Thiết bị vệ sinh được sản xuất ra nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người trong việc giải quyết vệ sinh cá nhân và chúng được dùng phổ biến trong các gia đình Việt. Do có đặc điểm sử dụng lâu dài nên tâm lý người tiêu dùng thường không ngại đầu tư nhiều tiền với mong muốn sở hữu được thiết bị vệ sinh có chất lượng tốt, tiện lợi và bền đẹp.
Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng được như ý khi sản phẩm mua được có giá trị không tương xứng với đồng tiền của mình bỏ ra. Đó là trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Và thực tế lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều thiết bị vệ sinh giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Mới đây, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh cho biết, mới đây Đội QLTT số 8 đã phát hiện số lượng lớn sản phẩm vòi chậu nóng lạnh có dấu hiệu giả mạo nhãn nhãn hiệu Caesar của Công ty cổ phần thiết bị vệ sinh Caesar Việt Nam đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.
Cụ thể, Đội QLTT số 8 đã tiến hành khám phương tiện ô tô tải BKS 14C-194.24 do ông Phạm Danh Thiện (sinh năm 1993, nơi cư trú xã Nam Vân, tp Nam Định, tỉnh Nam Định) điều khiển.
Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển số lượng lớn sản phẩm vòi chậu nóng lạnh có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Caesar của Công ty cổ phần thiết bị vệ sinh Caesar Việt Nam.
Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, số vòi này được bọc trong giấy báo, đóng vào túi nhựa không có nhãn mác thông tin của nhà sản xuất. Quy cách đóng gói, không giống với Hàng chính hãng được bọc trong giấy bóng xốp và có hộp giấy với đầy đủ thông tin về hàng hóa. Toàn bộ số hàng này đã bị Đội QLTT số 8 ra quyết định tạm giữ để gửi mẫu đi giám định làm căn cứ xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Tương tự, trước đó Đội QLTT số 5 (Cục QLTT Tuyên Quang) phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh tiến hành kiểm tra, thu giữ lô hàng gồm các thiết bị vệ sinh của một cửa hàng kinh doanh thiết bị điện gia dụng, vật tư ngành nước trên địa bàn huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang). Lô hàng này hơn 300 thiết bị vệ sinh là vòi rửa bát, vòi gật gù, bộ vòi sen… đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Chủ cơ sở khai nhận do hám lợi nên mua số hàng hóa trên của một người không rõ lai lịch đi xe tải (không rõ biển kiểm soát). Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.
Nói tới thiết bị vệ sinh giả mạo nhãn hiệu theo các chuyên gia, hiện nay, việc làm giả sản phẩm của các thương hiệu thiết bị vệ sinh nổi tiếng đang diễn ra tràn lan, hầu như thương hiệu nào có tiếng hoặc có dòng sản phẩm nào đó bán chạy thì đều có hàng giả. Những loại hàng “dởm” này cứ nhan nhãn trên thị trường, chúng được “nhân bản” một cách chóng mặt, đến nỗi số lượng hàng giả còn nhiều hơn cả hàng chính hãng. Điều đó chính là nguyên nhân làm cho người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là thật giả, thậm chí họ còn có nhiều “cơ hội” để tiếp xúc với hàng giả hơn cả hàng thật vì chúng được sản xuất và phân phối ồ ạt trên thị trường.
Bởi lẽ, thông thường người tiêu dùng hay gặp các trường hợp thiết bị phát sinh vấn đề sau khi mua về và sử dụng không bao lâu. Một số biểu hiện hư hỏng thường gặp nhất là: lavabo bị ố vàng, vòi xả nước bị rò rỉ, vòi sen bị gãy hoặc đang xả nước thì bị đơ, bồn tắm bị bong tróc lớp men bên ngoài,…
Hơn nữa, những vị trí hư hỏng này lâu ngày không được khắc phục sẽ dẫn đến hiện tượng đóng cặn bẩn, chất nhờn, nước chảy ra sẽ có mùi hôi và bị vẫn đục. Việc vệ sinh, cọ rửa các thiết bị sẽ càng khó khăn hơn dù người dùng đã sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa. Theo nhận định của các chuyên gia trong giới sản xuất thiết bị vệ sinh, đó là những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đã mua nhầm sản phẩm giả, kém chất lượng.
Ngoài ra, các chuyên gia còn đưa ra khuyến cáo, trong những trường hợp này, các gia đình hãy ngưng ngay việc sử dụng sản phẩm và hãy thay thế bằng sản phẩm chính hãng nếu không muốn sức khỏe của các thành viên trong nhà bị ảnh hưởng tiêu cực như: Hầu hết các thiết bị vệ sinh giả đều có hàm lượng kim loại nặng (nhất là chì) khá lớn, có khả năng hòa tan vào trong nước và gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm chết người như: ung thư, tim mạch, thần kinh, dạ dày, viêm da,…
Nguy cơ xảy ra cháy nổ thiết bị cũng có thể xảy ra. Đối với các loại thiết bị vệ sinh kém chất lượng, không được sản xuất theo quy trình chuẩn, chất liệu không đảm bảo nên từ kết cấu, bố cục cho đến tính năng hoạt động đều bị khiếm khuyết mà chúng ta khó có thể phát hiện bằng mắt thường. Vì thế, chỉ một tác động nhỏ lên những lổ hỏng “vô hình” có thể khiến thiết bị phát nổ bất cứ lúc nào, và chúng ta cũng không còn xa lạ gì với những sự cố nổ bồn cầu gây thương vong do mua nhầm hàng kém chất lượng đã xảy ra trong thời gian qua.