Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

“Ông lớn” vàng miếng Doji đang kinh doanh thế nào?

Lê Hải-Nhã Vân/Pháp Luật Plus 18:03 15/09/2020

Việc đổi tên mã trái phiếu từ cho thấy kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu của Doji sẽ không chỉ dừng lại ở con số 750 tỷ đồng.

Giảm 6% so với cùng kỳ năm trước

Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji (Doji) vừa phát hành thành công 7,5 triệu trái phiếu vào ngày 31/7/2020, ngày đáo hạn là 31/7/2023, lãi suất 9,5%/năm cho kỳ đầu tiên.

Lô trái phiếu trên có mệnh giá 100.000 đồng, tương đương giá trị phát hành 750 tỷ đồng.

Sau 12 tháng, tổ chức phát hành có quyền mua lại trái phiếu và người bán có nghĩa vụ bán lại toàn bộ trái phiếu. Sau 24 tháng, người sở hữu có quyền bán lại và tổ chức phát hành có nghĩa vụ mua lại toàn bộ trái phiếu theo các điều kiện trái phiếu.

Đáng chú ý, lô trái phiếu lần này của Doji được đổi tên từ DOJIBOND sang DOJI.L.20.23.001 nên rất có thể đây chỉ là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của Doji trong năm 2020.

Doji được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý. Ảnh Doji

Doji đã được biết tới như một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý, tập trung chủ yếu ở các trung tâm kinh doanh và có hàng chục chi nhánh trên cả nước.

Hiện tại, doanh nghiệp này có 12 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, 5 công ty liên kết góp vốn và 50 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng vàng cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán.

Danh sách 12 công ty thành viên của Doji hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con gồm: Công ty CP Thế Giới Kim Cương, Công ty TNHH Xây lắp và kỹ thuật Phúc Thịnh, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Doji, Công ty CP Khu du lịch sinh thái Tam Đảo, Công ty CP DojiLand Hạ Long, Công ty CP Ngoại thương và phát triển đầu tư địa ốc Châu Lục, Công ty TNHH BĐS Blue Star, Công ty TNHH Đầu tư BĐS DojiLand, Công ty CP VBĐQ SJC Hà Nội, Công ty CP VBĐQ SJC Đà Nẵng, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Bông Sen Đỏ, Công ty CP Đá quý và Vàng Yên Bái.

Doji còn có 5 công ty liên kết góp vốn gồm Ngân hàng TMCP Tiên phong, Công ty CP Diana Unicharm, Công ty CP Đầu tư phát triển N&G, Công ty Đầu tư và Khoáng sản Yên Bái, Công ty CP Bamboo Capital.

Do tác động của đại dịch Covid-19, báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh 6 tháng của Doji cho biết, hoạt động bán lẻ của doanh nghiệp này chỉ ghi nhận 45 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu đến cuối tháng 6 của doanh nghiệp này đạt 3.392 tỷ đồng, tăng mạnh lên gấp 150% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nợ phải trả đạt trên 6.000 tỷ.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty theo đó giảm về mức 1,3%.

Trong năm 2020, Doji được chú ý thông qua việc hoàn tất thương vụ mua lại Công ty Thế giới Kim cương - một công ty có chuỗi trên 100 cửa hàng, trung tâm bán hàng tại hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên cả nước vào cuối tháng 4/2020.

Doji và khối bất động sản khổng lồ

Bên cạnh việc “nổi đình nổi đám” với hàng loạt thương vụ thâu tóm, phát triển kinh doanh vàng bạc đá quý, Doji còn đang lấn sân sang mảng bất động sản với việc sở hữu rất nhiều dự án.

Tòa nhà Doji Tower tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội.

Tại Hạ Long, Doji có Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel tại Trung tâm Thành phố Hạ Long mang tên The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Ha Long với tổng diện tích 4,7 ha và tổng mức đầu tư lên tới 8.000 tỷ đồng; Dự án khách sạn 5 sao Diamond Halong Hotel.

Tại Hải Phòng, Tập đoàn có Dự án tổ hợp Trung tâm Thương mại Căn hộ cao cấp và Văn phòng cho thuê.

Tại Vĩnh Phúc, Doji có Dự án đầu tư Khu Đô thị mới Nam Vĩnh Yên tại Thành phố Vĩnh Yên và Huyện Yên Lạc với tổng diện tích 70,6 ha và Dự án Khu Du lịch sinh thái Hồ Xạ Hương, Tam Đảo gần 220 ha.

Ngoài ra, Doji còn có Dự án Khu đô thị String of Gems tại Tp Huế và Dự án Tòa nhà chung cư căn hộ tại 137 Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP HCM;

Tòa nhà văn phòng Ruby Tower tại số 81-83-85 Hàm Nghi, TP.HCM. Ảnh: Skyoffice.

Bên cạnh hàng loạt dự án bất động sản, Doji còn đang sở hữu nhiều khu đất vàng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, điển hình như trụ sở chính của công ty được đặt tại tòa nhà Doji Tower số 5 Lê Duẩn, Quận Ba Đình, Hà Nội, cao 16 tầng và 3 tầng hầm, tổng diện tích sử dụng 18.883 m2.

Cùng với đó là Tòa nhà văn phòng Ruby Plaza tại số 44 Lê Ngọc Hân, Hà Nội, cao 17 tầng; tổng diện tích sử dụng 12.000 m2; Tòa nhà Vàng bạc Đá quý, Trang sức và Văn phòng tại 214 Phan Đăng Lưu, TPHCM, cao 10 tầng; tổng diện tích sử dụng 4.454 m2; Tòa nhà văn phòng Ruby Tower tại số 81-83-85 Hàm Nghi, TP.HCM, cao 20 tầng, tổng diện tích sử dụng 13.500 m2.

Doji và những lùm xùm tại Doji Tower số 5 Lê Duẩn (Hà Nội)

Doji Tower số 5 Lê Duẩn là công trình kiến trúc đặc sắc, nằm ở vị trí đắc địa của Thủ đô. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất xây dựng vào giữa tháng 9/2019, chủ đầu tư tòa nhà đã tự ý xây dựng một bồn hoa ngay trên vỉa hè chung khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.

Hiện tại, tiểu cảnh bồn hoa vẫn chễm chệ trên vỉa tại điểm giao của ngã tư đường Lê Duẩn giao với đường Nguyễn Thái Học.

Cũng phải nói thêm rằng, từ tháng 10/2019, UBND phường Điện Biên đã ra quyết định số xử phạt vi phạm hành chính Doji số tiền 5 triệu đồng với hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để xây dựng bệ bục.

Cùng với đó, yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ công trình vi phạm, hoàn trả lại vỉa hè nguyên trạng ban đầu trước ngày 05/10.

Đến ngày 9/1/2020, UBND TP Hà Nội có văn bản về việc kiểm tra, xử lý thông tin Doji xây đài phun nước lấn chiếm vỉa hè.

Trong đó nêu rõ việc xử lý theo quy định pháp luật “kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ công trình vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan khu vực”, Sở Xây dựng cũng có văn bản đôn đốc quận Ba Đình xử lý.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến nay hạng mục công trình trên vẫn tồn tại. Ghi nhận thực tế tháng 9/2020, tiểu cảnh bồn hoa vẫn chễm chệ trên vỉa tại điểm giao của ngã tư đường Lê Duẩn giao với đường Nguyễn Thái Học.

Bamboo Capital và Liên danh Doji cạnh tranh tại dự án 4.750 tỷ đồng ở Huế

Hồi tháng 7/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản 1607 QĐ- UBND phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án Khu nhà ở và thương mại, dịch vụ cao cấp tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu thuộc khu A - đô thị mới An Vân Dương.

Theo đó, 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển Dự án là Công ty Cổ phần Bamboo Capital và Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI - Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJI Land - Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản BLUE STAR.

Dự án có tổng vốn đầu tư 4.750 tỷ đồng, được thực hiện trên các lô đất có kí hiệu OTM4, OTM6, TM-DV4, CX2, LK16, LK17, CC12, CTR20, CTR21 (thuộc Khu A – Đô thị mới An Vân Dương, phường An Đông và phường Xuân Phú, TP Huế).

Tổng diện tích khu đất nghiên cứu theo qui hoạch phân khu khoảng 26,83 ha. Trong đó, diện tích đất dự kiến giao nhà đầu tư thực hiện dự án khoảng 22,92 ha.

Việc đầu tư Dự án nhằm hình thành khu trung tâm thương mại, dịch vụ và khu nhà ở cao cấp, tạo điểm nhấn về quy hoạch kiến trúc tại vị trí nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu, đáp ứng nhu cầu về nhà ở và nhu cầu mua sắm, lưu trú cho khách du lịch đến Huế.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao UBND TP Huế làm bên mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nêu trên.

Đáng chú ý, chỉ khoảng 1 tháng sau khi Bamboo Capital và Liên danh Doji trúng sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án, đến ngày 20/8/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Doji liên quan đến giao dịch tại chính Bamboo Capital (BCG).

Trong đó, Doji đã bán gần 4 triệu cổ phiếu BCG vào ngày 3/12/2019, giảm tỷ lệ sở hữu từ 10,8 triệu đơn vị (tương đương 10% vốn) xuống gần 6,9 triệu cổ phần, tương đương 6,39% vốn.

Được biết, thay đổi số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá ngưỡng 1% (từ ngưỡng 10% xuống ngưỡng 6%) nhưng đến ngày 13/4/2020, HoSE mới nhận được báo cáo thay đổi sở hữu của DOJI.

Kết quả, Doji bị xử phạt số tiền 25 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu.

Tiếp đó, ngày 8/1/2020, Doji bán gần 2,7 triệu cổ phần BCG làm giảm tỷ lệ sở hữu xuống hơn 4 triệu cổ phiếu (3,92% vốn) và không còn là cổ đông lớn của BCG.

Như vậy, Doji bị xử phạt 50 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn khi không còn là cổ đông lớn. Tổng cộng sau 2 đợt vi phạm, Doji bị xử phạt hành chính số tiền 75 triệu đồng.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Link gốc : https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/ong-lon-vang-mieng-doji-dang-kinh-doanh-the-nao-d134933.html

Bạn đang đọc bài viết “Ông lớn” vàng miếng Doji đang kinh doanh thế nào? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp