Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Hóa giải ‘nghịch lý’ trong chậm giải ngân vốn đầu tư công

VIETQ 18:08 02/06/2022

Dù đã có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhưng hiện nay vẫn tồn tại một nghịch lý đó là có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai và kéo theo chậm giải ngân. Chậm giải ngân vốn đầu

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn tồn tại nghịch lý đó là có vốn nhưng chậm phân bổ.

Tốc độ giải ngân chậm

Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhưng vẫn tồn tại nghịch lý đó là có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai và kéo theo chậm giải ngân. Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh nhức nhối không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước.

Số liệu thống kê chỉ ra, tỷ lệ ước giải ngân 5 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 23,53%, vốn nước ngoài đạt 6,26%. Có 41/51 Bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 5 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Lý do giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu mà một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đưa ra là bởi một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, thương thảo hợp đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc chậm tiến độ là do trách nhiệm của các chủ đầu tư, một số bộ, cơ quan và địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong thực tế, cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, địa phương giải ngân tốt, nhưng có bộ, địa phương giải ngân rất thấp.

Ngoài ra, giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng… tăng làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại, thi công theo kiểu "cầm chừng" để chờ giảm giá vì nếu thi công các nhà thầu sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án.

Tháo gỡ khó khăn

Liên quan tới vấn đề giải ngân đầu tư công chậm, mới đây, tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố thẳng thắn cho rằng: “Những biện pháp truyền thống mà bấy lâu nay Chính phủ vẫn triển khai quyết liệt như thành lập các đoàn công tác kiểm tra đốc thúc, quy trách nhiệm cho người đứng đầu về tiến độ giải ngân, cắt giảm, điểu chuyển vốn dự án giải ngân chậm... xem ra không còn là thuốc đặc hiệu, không ai bị xử lý vì không quy được trách nhiệm”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội.

Để tháo gỡ những ràng buộc mang tính bắc cầu và trao quyền cho người có trách nhiệm nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, đột phá của người quản lý, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất Quốc hội xem xét quyết định một số cơ chế sau:

Trước tiên, mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế chỉ định thầu cho các khâu của quá trình đầu tư, mua sắm công, trên nguyên tắc: chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật không thấp hơn, chi phí không cao hơn so với các hạng mục công trình hoặc vật tư đã lựa chọn qua đấu thầu đã triển khai trước đó. Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch rộng rãi tất cả thông tin về gói thầu chỉ định, nhà thầu cung cấp cho mọi người quan tâm có thể giám sát.

Tiếp đó, áp dụng cơ chế bồi thường thoả đáng theo mặt bằng giá bình quân của thị trường - không phụ thuộc vào khung, bảng giá của nhà nước. Đảm bảo các điều kiện cư trú tái định cư của người phải di rời không kém hơn nơi đang ở. Đồng thời, áp dụng các biện pháp xử lý nếu cố tình trây ì, có chính sách điều tiết phần chênh lệch giá tăng lên giữa những khoảng thời gian bồi thường khác nhau.

Cho phép lựa chọn áp dụng các qui định của pháp luật phù hợp nhất trong quá trình triển khai dự án dầu tư, trong các trường hợp: nếu chưa có quy định của pháp luật thì lựa chọn áp dụng qui định pháp luật cho các trường hợp tương tự; nếu chịu điều chỉnh của nhiều qui định pháp luật khác nhau nhưng không thống nhất với nhau thì lựa chọn áp dụng qui định phù hợp nhất.

Đồng thời, trao quyền cho chủ đầu tư được điều chỉnh các nội dung và kỹ thuật thi công dự án trên nguyên tắc: không thay đổi mục tiêu và kết quả đầu ra không thấp hơn đã phê duyệt; các yếu tố kỹ thuât và chất lượng công trình không thấp hơn tiêu chuẩn thiết kế; chi phí đầu tư không cao hơn tổng chi phí phê duyệt. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tính xác đáng về các thông tin thay đổi và chỉ cần báo cáo với cơ quan ra quyết định chủ trương đầu tư.

Link gốc : https://vietq.vn/hoa-giai-nghich-ly-trong-cham-giai-ngan-von-dau-tu-cong-d200858.html

Bạn đang đọc bài viết Hóa giải ‘nghịch lý’ trong chậm giải ngân vốn đầu tư công tại chuyên mục Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nhà nước