anh T. rất hào hứng khi được “chào hàng”. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, chúng tôi đã có cuộc “ngã giá online” với nhiều thông tin bất ngờ và thú vị.

Sau khi đưa ra một số vật tư mà doanh nghiệp đang tìm nguồn để bán, chúng tôi lấy ví dụ như ray 43 để hỏi mức giá anh có thể thu mua, anh T. dè dặt và từ tốn với phong thái của một người nhiều kinh nghiệm, cho biết: “Giá cả cũng tùy thời điểm, mà đang dịch bệnh thế này cũng chưa chốt giá cứng được, nhưng dao động trong khoảng 12.000-13.000/kg”. Với bu lông, tà vẹt, anh T. báo giá thu mua khoảng 12.000 đồng/kg và nói thêm: “Giá cả lên xuống từng ngày, dịch bệnh thì nó (ý là giá – PV) cũng xuống, còn nếu là thời điểm trước thì có thể mua cao hơn”.

Chúng tôi tiếp tục hỏi giá một số vật tư khác như loại cáp đồng 10x2x0,5, anh T. suy nghĩ một hồi rồi băn khoăn: “Cáp đồng thì có nhiều loại lắm, nên cũng khó định giá ngay”. Tuy nhiên, với sự cởi mở và thiện chí của một người chuyên thu mua phế liệu, sắt vụn, anh T. đề nghị phóng viên kết bạn Zalo và gửi chi tiết các loại vật tư đang muốn thanh lý để anh báo giá cụ thể rồi thuận mua, vừa bán.

Sau nhiều ngày chờ đợi, phóng viên đã nhận được bảng báo giá chi tiết mà anh T. chắc chắn sẽ thu mua với số lượng lớn, bao nhiêu cũng “ok” (được hết –PV).

Qua bảng báo giá anh T. gửi, so sánh với giá khởi điểm các tài sản của tổng công ty Đường sắt Việt Nam mang ra đấu giá chúng tôi thấy mức giá thu mua cao hơn rất nhiều.

Nhìn vào bảng so sánh ở trên, dễ dàng nhận thấy mức giá khá cách biệt. Giá thị trường cao hơn gấp 2 lần, thậm chí là gần 3 lần (như với căn sắt S14, S20). Cách tính khá đơn giản, ví dụ như với bu lông tả vẹt sắt P43, giá đấu giá là 4.600 đồng/kg, giá khảo sát là 11.500 đồng/kg, chênh lệch 6.900 đồng/kg. Với tổng số lượng 4.336 cái, bằng 867,20kg, số tiền chênh lệch là 5.983.680 đồng.

Tương tự cách tính như vậy, với 5.025m ray P43 mòn các loại, chênh lệch giá là 6.200 đồng/mét, giá chênh lệch lên đến 996.960.000 đồng/160.800,00 kg.

Nếu tính toán theo mức giá mà anh T. có thể thu mua, chỉ với 10 vật tư thu hồi trong danh mục của công ty CPĐS Yên Lào, tổng công ty Đường sắt Việt Nam có thể đã “đánh rơi” 1.393.332.880 đồng (Một tỷ, ba trăm chín mươi ba triệu, ba trăm ba mươi hai nghìn, tám trăm tám mươi đồng) qua phiên đấu giá này. Và tất nhiên, công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới có thể đã “thắng đậm” khi đấu giá được ở mức thấp hơn nhiều so với thị trường.

Cùng với cách tính tương tự với các loại vật tư trong danh mục của công ty CP TTTH ĐS Sài Gòn, chúng tôi dễ dàng nhẩm tính ra con số chênh lệch giữa giá khởi điểm của VNR đưa ra so với giá thị trường là thấp hơn 95.774.190 đồng (Chín mươi lăm triệu, bảy trăm bảy mươi tư nghìn, một trăm chín mươi đồng).

Cũng cần phải nói thêm rằng, các mức giá được khảo sát kể trên đã bao gồm chi phí vận chuyển từ phía doanh nghiệp trả giá mua. Tức là họ cam kết xem hàng, chốt giá là sẽ tự túc vận chuyển và chúng tôi không cần bỏ thêm bất cứ chi phí nào khác.

Với 20 công ty bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt, nhiều vật tư tương tự có giá chênh lệch thấp hơn 2-3 lần so với giá thị trường, công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới có thể đã may mắn khi đấu giá được giá “hời”, không mất thêm hàng chục tỷ đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa, ngành đường sắt Việt Nam rất có thể đã “hụt” hàng chục tỷ đồng với khối tài sản vừa mang ra đấu giá.

Sở dĩ như vậy là bởi, sau nhiều ngày đi thực tế, phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật cũng “chốt đơn” được với nhiều chủ doanh nghiệp sẵn sàng thu mua các vật tư đường sắt với giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá khởi điểm tại phiên đấu giá tài sản của VNR. Cụ thể, anh H., chủ doanh nghiệp B.M chuyên thu mua phế liệu tại tỉnh Thái Bình hào hứng khi phóng viên đề cập có một lô lớn vật tư đường sắt dự án cần bán, “chốt” luôn: “Miễn là sắt, đồng giá 12.000 đồng/kg. Bao nhiêu anh cũng mua, cứ từ một tấn trở lên”. Còn ông C. (một “đại gia” phế liệu ở Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ning) cho biết, nếu mua thẳng thì có thể trao đổi ở mức trên 11.500 đồng/kg, do thời điểm này là dịch bệnh. Còn nếu không vướng dịch thì có thể thu mua giá cao hơn. “Tất tần tật loại nào cũng giống nhau và chỉ mua chung 1 giá, không quan trọng là sắt vụn hay ray”, ông C. quả quyết.

Với những khảo sát trên thị trường, so sánh với mức giá khởi điểm vật tư được đấu giá ở 16/20 công ty, phóng viên đã tạm nhẩm tính được con số chênh lệch “khủng” là khoảng gần 34 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới chỉ trả giá cao hơn giá khởi điểm là hơn 1,8 tỷ đồng thì đã có thể sở hữu khối tài sản đấu giá của VNR.

Trả lời báo chí, ông Diệp Anh Tuấn- Phó ban Tài chính- Kế toán tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, một trong những yếu tố làm giá của một số mặt hàng phế liệu có thể thấp hơn so với thị trường là do toàn bộ vật tư thu hồi thay ra từ quá trình bảo trì đường sắt được thu gom để tại chỗ tại đường sắt, nằm rải rác gần 3.000km suốt các tuyến đường sắt từ Bắc đến Nam, gây khó khăn trong quá trình thu gom, vận chuyển.

Về phản hồi này, ông Hoàng Văn Thiểm (Chủ tịch HĐQT công ty TNHH thẩm định giá và giám định DELOITTE) nêu quan điểm: “Không thể nói do chi phí đường xa nên định giá tải sản thấp được. Bởi chi phí vận chuyển cũng không thể làm giá đấu giá chênh lệch thấp hơn so với thị trường mấy chục tỷ đồng. Còn nếu tính hẳn được chi phí vận chuyển là bao nhiêu, có con số cụ thể để minh chứng thì lại khác.

Ai đi thu mua phế liệu cũng đến tận nơi thu mua, hơn nữa, vật tư đường sắt dù có nằm rải rác dọc đất nước thì cũng vẫn là những địa điểm có giao thông thuận tiện, không đến mức chi phí quá cao cho vận chuyển như vậy”.

Đề nghị thanh tra vào cuộc

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì cho rằng, lập luận và lý giải như vậy là chưa hợp lý. “Tôi cho rằng có sự câu kết giữa chủ đầu tư, đơn vị thẩm định giá và đơn vị trúng đấu giá. Không thể có lý do gì để chênh lệch so với thị trường hàng chục tỷ đồng như vậy. Vận chuyển xa xôi, chi phí làm sao đội giá gấp đôi được.

Tôi thấy phía tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần có những giải thích thỏa đáng hơn. Chưa biết nội tình vụ việc thế nào, nhưng dư luận báo chí đã phản ánh và không đồng tình với phiên đấu giá vì nghi vấn có sự mờ ám, cấu kết làm thất thu ngân sách Nhà nước thì tôi đề nghị phía thanh tra cục Đường sắt cũng như thanh tra bộ Giao thông Vận tải cần vào cuộc làm rõ để trả lời dư luận”, ông Hòa nói.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/dspl/ai-huong-loi-tu-phien-dau-gia-o-tong-cong-ty-duong-sat-viet-nam-bai-1-gia-chenh-lech-khung-va-nhung-tieu-chi-kho-a514382.html

Bạn đang đọc bài viết Bài 1: Giá chênh lệch “khủng” và những tiêu chí khó tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật