Covid-19 tàn phá, FPT Retail thua lỗ
Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã CK: FRT) đã công bố BCTC quý 2/2020 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2020.
Trong tháng 4, có thời điểm FPT Retail đóng cửa đến 170 cửa hàng, tương ứng 1/3 toàn hệ thống. Đó là lý do vì sao doanh thu quý 2/2020 của FRT giảm gần 20%.
Trong mùa dịch, mảng online đóng góp đến 50% doanh thu của FPT Retail, so với mức xấp xỉ 25% trong thời điểm bình thường.
Trong kỳ FRT có 15,8 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính tăng nhẹ so với cùng kỳ trong khi các chi phí đồng loạt tăng cao, chi phí tài chính tăng 27% lên gần 42 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 5% lên 363 tỷ đồng và chi phí QLDN tăng 27% lên 96,7 tỷ đồng nên kết quả FRT lỗ ròng 19,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ LNST đạt 101 tỷ đồng.
Dù không được thuyết minh, nhiều khả năng những chi phí cao hơn so với cùng kỳ năm trước liên quan đến sự mở rộng của chuỗi nhà thuốc Long Châu, vốn được kỳ vọng là bệ đỡ tăng trưởng tương lai của FPT Retail. Từ cuối quý 2/2019 đến cuối quý 2/2020, số cửa hàng Long Châu đã tăng từ 34 lên 135, và do đang trong giai đoạn mở rộng, chuỗi nhà thuốc này vẫn chưa có lợi nhuận.
Kết quả quý 2 năm nay, FPT Retail lỗ ròng gần 18 tỷ đồng, cũng là lần thứ hai báo lỗ trong vòng ba quý gần nhất. Hãng bán lẻ này cũng giảm bớt lượng nợ vay trên ngàn tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Trong 6 tháng đầu 2020, dòng tiền kinh doanh của FPT Retail dương gần 543 tỷ đồng, gấp 2.5 lần cùng kỳ, khi Công ty cắt giảm gần 1,06 ngàn tỷ đồng hàng tồn kho và giảm hơn 493 tỷ đồng khoản phải thu.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, FRT đạt 7.297 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 8,8% so với cùng kỳ, lãi gộp đạt 1.026 tỷ đồng tương đương cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên các chi phí đồng loạt tăng cao khiến LNST công ty mẹ chỉ còn hơn 19 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 161 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019.
FPT Retail đã tính đến làn sóng Covid-19 thứ hai?
Nguyên nhân thua lỗ trong quý 2/2020 được FRT giải trình là do ảnh hưởng chung của dịch Covid 19 trên toàn cầu, tình hình kinh doanh của FRT bị ảnh hưởng đáng kể, nhiều cửa hàng FPTshop bị đóng cửa theo quy định của chính phủ trong thời điểm đầu tháng 4, bên cạnh đó sức mua của thị trường giảm đáng kể, dẫn đến việc doanh thu và lợi nhuận trên báo cáo riêng giảm.
Nửa cuối 2020, việc làm ăn của FPT Retail sẽ còn chịu sức ép khi sức tiêu dùng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do thu nhập người dân giảm trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là khi những ca bệnh đang quay trở lại với tâm chấn là Đà Nẵng, cùng với đó, một số địa phương tại Việt Nam lần nữa thi hành những chính sách giãn cách, cách ly.
Trong cuộc họp thường niên diễn ra cuối tháng 5, Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp cũng dự báo năm 2020 sẽ là "đáy kinh doanh" của hệ thống FPT Retail, và kế hoạch đặt ra trong năm nay cũng đã tính đến làn sóng Covid-19 thứ hai.
Theo đó, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế ở mức 15.3 ngàn tỷ đồng và 220 tỷ đồng cho năm 2020, lần lượt giảm 8% và 21% so năm trước. Hoàn thành mục tiêu lợi nhuận sau những gì đã xảy đến với doanh nghiệp là nhiệm vụ khó khăn, nhưng FPT Retail cũng có những hướng riêng.
Nhà thuốc Long Châu sẽ tiếp tục được mở rộng lên 220 cửa hàng đến cuối năm 2020. |
Công ty cũng dự kiến tập trung khai thác sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng, hướng đến mua sắm trực tuyến.
Nhà thuốc Long Châu sẽ tiếp tục được mở rộng lên 220 cửa hàng đến cuối năm 2020. Chuỗi Long Châu Công ty dự kiến tăng mạnh với doanh thu tăng 3 lần, từ 500 tỷ (2019) lên 1.500 tỷ đồng. Long Châu sẽ mở rộng danh mục sản phẩm, đặc biệt là nhóm sản phẩm private label như thực phẩm chức năng…
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ