Sáng ngày 6/12 vừa qua, Uniqlo chính thức "tham chiến" thị trường bán lẻ thời trang Việt Nam bằng cửa hàng đầu tiên rộng 3.100 m2 tại quận 1, TP HCM. Đích thân tỷ phú giàu nhất Nhật Bản, Nhà sáng lập kiêm CEO của Fast Retailing, tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo, Tadashi Yanai đã đến Việt Nam dịp này.
Thị trường đầy tiềm năng
Ông Tadashi Yanai nhấn mạnh Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất và cũng là cơ sở sản xuất quan trọng hàng đầu của hãng. Cửa hàng 3.100 m2 này không chỉ là cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Việt Nam không chỉ thuộc hàng lớn nhất Đông Nam Á mà còn là cửa hàng kiểu mẫu của hãng.
Có thể thấy, thị trường thời trang Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các "cá mập". Tính trung bình, người Việt chi tới 1,8 tỷ đồng mỗi ngày để mua các thương hiệu thời trang ngoại.
Khách xếp hàng tại Uniqlo Đồng Khởi. |
Ví dụ như theo báo cáo tài chính của Zara Việt Nam, doanh thu năm 2018 vượt 1.700 tỷ đồng. Trong khi với 4 cửa hàng vào năm 2018, H&M đã đem về cho mình hơn 658 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với mới khai trương.
Theo nghiên cứu của Seedcom, quy mô ngành thời trang Việt Nam dự kiến sẽ đạt con số 7 tỷ USD vào năm 2023. Do dó, thị trường sắp tới được dự báo sẽ tiếp tục sôi động hơn bởi sự cạnh tranh của các ông lớn, cũng như mở rộng độ phủ bằng việc gia tăng chuỗi cửa hàng trên toàn Việt Nam.
Chỉ tính riêng sản lượng sản xuất của Uniqlo tại Việt Nam để xuất đi thế giới cũng đã ở mức 3 tỷ USD.
Ông Tadashi Yanai từng đánh giá Việt Nam là thị trường quan trọng hàng đầu, là động lực chính cho mục tiêu tăng trưởng 30% ở khu vực Đông Nam Á. Nói về niềm tin của mình vào sự phát triển của Uniqlo tại thị trường Việt Nam, ông Tadashi Yanai khẳng định: "Với TP HCM, trong tương lai, thành phố này sẽ trở thành một đô thị lớn như Paris, London hay Tokyo. Việt Nam không chỉ có kinh tế đang phát triển mà còn có bề dày lịch sử. Trình độ của người dân Đông Nam Á cao nhất phải kể đến người Việt. Đất nước các bạn sẽ trở thành trung tâm tiêu thụ hàng hóa lớn nhất khu vực này".
Bước vào thị trường Việt Nam, Uniqlo dù muốn hay không cũng sẽ phải cạnh tranh với các thương hiệu thời trang quốc tế đình đám như H&M, Zara... điều này người ta dự đoán rằng, một cuộc chiến về giá cả và mẫu mã sẽ phân chia thị phần thời trang trong miếng bánh 5 tỉ USD này.
Tuyên bố sẽ 'không thất bại tại thị trường Việt Nam'
Ông Osamu Ikezoe, Tổng Giám Đốc Uniqlo Việt Nam khẳng định: "Chúng tôi tin rằng Uniqlo sẽ chinh phục người tiêu dùng bằng triết lý Lifewear của mình chứ không chỉ nằm ở việc giảm giá để kích cầu mua sắm".
Ông cũng cho biết sẽ không chọn chính sách giảm giả để kích thích tiêu dùng mà nhắm vào việc phát triển chất lượng sản phẩm chất lượng cao, thoải mái và bền nhưng mức giá phải chăng phù hợp với thị trường Việt Nam.
Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam, ông Osamu Ikezoe bên cạnh tỷ phú Tadashi Yanai. |
Nói về chất lượng sản phẩm, nhà sáng lập Uniqlo Tadashi Yanai đã từng nhấn mạnh trước truyền thông rằng Uniqlo không phải thời trang nhanh, thay vào đó, Uniqlo tự tin với tính bền sản phẩm: "Chúng tôi chắc chắn không phải là thời trang nhanh. Các bạn mặc thử sẽ biết quần áo, trang phục của chúng tôi rất bền. Về mặt chất lượng, yếu tố này là tiêu chuẩn.
Mục tiêu của tôi là sản phẩm Uniqlo sẽ trở thành tiêu chuẩn thế giới, một sản mặc bền qua nhiều năm. Các bạn mặc thử sẽ thấy và đó sẽ là câu trả lời rõ nhất cho việc chúng tôi không phải là thời trang nhanh".
Ông Tadashi Yanai cũng cho hay với cửa hàng đầu tiên này, ông và cộng sự đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu phát triển thị trường nhằm đảm bảo không có bất cứ thất bại nào xảy ra trong việc kinh doanh tại Việt Nam.
"Tôi cho rằng Việt Nam là đất nước có tiềm năng rất lớn cả về dân trí lẫn sự chăm chỉ, cần cù lao động, chịu thương chịu khó của người dân.
Về mặt lịch sử cũng vậy, quốc gia của các bạn đã trải qua rất nhiều gian khổ. Các bạn đã có thể thắng được những cuộc chiến tranh trước đây với nhiều nước lớn mà chúng tôi không làm được điều đó.
Cho nên với một quốc gia có bề dày lịch sử và những điều kiện như tôi vừa kể, tôi đặt rất nhiều hy vọng vào Việt Nam" - Ông giải thích.
Công ty TNHH Uniqlo Việt Nam được thành lập từ ngày 2-10-2018 dưới hình thức liên doanh 100% vốn nước ngoài. Theo đó, Fast Retailing tại Singapore chiếm 75% vốn và Công ty Mitsubishi Corporation giữ 25% vốn. Ngày 9-9 vừa qua, số vốn điều lệ được tăng từ hơn 201,5 tỉ đồng lên trên 364,6 tỉ đồng. Từ ngày 19-9, Uniqlo cũng mở pháp nhân chi nhánh tại Hà Nội và bắt đầu tìm kiếm nhân sự làm việc tại cửa hàng ở thủ đô. |
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ