Hồi tháng 4 vừa qua, trong danh sách những người giàu nhất hành tinh do Forbes công bố, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan đã rời khỏi danh sách bởi khối tài sản của ông dưới mức 1 tỷ USD.
Lúc đó, đại diện của Việt Nam chỉ còn 4 cái tên là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO VietJet Air, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco và ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank.
Tuy nhiên, danh sách cập nhật đến ngày hôm nay, Việt Nam đã có thêm 1 cái tên xuất hiện trong bảng xếp hạng danh giá này. Người đó không phải ai khác, chính là ông chủ Masan - người đã bị rời tên cách đây hơn 1 tháng.
Hiện tại, theo tính toán của Forbes, khối tài sản của ông Quang đạt mức 1.1 tỷ USD, tăng 16 triệu USD so với ngày trước đó.
Cổ phiếu MSN tăng mạnh
Nguyên nhân của việc tăng tài sản này là do cổ phiếu MSN của Masan do ông Quang nắm giữ tăng giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 14/5. Mức tăng giá là 2.000 đồng/cổ phiếu, chốt phiên ở mức 63.900 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch hôm nay 20/5, cổ phiếu MSN ở mức 64.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này đã tăng hơn 30% so với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh hồi đầu tháng 4, khi cổ phiếu MSN thời điểm đó được giao dịch quanh vùng giá 49.000 đồng/CP.
Với mức giá cổ phiếu hiện tại, Masan có vốn hóa thị trường đạt gần 74,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 3,2 tỷ USD).
Theo số liệu thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang đang gián tiếp nắm giữ hơn 252 triệu cổ phiếu MSN (thông qua việc nắm giữ 48,5% cổ phần tại Công ty CP Masan và 48,5% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương).
Ngoài ra, ông Quang cũng đang nắm giữ 30.417 cổ phiếu Masan Consumer (MCH) và hơn 9,4 triệu cổ phiếu Ngân hàng Techcombank (TCB)…
Theo danh sách tỷ phú Việt Nam trên sàn chứng khoán hiện tại, ông chủ Tập đoàn Masan đang xếp vị trí thứ 5 trong danh sách những người giàu nhất, với khối tài sản theo giá trị cổ phiếu được định giá khoảng 16.310 tỷ đồng. Xếp sau các tỷ phú Phạm Nhật Vượng (183.971 tỷ đồng); bà Nguyễn Thị Phương Thảo (23.887 tỷ đồng); ông Trần Đình Long (16.765 tỷ đồng) và ông Hồ Hùng Anh (16.608 tỷ đồng).
Còn nếu xếp theo danh sách tỷ phú USD của Forbes, ông Nguyễn Đăng Quang cũng xếp vị trí thứ 5 với khối tài sản 1,1 tỷ USD, bên cạnh các tỷ phú USD khác như ông Phạm Nhật Vượng (6 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,3 tỷ USD), ông Trần Bá Dương và gia đình (1,5 tỷ USD) và ông Hồ Hùng Anh (1,2 tỷ USD).
Doanh thu thuần tăng cao nhất trong lịch sử
Theo BCTC hợp nhất quý 1 của Tập đoàn Masan, doanh thu thuần của tập đoàn này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và lên cao nhất lịch sử, đạt 17.638 tỷ đồng. Tuy nhiên, Masan lại báo lỗ trước thuế 60 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 216 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên Masan báo lỗ, kể từ quý 2/2014.
Nguyên nhân khiến tập đoàn thua lỗ dù doanh thu tăng vọt được lý giải là do công ty hợp nhất kết quả kinh doanh của VinCommerce (VCM), sau khi sở hữu công ty này từ quý 4/2019.
Cụ thể, VCM là công ty đang điều hành hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+, đạt doanh thu hơn 8.700 tỷ đồng trong quý 1/2020, chiếm gần 50% tổng doanh thu Masan. Tuy nhiên, VCM lỗ 897 tỷ đồng trong quý 1 vừa qua.
Ngoài ra, trong quý 1, chi phí lãi vay của tập đoàn tăng 263 tỷ đồng do số nợ tăng trong khi doanh thu tài chính giảm 121 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 1, tiền và các khoản tương đương tiền của MSN giảm 25%, xuống còn 5.733 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản của Masan là 105.075 tỷ đồng, tăng 8% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, vay nợ của Masan lại tăng 31%, từ 30.000 tỷ đồng lên gần 39.277 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn khoảng 22.100 tỷ đồng (tăng 20%) còn vay dài hạn 17.131 tỷ đồng (tăng 47%).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan gây chú ý nhiều với giới đầu tư trong phiên giao dịch ngày 14/5, khi cổ phiếu MSN đạt giá trị giao dịch thỏa thuận "khủng" do khối ngoại chi tiền mua ròng 39 triệu cổ phiếu, tương đương với 2.335 tỷ đồng.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ