Hà Nội, Thứ Hai Ngày 07/10/2024

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa xứng với nguồn lực

NGƯỜI ĐƯA TIN 11:05 24/03/2022

DNNN tuy nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, nhưng không có các dự án có quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, nâng cao sức cạnh tranh cho Việt Nam.

Ngày 24/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trong số 350 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước).

Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty Nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con.

Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng DNNN nhưng khối công ty mẹ tập đoàn – tổng công ty (DNNN quy mô lớn) lại nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc.

DNNN nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản

Trình bày báo cáo tóm tắt một số nội dung cốt lõi về vị trí vai trò, những tồn tại, hạn chế của DNNN, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, có doanh thu và đóng góp đáng kể vào thu ngân sách nhà nước.

Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường.

"Theo tính toán sơ bộ, tổng tài sản của khối DNNN theo giá trị sổ sách năm 2021 khoảng 4 triệu tỷ đồng, quy mô tài sản bình quân của 1 DNNN khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước", Bộ trưởng cho hay.

Về hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%, cao hơn mức lãi suất ngân hàng trong giai đoạn; tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp tư nhân trong nước là 1,26%.

Về đóng góp cho ngân sách Nhà nước, DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp NSNN. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh.

Về hiệu suất sử dụng lao động, khu vực DNNN đạt 18,9 lần; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước 17 lần và thấp nhất là khu vực FDI với 13 lần.

Cũng theo Bộ trưởng, DNNN đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: dầu khí, điện lực, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hạ tầng giao thông và sản xuất, cung ứng một số nguyên vật liệu đầu vào cơ bản cho nền nền kinh tế…..

“Hiện nay, có tới 96% khách hàng sử dụng mạng điện thoại di động là của Viettel, VNPT và Mobifone. Các ngân hàng thương mại Nhà nước như BIDV, Vietcombank, Viettinbank… chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành”, Bộ trưởng thông tin.

Bên cạnh đó, DNNN có vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích. Đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, vốn đầu tư của khối DNNN đã đóng góp đáng kể trong tổng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào phát triển kinh tế xã hội, chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2020.

Đóng góp chưa xứng với tiềm năng vốn có

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song kết quả hoạt động và đóng góp của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mình, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối.

Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế.

Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, DNNN tuy nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, nhưng không có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam.

Nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hoá, tăng trưởng xanh, công nghiệp công nghệ 4.0…

“Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Khu vực DNNN tiếp tục có xu hướng giảm dần quy mô và tỉ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu về hiệu quả trong giai đoạn 2016 – 2021”, Bộ trưởng nêu.

Kinh tế vĩ mô - Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa xứng với nguồn lực

Trong lĩnh vực điện, các nhà máy điện thuộc EVN, PVN, TKV chiếm khoảng 87% tổng sản lượng điện năng cung cấp cho xã hội (Ảnh: Phạm Tùng).

Tiếp đến là năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy. Trong giai đoạn 2016-2020 vừa qua, rất ít dự án, công trình mới có quy mô lớn của DNNN được khởi công; các DNNN chỉ tiếp tục thực hiện các dự án dở dang hoặc xử lý các dự án không hiệu quả từ giai đoạn trước.

Tính riêng đối với 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban quản lý vốn nhà nước và Tập đoàn Viettel, nơi nắm giữ đến gần 90% nguồn lực của khu vực DNNN, chỉ triển khai thực hiện 3 dự án đầu tư nhóm A. Trong đó có 2 dự án chuyển tiếp từ năm 2015 trở về trước và 1 dự án khởi công mới năm 2016.

“Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của khu vực DNNN đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế khi tỉ trọng đóng góp hiện nay của DNNN vào GDP đang khoảng 29%”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, DNNN đang thiếu tầm nhìn chiến lược để phát triển doanh nghiệp nhất là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế.

Trong nội dung trình bày, Bộ trưởng nhấn mạnh về vấn đề công tác quản lý nhà nước đối với DNNN còn chưa được rõ ràng, chưa có một cơ quan quản lý nhà nước được giao làm đầu mối theo dõi, tổng hợp hoạt động của các DNNN nên chưa tham mưu được cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp toàn diện, kịp thời, hiệu quả đối với hoạt động của DNNN.

"Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong thời gian qua có lúc, có nơi còn buông lỏng, chưa hiệu quả nên chưa kịp thời phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các vi phạm. Hệ thống quản lý, giám sát không theo kịp với yêu cầu thực tiễn, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả, dẫn tới không ngăn ngừa và cảnh báo được các nguy cơ làm một số DNNN quy mô lớn bị thua lỗ, mất vốn nhà nước", Bộ trưởng nêu rõ

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/hieu-qua-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-chua-xung-voi-nguon-luc-a547412.html

Bạn đang đọc bài viết Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa xứng với nguồn lực tại chuyên mục Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nhà nước