Nếu như trước đây vài năm, cuộc đua về doanh số và sự cạnh tranh để có được thị phần tiêu thụ xe trên thị trường Việt đối với các doanh nghiệp Việt khá khó khăn. Tuy nhiên, qua mỗi năm, các doanh nghiệp lắp ráp xe Việt ngày càng khẳng định mình.
Theo Báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt, tính riêng trong Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), bốn ông lớn gồm Toyota, Honda, Ford và Thaco hiện đang chiếm tới 77% thị phần thị trường ô tô tại Việt Nam.
Trong đó, chiếm thị phần cao nhất là một doanh nghiệp nội - Thaco với tỉ lệ 34,3%. Đứng thứ hai là Toyota với 23,8% thị phần. Honda và Ford lần lượt nắm giữ 10,2% và 8,7% thị phần xe trong nước. Còn lại là các thương hiệu khác như VinFast, Mitsubishi,...
Ảnh: Kinh tế và Tiêu dùng |
Theo Chứng khoán Bảo Việt, mặc dù ngành ô tô đã phục hồi từ tháng 5, sau khi chỉ thị áp dụng giãn cách xã hội kết thúc và đã ghi nhận mức tăng trưởng trong tháng 7, nhưng sang đầu tháng 8, đà tăng đã không được duy trì.
Nguyên nhân được chỉ ra là đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ hai tại Đà Nẵng và tâm lí khách hàng e ngại mua sắm trong tháng 7 Âm lịch.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ của Honda trong tháng 8 chỉ đạt vỏn vẹn 1.634 chiếc. Tổng 8 tháng đầu năm, Honda bán được 14.850 xe, điều này đã khiến thị phần của hãng xe này giảm xuống còn 10,2% so với 11% cùng kì năm ngoái.
Tương tự, lượng xe bán ra của Ford trong tháng 8 đã giảm 9,9% so với tháng trước đó, đạt 2.005 chiếc. Từ đầu năm đến nay, Ford Việt Nam bán được tổng cộng 12.659 chiếc, thị phần thu hẹp còn 8,7% so với 10,8% cùng kì.
Toyota cũng chứng kiến lượng xe bán ra trong tháng đạt 4.249 chiếc, giảm 19,7% so với tháng 7/2020 và giảm 15,9% so với cùng kì năm 2019. 8 tháng đầu năm, hãng xe Nhật Bản đã bán được tổng 34.743 chiếc xe tại thị trường Việt Nam, giảm 24,2%.
Mặc dù kì vọng sản lượng tiêu thụ toàn ngành ô tô Việt Nam sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm, khi đợt tái bùng phát dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhưng Chứng khoán Bảo Việt vẫn dự báo, sản lượng tiêu thụ cả năm 2020 sẽ thấp hơn so với năm ngoái. Theo đó, số xe bán ra trong năm sẽ chỉ đạt khoảng 310.696 chiếc, giảm 18,8% so với tổng số xe bán ra năm 2019.
Tuy nhiên, trong dài hạn, Chứng khoản Bảo Việt vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng phát triển của thị trường ô tô Việt Nam, nhờ vào tỉ lệ sở hữu ô tô hiện đang ở mức thấp, thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư.
Kể từ cuối tháng 6, Chính phủ đã quyết định cắt giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tái sản xuất. Đồng thời, kích thích nhu cầu mua các sản phẩm xe lắp ráp hoàn toàn trong nước.
Sau động thái này, theo thống kê của VAMA, sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7 và tháng 8 tăng mạnh, chiếm 64,8% tổng sản lượng so với mức trung bình 62% trước khi Chính phủ kích cầu.
Thị trường đang “ấm” dần lên
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới chưa dự đoán được thời điểm kết thúc, khó khăn vẫn đè nặng lên các quốc gia và nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, dự báo tăng trưởng thị trường ô tô Việt Nam cũng không thể lạc quan như các năm gần đây.
Điểm khác biệt so với mọi năm là trong khi tiêu thụ ô tô trong nước đang gặp khó khăn, nhưng xe nhập khẩu về vẫn nhiều và các chuyên gia trong ngành đều nhận định khó có thể lặp lại kỳ tích vượt 400.000 xe như của năm 2019, nhưng vượt qua con số 300.000 xe toàn thị trường vẫn có thể.
Nhìn nhận về thị trường cuối năm 2020, nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng thị trường sẽ “ấm” trở lại. Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, một số ý kiến dự báo, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ có đợt doanh số bán xe ô tô tăng đột biến.
Cụ thể là khi gần hết chương trình hỗ trợ 50% phí trước bạ vào cuối năm 2020, người dân sẽ tranh thủ mua xe để tận dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ. Tuy nhiên con số này sẽ không nhiều do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế nhiều nước trên thế giới còn tăng trưởng âm, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa thể khôi phục được toàn bộ các đường bay quốc tế; các ngành như du lịch, dịch vụ, dịch vụ xe công nghệ cũng không có nhiều hoạt động… Điều này sẽ tác động đến thị trường ô tô, nên đến cuối năm 2020 thị trường này có thể vẫn chưa hết trầm lắng.
Chuyên gia ô tô Vĩnh Nam đến từ Công ty AVIS Vietnam từng nhận định năm 2020 sẽ là năm của xe lắp ráp trong nước, kể cả xe sang. Ông Nam nói: “Từ tháng 5 đến nay, doanh số của một số hãng xe tương đối tốt, chứng tỏ người dân đã quay lại mua sắm sau thời gian chững lại vì COVID -19. Từ nay đến cuối năm, sức mua xe sẽ tăng khi có phần tác động từ chính sách giảm phí trước bạ 50%”.
Tuy nhiên, với diễn biến mới nhất về sức mua đang có xu hướng giảm, ông Vĩnh Nam nhận định thị trường xe năm nay sẽ khó đoán trước. Hậu COVID-19 đợt đầu, các hãng tưởng thuận lợi nên tăng số lượng sản xuất, cũng như nhập khẩu chuẩn bị cho đợt “chạy” hàng cao điểm cuối năm. Nhưng nay tình thế thay đổi, khả năng đến cuối năm, sẽ có những đợt kích cầu để lấy lại sản lượng tiêu thụ bị hụt.
Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ