Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Biến động không ngừng, TTC Land muốn thay đổi toàn diện?

Theo SKCĐ 12:25 22/09/2019

Không chỉ dừng lại ở thay đổi một cách toàn diện nhân sự, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương tín (TTC Land, mã SCR) bắt đầu cuộc sắp xếp lại vốn và rút vốn ra khỏi những dự án "rìa" và nhỏ.

Thay toàn bộ Ban Tổng giám đốc chỉ trong 3 tháng

Thời gian gần đây, TTC Land liên tục công bố thông tin về thay đổi nhân sự cấp cao và quan trọng trong Ban điều hành. Gần nhất, ngày 19/7, HĐQT miễn nhiệm ông Nguyễn Văn Triển khỏi chức vụ Giám đốc Tài chính, đồng thời bổ nhiệm ông Lê Hùng Cường thay thế.

Vào tháng 6, Công ty cũng đã thông qua quyết định miễn nhiệm 2 Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Vinh và bà Nguyễn Thị Mai Thảo theo nguyện vọng cá nhân.

Cuối tháng 5, HĐQT thôi chức vụ Thư ký đối với bà Huỳnh Kim Yến. Cũng trong tháng này, Công ty còn miễn nhiệm ông Hồ Hữu Nhân khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc.

Trước đó, ngày 23/4, ông Nguyễn Đăng Thanh bắt đầu giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Chỉ trong vòng 3 tháng từ ngày có Chủ tịch hội đồng quản trị, TTC Land đã thay toàn bộ Ban Tổng giám đốc.

TTC Land liên tục công bố thông tin về thay đổi nhân sự cấp cao và quan trọng trong Ban điều hành.

Được biết, ông Nguyễn Đăng Thanh, sinh năm 1976, là Cử nhân ngành Kinh doanh tiền tệ (Ngân hàng), tốt nghiệp Đại học Kinh tế Tp.HCM. Tân Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Thanh đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản.

Ông đã từng giữ vị trí điều hành cấp cao tại nhiều đơn vị khác nhau, bao gồm: Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Đô thị Đông Dương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietbank, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank…

Với cương vị mới tại TTC Land, ông Nguyễn Đăng Thanh sẽ chịu trách nhiệm định hướng chiến lược từ hoạt động tái cấu trúc tổ chức và tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh kinh doanh, quản lý và vận dụng nguồn vốn, kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Song song, Công ty cũng bổ nhiệm mới bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho vị trí Phó Tổng giám đốc.

TTC Land huy động vốn lớn

Không chỉ dừng lại ở thay đổi một cách toàn diện nhân sự, TTC Land bắt đầu cuộc sắp xếp lại vốn và rút vốn ra khỏi những dự án "rìa" và nhỏ như chuyển nhượng dự án Hải Phòng hay sẽ chuyển TTC Plaza Bình Thạnh.

Mặc dù ghi nhận nguồn tiền dồi dào khi người mua trả tiền trước ghi nhận gần 1.492 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2019, tuy nhiên gần đây, TTC Land liên tục huy động vốn.

Vào tháng 7/2019, TTC Land công bố phương án phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. TTC Land đã thông qua chuyển nhượng một số tài sản là quyền sử dụng đất các lô đất nhỏ ở quận 7, Tp. HCM, Bình Dương; chuyển nhượng dự án Hải Phòng Plaza - ở xa và không tập trung phản ánh TTC Land tái cấu trúc tài chính nhằm tập trung nguồn vốn phục vụ cho chiến lược kinh doanh mới.

Cụ thể, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - Mã: SCR) đã chuyển nhượng 21,7 triệu cổ phiếu (70%) tại CTCP Thương mại Hải Phòng Plaza với tổng giá trị chuyển nhượng 311,5 tỉ đồng.

TTC Land đã chuyển nhượng 21,7 triệu cổ phiếu (70%) tại CTCP Thương mại Hải Phòng Plaza.

Mặc dù sở hữu 70% vốn tại Hải Phòng Plaza nhưng trong danh mục công ty con và công ty liên kết tại báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019 của TTC Land không xuất hiện tên đơn vị này.

Trước đó vào ngày 20/9/2018, TTC Land đã chi 126 tỉ đồng để mua 7 triệu cổ phiếu với giá 18,000 đồng/cổ phiếu, qua đó sở hữu 70% vốn của chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại đa chức năng Hải Phòng Plaza. Như vậy, so với số tiền bỏ ra lúc đầu, TTC Land vẫn lãi sau một năm đầu tư, tuy là không quá lớn.

Tất cả những động thái trên cho thấy, TTC Land đang tái cấu trúc tài chính nhằm tập trung nguồn vốn phục vụ cho chiến lược kinh doanh mới.

Nợ vẫn tiếp tục tăng bất chấp dòng tiền vào cực mạnh

Trong 5 năm trở lại đây, ngoại trừ năm 2015 vay nợ của TTC Land giảm mạnh ở cả vay ngắn và dài hạn, từ năm 2016 vay nợ của TTC Land bắt đầu tăng mạnh cả về số tương đối lẫn tuyệt đối, vay ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao.

So với cuối năm 2015, tổng số dư vay nợ ngắn và dài hạn của TTC Land cuối năm 2018 đã gấp 4,2 lần; đến cuối tháng 6/2019 gấp 4,8 lần. Vay nợ ngắn hạn chiếm khoảng 60% tổng vay nợ.

Đồng thời một lượng tiền lớn của TTC Land đang chạy vào "túi" của các công ty. Thuyết minh Báo cáo tài chính cho thấy, cho vay các bên là một "đặc sản" của TTC Land, nhưng từ năm 2017 trở lại đây khoản phải thu về cho vay ngắn hạn của TTC Land tăng vọt.

Đến cuối tháng 6/2019, số dư khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 2.170 tỷ đồng, lớn hơn số dư vay nợ ngắn hạn và bằng 82% tổng vay nợ ngân hàng ngắn và dài hạn của TTC Land, gần bằng 20% tổng tài sản.

Đặc biệt, khoản cho vay đối với Công ty Cổ phần Mai Tiến Phát đã tăng đều qua các kỳ báo cáo gần đây, lên mức 1.576 tỷ đồng. Cũng lưu ý rằng, TTC Land đang nắm giữ 12,09% vốn tại Công ty Cổ phần May Tiến Phát. Trong khi đó, thu nhập lãi cho vay trong kỳ kế toán luôn thấp hơn đáng kể chi phí lãi vay phải trả.

Điều này đồng nghĩa, hoạt động vay về cho vay lại không mang đến lợi ích đáng kể cho các cổ đông và công ty, ngược lại, TTC Land đang đối mặt với rủi ro tài chính nhiều hơn khi sử dụng nguồn vốn huy động được không đúng chức năng, ngành nghề hoạt động.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/bien-dong-khong-ngung-ttc-land-muon-thay-doi-toan-dien-d62008.html

Bạn đang đọc bài viết Biến động không ngừng, TTC Land muốn thay đổi toàn diện? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp