Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Công viên nước Thanh Hà bị tháo dỡ hay phá dỡ, hủy hoại tài sản?

DTVN 16:35 10/02/2020

Công viên nước được cho là hiện đại bậc nhất Thủ đô, tuy nhiên mới chỉ hoạt động hơn nửa năm nơi đây đã “biến thành” một đống "đổ nát”...

Công viên nước Thanh Hà không phải bị tháo dỡ mà là phá hủy?

Công viên nước Thanh Hà (khu đô thị Mường Thanh, phường Phú Lương, quận Hà Đông) đi vào hoạt động từ tháng 6/2019. Công trình có vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Dù mới khai trương hơn nửa năm nhưng công viên nước hiện đại nhất Thủ đô này đã phải tháo dỡ do vướng nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng.

Được liệt vào công trình xây dựng không phép, UBND quận Hà Đông yêu cầu chủ đầu tư dừng khai thác, sử dụng để chờ xử lý.

Ngày 27/11/2019, UBND quận Hà Đông có quyết định 4725/QĐ-UBND, yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ 19 hạng mục xây dựng của công viên nước Thanh Hà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Hết thời gian này, do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt tại công viên nước Thanh Hà có kết cấu kỹ thuật phức tạp nên chủ đầu tư là Công ty Cienco 5 đã gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn và xem xét tạo điều kiện để Công ty xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình.

Không đồng ý với đề xuất của chủ đầu tư, ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông ra Quyết định số 5079/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngày 30/12/2019, UBND phường Phú Lương có Thông báo số 606/TB-UBND về việc thực hiện quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo theo quyết định 5079/QĐ-CCXP của UBND quận Hà Đông. Theo đó, UBND phường Phú Lương yêu cầu công ty phải tự tháo dỡ 19 hạng mục theo yêu cầu của UBND quận Hà Đông, xong trước 17h ngày 10/1/2020.

Ngày 15 và 16/1/2020, UBND phường Phú Lương đã tổ chức lực lượng cưỡng chế và chỉ sau 2 ngày, công viên nước Thanh Hà trở thành bãi phế liệu.

Công viên nước Thanh Hà mới đi vào hoạt động từ tháng 6/2019 giờ chỉ còn là đống đổ nát.

Toàn bộ phần xây dựng khuôn viên, nhà điều hành, các thết bị bên trong công viên như máng trượt nước, cầu trượt nước là những thiết bị có thể tháo dỡ di dời để sử dụng được nhưng cũng bị phá nát.

Lực lượng chức năng quận Hà Đông phá dỡ công viên nước Thanh Hà - Ảnh: B.N

Nhiều hạng mục trong công viên nước vừa xây dựng xong đã bị phá nát - Ảnh: B.N

Sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, công viên nước Thanh Hà đã bị phá hủy toàn bộ, không hạng mục nào còn nguyên vẹn. Kể cả hạng mục cây xanh không có tên trong danh mục bị cưỡng chế cũng bị “quật đổ” ngổn ngang.

Được biết, trước sự việc trên Công ty Cienco5 đã khiếu nại hành vi hành chính của UBND quận và cho rằng, việc thực hiện không đúng quyết định buộc khắc phục hậu quả và quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã dẫn đến Công ty bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do các thiết bị kỹ thuật của công viên, tài sản của công ty đã bị hủy hoại và không còn khả năng tái sử dụng.

Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp: UBND quận Hà Đông không được phép “phá hủy” tài sản

Bàn về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, giám đốc Công ty Luật HPVN trích điều luật Khoản 5 Điều 15 và điểm d khoản 10 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở...; Khoản 5 Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định như sau:

“Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực đất đó.

Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.

Quá thời hạn 6 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo đến nhận tài sản mà cá nhân, tổ chức có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản, xử lý tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại tổ chức tín dụng và thông báo cho cá nhân, tổ chức có tài sản biết để nhận khoản tiền đó. Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị, người tổ chức cưỡng chế tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu hủy”.

Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, giám đốc Công ty Luật HPVN

Luật sư cho rằng, nếu các tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì cơ quan chức năng phải yêu cầu phía doanh nghiệp tự di chuyển tài sản đó ra khỏi khu vực bị cưỡng chế mà không được phép “phá hủy”.

Liên quan tới trách nhiệm của UBND quận Hà Đông trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, luật sư Hiệp cũng phân tích:

Tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bất động sản thì Thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương (cấp xã phường, cấp quận huyện, Thành phố) có trách nhiệm kiểm tra, giám sát phát hiện và kịp thời xử lý các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng.

Trong trường hợp cá nhân, cơ quan được giao nhiệm vụ mà buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để xảy ra những công trình sai phạm nghiêm trọng thì cá nhân, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Vậy trước sự việc trên trách nhiệm UBND quận Hà Đông ra sao? Việc một công viên nước hoành tráng hơn 3ha, đầu tư 200 tỷ đồng, xây không phép giữa Hà Nội đã bị đập bỏ tan hoang, khiến dư luận đặt ra câu hỏi, các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương đã “ở đâu” trong suốt thời gian doanh nghiệp lắp đặt thiết bị và xây dựng cơ sở vật chất cho công viên một cách sai phép? Việc tháo dỡ này có "che" được hoàn toàn sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền quận Hà Đông?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cong-vien-nuoc-thanh-ha-bi-thao-do-hay-pha-do-huy-hoai-tai-san-d69969.html

Bạn đang đọc bài viết Công viên nước Thanh Hà bị tháo dỡ hay phá dỡ, hủy hoại tài sản? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp