Sau sự cố nước sạch nhiễm dầu xảy ra, nhiều người bắt đầu quan tâm đến chất lượng nước. Với Nhà máy nước mặt Sông Đuống, từ khi thành lập và đi vào hoạt động đã luôn chú trọng đến chất lượng, đặt sức khỏe người tiêu dùng lên trên hết.
Công nghệ, thiết bị chuyên biệt từ Châu Âu
Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu, do các Kỹ sư hàng đầu của Đức và Áo trực tiếp tư vấn, triển khai.
Nhà máy đồng thời sở hữu quy trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, khép kín từ công đoạn khai thác nước thô đến lắng lọc và khử trùng trước khi phân phối sử dụng thông qua hệ thống điều khiển trung tâm SCADA.
Hệ thống dẫn nước thô của là tuyến ống áp lực kín, bơm trực tiếp nước từ Sông Đuống về nhà máy xử lý, không cho phép các nguồn nước khác xâm nhập vào dây chuyền.
Khi có vấn đề phát sinh, hệ thống sẽ tự động cảnh báo, cô lập các khu vực bất thường để xả, sục, rửa, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn và đặc biệt là chất lượng nước đầu ra.
Khu vực thu nước đầu vào được bố trí trực 24/7, trang bị hệ thống camera, đèn chiếu sáng, loa để cảnh báo và ngăn ngừa các nguy cơ. Ngoài ra, toàn bộ nhà máy và quy trình sản xuất được bảo vệ chặt chẽ.
Quy trình sản xuất: Sạch trên từng công đoạn
- Nước thô: Ban đầu, nguồn nước sẽ được lấy từ sông Đuống, qua kênh dẫn hở vào cổng trạm bơm nước thô. Tại đây, có 3 “hàng rào” vận hành tự động gồm: phao chắn rác, lưới chắn rác thô, lưới chắn rác tinh để sơ lọc rác.
Nước thô còn được được dẫn trực tiếp về phòng thí nghiệm tiêu chuẩn của Nhà máy để kiểm tra mỗi giờ. Trước khi được đưa vào khu xử lý, nước thô được kiểm soát chất lượng thông qua hệ thống giám sát online. Từ kết quả thu nhận theo tần suất 15’/ lần, hệ thống sẽ chuyển tiếp hoặc bổ sung chất oxy hóa để xử lý rong tảo, chất ô nhiễm… trước khi đưa sang bước xử lý tiếp theo.
Hồ sơ lắng: Có dung tích 650.000 m3 có chức năng lắng sơ bộ khi nguồn nước sông Đuống có lượng cặn cao hơn thông số thiết kế. Nước sau lắng sẽ được bơm từ hồ lên dây chuyền xử lý nước liên hoàn.
Hồ sơ lắng được thiết kế là hồ độc lập của nhà máy, có chức năng là nguồn nước dự trữ nếu nguồn nước đầu vào không đảm bảo. Hồ được phân khu độc lập tách biệt với khu dân cư; được bảo vệ 24/7.
- Bơm nước thô: Sau khi được sơ lắng, nước thô sẽ được bơm lên ngăn tiếp nhận và sử dụng phèn nhôm và polyme tạo bông cặn trợ lắng tại các bể phản ứng, sau đó dẫn sang bể lắng lamella sử dụng các tấm lắng nghiêng 55 độ để loại bỏ hàm lượng cặn. Nước sau khi qua bể lắng sẽ được thu bằng hệ thống máng thu nước bề mặt, đạt chỉ tiêu độ đục ≤ 10 NTU trước khi dẫn sang bể lọc.
Bể lọc nhanh trọng lực gồm 2 lớp vật liệu lọc có chức năng loại bỏ hoàn toàn hàm lượng cặn, các chất bẩn để đạt chỉ tiêu độ đục ≤ 0.5 NTU, cho phép kiểm soát và hấp phụ các thành phần hữu cơ; giảm mùi, đảm bảo nước sau lọc đạt đủ các yêu cầu về chất lượng.
- Nước sau lọc: Sau khi lọc xong nước sẽ được khử trùng và dẫn vào bể chứa nước sạch. Tại bể nước đã đạt các yêu cầu theo quy định của nhà nước về chất lượng nước ăn uống trước khi được bơm phân phối qua hệ thống tuyến ống truyền tải cho các khu vực dùng nước.
Xây dựng hệ thống bảo vệ nguồn nước và cảnh báo tiêu chuẩn
Ông Uwe Dechert - Trưởng nhóm giám sát kỹ thuật Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống cho biết: “Tại các nước Châu Âu, khi xây dựng các nhà máy nước tiêu chuẩn, hạng mục quan trọng đầu tiên chính là xây dựng đường ống nước đạt tiêu chuẩn chất lượng cũng như lắp đặt các thiết bị hệ thống hàng rào bảo vệ nguồn nước ngay từ đầu nguồn. Khi các thông số vượt quá quy định sẽ có cảnh báo gửi về phòng điều khiển. Khi đó, thì việc đầu tiên chúng ta cần làm là ngừng bơm nước và phân tích nguồn nước. Tiêu chuẩn này được áp dụng tại Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.”
Trong trường hợp gặp sự cố ô nhiễm nguồn nước đầu vào, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống sẽ ngưng nhận nước từ nguồn, sử dụng nước dự trữ tại hồ sơ lắng để sản xuất và đủ phát nước sạch trong thời gian 3 – 4 ngày trong khi xử lý sự cố nguồn nước.
Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ