Tuy nhiên, hàng nhái, hàng giả được bày bán ngang nhiên trên Shopee vẫn luôn là vấn đề nhức nhối làm phiền lòng người tiêu dùng.
Người tiêu dùng vướng vào "lưới" hàng giả, hàng nhái
Thời gian qua, những vụ việc người mua hàng mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém không còn là vấn đề xa lạ với người dùng. Việc mua hàng online trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) nói chung và Shopee nói riêng luôn đi kèm rủi ro mà người dùng khó có thể nắm bắt.
Cụ thể, vào năm 2019, người mua hàng liên tiếp phản ánh về chất lượng sản phẩm đặt mua trên sàn TMĐT Shopee. Người dùng phản ánh trên Shopee bày bán công khai các mặt hàng giả, nhái thương hiệu nổi tiếng. Chỉ với từ khoá Adidas, người dùng ngay lập tức nhận được vô số kết quả với đủ loại mẫu mã, mức giá mềm hơn so với giá gốc của sản phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm là thiết bị điện tử như Samsung Galaxy Note 9 không có giấy tờ và hoá đơn chứng từ cũng được bán trên sàn thương mại điện tử với mức giá 2,5 triệu đồng.
Cũng trong năm 2019, người dùng tố Shopee kinh doanh sản phẩm nước hoa, mỹ phẩm được cam kết là hàng thật, bán với giá vài trăm nghìn đồng, trong khi đó, giá thành sản phẩm tại các cửa hàng chính hãng lên đến vài triệu đồng.
Đến năm 2020, một chuỗi vụ việc liên quan đến sàn thương mại điện tử Shopee công khai bán những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng đã gây bức xúc trong dư luận. Chỉ với từ khoá Airpods, người dùng nhận được các kết quả khác nhau với mức giá rẻ bất ngờ. Kèm theo đó là hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Hay như sản phẩm thẻ nhớ mang thương hiệu Sandisk có dung lượng 512GB được rao bán với giá từ 100.000-150.000 đồng nhưng trên thực tế, giá thành của sản phẩm lên đến 2 triệu đồng.
Trong năm 2021, người mua hàng cũng từng khiếu nại sản phẩm trà đen Hoa Trân số 9 của Công ty Indocean trên Shopee có dấu hiệu "đạo nhái" hàng chính hãng. Công ty này đã làm việc với Shopee để đưa bằng chứng cho thấy đang bị xâm phạm sở hữu trí tuệ nhãn hàng hóa.
Bên cạnh đó, người dùng còn phản ánh về sản phẩm dầu gội và dầu xả nhãn hiệu Hairburst với giá gần 500.000 đồng được rao bán trên sàn TMĐT Shopee. Sau khi sử dụng, khách hàng có dấu hiệu bị kích ứng da đầu. Người dùng đã phản ánh với kênh của người bán hàng, tuy nhiên không những không nhận được phản hồi mà còn bị chặn liên lạc.
Hàng "dởm" lên sàn Shopee dễ như "ăn cơm"
Liên quan đến vấn đề hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được kinh doanh tràn lan trên sàn TMĐT, Shopee từng có phản hồi tới các cơ quan báo chí và khẳng định đơn vị đã có những biện pháp xử lý nhất định như tạm khoá tài khoản của người bán trong vòng 28 ngày, gỡ bỏ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm… Trên thực tế, theo thông tin phóng viên thu thập được, Shopee đã siết chặt hơn hệ thống quản lý tại kênh người bán. Tuy nhiên, vẫn còn lỗ hổng trong chính sách khiến cho những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn ngang nhiên bày bán trên Shopee nhằm thu lợi bất chính, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng.
Trong bài viết "Shopee có đang dung túng cho hàng ‘dởm’, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng?", Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã đề cập tới những mánh khoé trên sàn TMĐT Shopee đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng. Trong vai người mua hàng, phóng viên tiến hàng đặt mua sản phẩm nhũ mắt đến từ thương hiệu Lameila của Trung Quốc được một cá nhân đăng bán trên Shopee. Cùng với đó là sản phẩm cáp sạc Type C của một shop tự nhận là cung cấp và bán hàng Vsmart chính hãng kèm bảo hành sản phẩm cho người dùng lên đến 6 tháng. Sau khi nhận được sản phẩm, phóng viên tiến hành kiểm tra mã vạch thì đều không tìm thấy kết quả trên website.
Tiếp theo đó, trong vai người bán hàng, phóng viên đăng ký gian hàng trên kênh người bán chính thức của Shopee. Theo chính sách của Shopee, đối với mặt hàng mỹ phẩm, người bán cần đảm bảo quy định: Hình ảnh sản phẩm phải rõ ràng (Nhãn mác, bao bì, thương hiệu), thông tin có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, tình trạng sản phẩm; Không đăng bán mỹ phẩm đã qua sử dụng; Không đăng bán các sản phẩm không rõ bao bì, nhãn mác, không nguồn gốc; Riêng đối với các sản phẩm handmade, tên sản phẩm phải có chữ "handmade", mô tả sản phẩm phải có ngày sản xuất và hạn sử dụng; Nghiêm cấm các sản phẩm kem trộn.
Đối với sản phẩm thương hiệu trong nước phải đăng kèm hình scan (bản gốc hoặc sao y công chứng) các loại giấy chứng nhận: Phiếu công bố mỹ phẩm do Bộ/ Sở Y tế cấp, trong đó thể hiện thông tin chủ thể chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Chứng nhận đại lý/Hợp đồng mua bán/hóa đơn nhập hàng từ công ty sản xuất (nếu người bán là đại lý); Hóa đơn nhập hàng và chứng nhận đại lý của bên phát hành hóa đơn (nếu người bán nhập hàng từ bên trung gian).
Đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, Shopee cũng có những quy định nhất định. Cụ thể, người bán cần có các giấy tờ: Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, chứng nhận đại lý/ hợp đồng mua bán/ hóa đơn mua hàng (nếu sản phẩm nhập khẩu), giấy xác nhận quảng cáo. Ngoài ra, người bán cần minh bạch thông tin, mô tả sản phẩm cần nêu rõ "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; Thông tin sản phẩm phải phù hợp với nội dung của giấy xác nhận quảng cáo, không được lạm dụng quảng cáo sai sự thật; Không đăng bán sản phẩm thực phẩm chức năng xách tay.
Điều bất ngờ, dù không có những giấy tờ mà Shopee yêu cầu, chỉ cần sử dụng ảnh sản phẩm, giấy tờ của 1 shop khác, sản phẩm của phóng viên đã lập tức vượt qua khâu kiểm duyệt và xuất hiện trên kênh. Chưa hết, dù chính sách của Shopee quy định "không đăng bán sản phẩm thực phẩm chức năng xách tay", thế nhưng, chỉ cần gõ cụm từ "thực phẩm chức năng xách tay" trên thanh tìm kiếm của Shopee khách hàng đã nhận được vô số kết quả.
Có thể thấy, mặc dù đề ra những quy định, chính sách khá chặt chẽ đối với cá nhân, tổ chức muốn đưa sản phẩm lên sàn nhưng trên thực tế, việc kiểm soát các cá nhân, tổ chức có gian hàng trên Shopee có thực hiện đúng quy định hay không lại bị bỏ ngỏ. Chính vì lẽ đó, người dùng lúc nào cũng có thể gặp phải rủi ro không đáng có, nhất là có thể mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, gây tốn kém kinh tế, thậm chí tổn hại sức khỏe.
Doanh thu khủng có đến từ rủi ro của khách hàng?
Theo thống kê của Iprice, năm 2020 sàn TMĐT Shopee đứng vị trí đầu bảng website được truy cập nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Ngày 01/04/2021, Shopee đã ra thông báo thay đổi mức phí thanh toán. Phí thanh toán là khoản phí giao dịch cho mỗi đơn hàng thành công (đơn hàng nằm ở mục "Đã giao") hoặc đơn có phát sinh yêu cầu trả hàng hoàn tiền được người bán/ Shopee chấp nhận "Hoàn tiền ngay" (trừ lý do chưa nhận được hàng) đều được tính phí dịch vụ/ phí thanh toán / các loại phí khác (nếu có). Trong mọi trường hợp, người bán chịu trách nhiệm chi trả phí thanh toán. Mức phí này được cấn trừ trực tiếp trên từng đơn hàng trước khi tiền bán hàng được ghi nhận vào số dư Shopee của người bán và được tính trên tổng giá trị thanh toán của người mua cho đơn hàng, bao gồm tổng tiền hàng và phí vận chuyển mà người mua thực trả.
Cụ thể, mức phí thanh toán được áp dụng trước ngày 01/04/2021 là 2%. Mức phí được điều chỉnh hiện tại là 2,2% (đã bao gồm VAT). Với mức chi phí chiết khấu từ các đơn hàng của Shopee có thể dễ dàng tính toán được 1 phần lợi nhuận của Shopee.
Ví dụ, sản phẩm tẩy da chết môi cà phê Đắk Lắk của Công ty TNHH Mỹ phẩm Nature Story (38C - 39C khu phố 1, QL 1A, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM) đăng bán trên shop có tên Hufuholic (37 Nguyễn Hy Quang - ngõ 9 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) được bán với giá 65.000 đồng. Shop chỉ có duy nhất 1 đơn vị vận chuyển là giao hàng nhanh với chi phí 16.500 đồng. Như vậy, khi khách hàng mua 1 sản phẩm thì phí thanh toán của Shopee sẽ được tính 2,2% tổng giá trị đơn hàng (tiền hàng và vận chuyển là 81.500 đồng) là 1.793 đồng. Theo số liệu của shop, mặt hàng này được bán ra thị trường 393 sản phẩm. Số tiền mà Shopee thu về là 704.649 đồng.
Tương tự, đối với mặt hàng thực phẩm chức năng viên uống DHC Vitamin C tăng cường sức đề kháng, chống nắng làm đẹp da có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản được bán với giá 159.000 đồng tại cửa hàng chính thức của DHC ở Việt Nam trên sàn TMĐT Shopee. Cũng với phí vận chuyển là 16.500 đồng thì 1 sản phẩm, đơn vị kinh doanh phải trả mức phí 3861 đồng. Với 19.600 sản phẩm đã bán ra thị trường, phí thanh toán mà Shopee thu về lên đến 75.675.600 nghìn đồng.
So sánh với phí thanh toán 2% trước ngày 01/04/2021, cơ sở kinh doanh phải trả 3500 đồng cho 1 sản phẩm. Với 19.600 sản phẩm, Shopee thu về 68.600.000 nghìn đồng. Mức phí chênh lệch rõ rệt so với sau khi tăng lên 2,2% đối với mặt hàng này là 7.075.600 nghìn đồng.
Việc thay đổi chính sách thanh toán khiến cho nguồn thu nhập của Shopee ngày một tăng hơn. Và với số lượng lớn gian hàng trên sàn TMĐT này cùng với mức phí thanh toán 2,2% (đã bao gồm VAT), có thể thấy doanh thu của Shopee không hề nhỏ. Chưa dừng lại ở đó, cứ mỗi ngày, số lượng gian hàng mới đăng ký lên sàn Shopee lại nhiều hơn. Do đó, doanh thu của Shopee cũng vì thế mà tăng thêm.
Vấn đề cần đặt ra, với số lượng gian hàng lớn và gia tăng mỗi ngày, đáng lẽ Shopee phải làm tốt công tác quản lý, giám sát các chủ hàng có sản phẩm kinh doanh trên sàn đáp ứng quy định, chính sách mà chính Shopee đề ra. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy những hành động trái ngược khi Shopee buông lỏng quản lý việc đưa sản phẩm lên sàn, vô hình trung tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lên sàn. Dư luận cũng có thể đặt nghi vấn liệu việc bỏ qua các quy định, chính sách hay những yêu cầu đối với chủ hàng có phải là cách để Shopee gia tăng nhanh chóng số lượng gian hàng niêm yết trên sàn và thu lời từ những gian hàng này?Nếu tình trạng này tái diễn, người dùng gặp rủi ro vì mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng, liệu Shopee có chịu trách nhiệm?
Chủ sàn thương mại điện tử cần có trách nhiệm khi xảy ra sự cố
Liên quan tới vấn đề trên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, trên thực tế, có những hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật bảo vệ người tiêu dùng như việc các công ty Lazada, Shopee khi giao hàng cho khách, người mua lại không được kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Hành động này gây bức xúc, thiệt thòi cho người tiêu dùng nhưng lại không bị “thổi còi”. Không chỉ vấn đề thiệt hại về tài chính, việc người dùng bị lộ, rò rỉ thông tin qua các tài khoản mua hàng trực tuyến cũng chưa bị ngăn chặn và xử lý triệt để.
Có thể thấy, hiện nay việc cá nhân, tổ chức bán hàng trực tuyến trên các sàn TMĐT diễn ra vô cùng dễ dàng dẫn tới sự phát triển mạnh của loại hình này. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện nay vẫn còn có những lỗ hổng dẫn tới việc quản lý TMĐT còn nhiều điểm chưa triệt để, còn thiếu hoặc chế tài xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức và cá nhân cũng chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe. Chính vì vậy, vì lợi nhuận, những cá nhân, tổ chức có thể bất chấp các quy định của pháp luật để tiến hành các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, những kẽ hở của pháp luật còn bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để trốn thuế, gây thất thu thuế nộp vào ngân sách Nhà nước với con số rất lớn. Điều này cho thấy, cơ quan chức năng cần có những quy định, giải pháp chống thất thu thuế hiệu quả, khoa học hơn.
Trước thực trạng đã nêu ở trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng chính quyền địa phương cần phối hợp để xây dựng các quy định chặt chẽ hơn nữa về quản lý hình thức kinh doanh TMĐT. Điều này vừa khuyến khích việc kinh doanh một cách hợp pháp, vừa chống thất thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Chúng ta cần có những quy định chặt chẽ về mở sổ sách kế toán, các quy định về hóa đơn chứng từ, địa điểm kinh doanh. Cần giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT từ gốc, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quản lý từ đầu ra tới đầu vào luồng hàng hóa kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên các địa bàn ở thị trường nội địa. Bên cạnh đó, cần phải công khai doanh thu nộp ngân sách ở các địa phương của các tổ chức kinh doanh tại chính địa phương mà họ đăng ký hoạt động.
Đặc biệt, cần phải gắn trách nhiệm các trang bán hàng cho thuê, các quầy hàng kinh doanh trực tuyến, sàn TMĐT khi xảy ra những vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, về chất lượng, giá cả hàng hóa, sản phẩm. Giá trị thương hiệu của một doanh nghiệp dù là bán trực tiếp hay trực tuyến đều phụ thuộc vào niềm tin từ phía người tiêu dùng. Do vậy, các doanh nghiệp cần ý thức rằng, chỉ khi kinh doanh một cách chân chính bằng chính năng lực và đạo đức kinh doanh của mình thì mới tồn tại và phát triển lâu dài trên thị trường đầy tiềm năng này.
Về phía những người tiêu dùng, ông Phú cho rằng cần hết sức tỉnh táo khi mua sắm, chỉ đặt niềm tin vào các các website kinh doanh trực tuyến uy tín để gửi gắm đồng tiền của mình. Như vậy mới có thể tránh được việc mua phải hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.
Trong một diễn biến liên quan, theo thông tin từ Tổng cục QLTT, 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) gồm Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Hotdeal và các trang TMĐT bán hàng lớn như FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới Di động, Zalora, Lotte, Zanado đều ký cam kết và thực hiện không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT…
Ngoài ra, Tổng cục QLTT đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 về Kế hoạch đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2021- 2025 (Quyết định số 888). Do đó, để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả thị trường, ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhất là trong lĩnh vực TMĐT, các cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới phương thức quản lý, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để kiểm soát cả thị trường tiêu thụ và “đầu vào” của hàng hóa vi phạm. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, qua đó vừa góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, vừa thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, đồng thời tránh thất thu thuế cho Nhà nước.
Quan trọng nhất, người tiêu dùng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái khi tham gia mua, bán những mặt hàng này. Không “tiếp tay” cho các đối tượng gây lũng đoạn thị trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Bởi thực chất, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng là mắt xích quan trọng nhất. Nếu người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay hàng hóa này, các tổ chức, đối tượng vi phạm sẽ bị ngăn chặn đầu ra. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần giúp thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện nay theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan quản lý xem xét tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của thương nhân, tổ chức để ra quyết định đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc hủy bỏ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đối với các vi phạm. Với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thì Bộ luật hình sự đã có chế tài xử lý theo quy định tại Điều 192 quy định về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Điều 193, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Điều 194, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Điều 195, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi. Tuỳ vào mức độ, người vi phạm có thể bị phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, nếu có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để lừa đảo trong thương mại điện tử có thể bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. |