Gần đây Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh của người dùng về việc khi mua và sử dụng sản phẩm "Dầu Tràm LAVA - Dầu Cho Mẹ Và Bé" của Công ty TNHH LAVA (Công ty LAVA), trên sản phẩm ghi rõ "không được uống", nhưng khi quảng cáo bán sản phẩm lại ghi là: "Cho một giọt tinh dầu tràm vào ly nước ấm để uống cũng giảm cơn đau bụng". Không những thế, Công ty LAVA còn nêu dưới bài giới thiệu về sản phẩm: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
Sản phẩm dầu tràm LAVA quảng cáo gây hoang mang cho người dùng |
Theo người tiêu dùng, đây là các thông tin gây nhiễu loạn, không rõ ràng và gây hoang mang nếu mua và sử dụng sản phẩm này. "Tôi mua về bôi chỉ thấy hắc đúng mùi dầu tràm nhưng công dụng thì không phải như quảng cáo. Hơn nữa, đã "không được uống" nhưng nhà sản xuất lại ghi là thực phẩm và hòa vào nước để dùng giảm đau bụng. Tôi thực sự hoang mang", chị Hà Thu ở Linh Đàm - Hoàng Mai lo lắng, thắc mắc.
Theo phản ánh của người dùng, Phóng viên đã tìm hiểu và được biết, Công ty TNHH LAVA có địa chỉ tại 21 Nguyễn Thiện Thuật, Phường Đông Lương, Tp. Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị.
Tại 2 trang web: https://suckhoexanh.net/ và https://lavaviet.com/, Công ty LAVA khuyến cáo sản phẩm không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh nhưng lại thổi phồng, phóng đại công dụng của sản phẩm Dầu Tràm LAVA: "Điều trị các bệnh về da"; "Trị nhiễm nấm ở bàn chân, chân hôi, nhiễm trùng móng và đau chân"; "Trị mụn và da nhờn"; "trị các vết côn trùng cắn, làm da sưng và ngứa"; "trị ho hiệu quả"; ... Sản phẩm này có Số ĐKCL: 12/2012/YTQT-CNTC. Liên hệ với Công ty LAVA về việc vì sao sản phẩm ghi "không được uống" nhưng lại khuyên người dùng hòa nước để uống và vì sao sản phẩm không phải là thuốc nhưng lại quảng cáo rầm rộ là trị bệnh, điều trị. Một đại diện Công ty LAVA tiếp nhận sự việc đến nay gần 1 tháng, tuy nhiên vẫn "im hơn lặng tiếng".
Để làm rõ hơn về công dụng và chất lượng của sản phẩm Dầu tràm LAVA, chúng tôi cũng đã liên hệ với Sở Y tế tỉnh Quảng Trị để phản ánh, tuy nhiên được cán bộ Sở này hướng dẫn là liên hệ với Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị. Phóng viên đã liên hệ với Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị lại được biết, sản phẩm không phải do Chi cục này tiếp nhận và xác nhận công bố chất lượng.
Sự luẩn quẩn và vòng quanh này từ doanh nghiệp đến cơ quan y tế Quảng Trị đặt ra câu hỏi, có sự vòng vo, bao che cho doanh nghiệp làm liều hay không? Còn sức khỏe người tiêu dùng và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường thì sao? Điều này đề nghị Thanh tra Bộ Y tế và và Cơ quan Quản lý Thị trường vào cuộc làm rõ.
Khuyến cáo người dùng không phải thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh nhưng Công ty LAVA lại quảng cáo sản phẩm Dầu tràm LAVA để trị bệnh? |
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), quá trình thanh kiểm tra cho thấy, những chiêu thức quảng cáo thực phẩm chức năng đang được các đối tượng sử dụng rất tinh vi trên mạng xã hội, hình thức quảng cáo đa dạng, diễn biến phức tạp nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định, những lời quảng cáo và tư vấn sai sự thật của các cá nhân, tổ chức ở trên đã thỏa mãn hành vi quảng cáo gian dối, hoặc nghiêm trọng hơn là lừa dối khách hàng. Theo đó, nếu bị kết án với tội quảng cáo gian dối (Điều 197, BLHS 2015), người vi phạm có thể bị phạt đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù treo đến 3 năm. Còn với tội lừa dối khách hàng (Điều 198, BLHS 2015), có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc ngồi tù đến 5 năm bởi trên thực tế các đối tượng đã thỏa mãn liên tiếp dấu hiệu tăng nặng như: Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp. “Theo tôi, để khắc chế tình trạng loạn quảng cáo như hiện nay, cần có 1 biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự nghiêm khắc hơn” - vị luật sư nêu quan điểm. Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, việc quảng cáo TPCN phải tuân theo Luật Quảng cáo 2012 của Quốc hội, Nghị định 181/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, Thông tư số 09/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Hành vi cố ý quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng điều trị bệnh được đánh giá thuộc mức nghiêm trọng và cần được xử lý nghiêm minh, thậm chí thu hồi giấy phép. Ngoài ra, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định: Tổ chức, cá nhân không được phép quảng cáo sản phẩm sai so với tác dụng thực tế. Đối với cá nhân quảng cáo sai sự thật và ở mức nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự. Theo luật sư Lê Văn Hoan - đoàn luật sư TP.HCM đối với các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm, quảng cáo TPCN sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, như sau: Trường hợp quảng cáo TPCN và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc thì người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng theo quy định tại Khoản 4 Điều 68. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo. Nếu quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, thì bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 67 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017. Đối với hành vi Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo quy định Khoản 4, Điều 70 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017 |
Chúng tôi tiếp tục phản ánh trong các bài tiếp theo!
(Theo VietQ)