Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Với Vingroup ô tô là lĩnh vực 'không làm không được' bất chấp thua lỗ

DTVN 11:07 14/09/2020

Trên thực tế, VinFast mới đây đã công bố khoản lỗ sau thuế gần 6.600 tỷ VND trong 6 tháng đầu năm 2020. Không chỉ có DN lớn như Vingroup mới chịu lỗ, vẫn có những DN nhỏ cũng đang cùng cảnh ngộ

Báo Nhật viết gì về triển vọng của VinFast President

VinFast, nhà sản xuất ô tô do ông Phạm Nhật Vượng - người giàu nhất Việt Nam sáng lập, vừa trình làng mẫu SUV mới có giá 164.000 USD, chiếc VinFast President sang trọng đã được bán ra hôm 7/9 và sẽ chỉ sản xuất 500 xe, vì nó "dành riêng cho thị trường Việt Nam", theo thông báo từ công ty.

Tuy nhiên, cho dù Việt nam là một trong số ít các thị trường có thể chứng kiến sự tăng trở lại trong chi tiêu của người tiêu dùng, với mức giá rất cao của mẫu President này, các nhà phân tích coi chiếc SUV không còn là sản phẩm dành cho người tiêu dùng trong nước nữa. Đây được coi là một bước đánh bóng thương hiệu.

Thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường ô tô từ năm ngoái và có tham vọng xuất khẩu xe sang Mỹ, châu Âu và Nga.

Ông Vũ Tấn Công, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Công nghiệp và Thương mại Ô tô Việt Nam, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA), nói với Nikkei Asian Review: "Họ [VinFast - PV] muốn cho mọi người khắp thế giới thấy rằng Việt Nam có thể làm ra ô tô hạng sang"

Hầu hết các ô tô sản xuất tại Việt Nam đều được lắp ráp trong nước từ các linh kiện nhập khẩu. VinFast là công ty đầu tiên sản xuất ô tô hoàn toàn trong nước. Họ sản xuất xe sedan và hatchback, cũng như xe máy điện. Việt Nam một trong những thị trường tiêu thụ xe máy lớn nhất thế giới.

Nhưng Dennis Lien, Giám đốc Việt Nam của công ty tư vấn YCP Solidiance, đã đặt dấu hỏi về quyết định chuyển sang sản xuất xe hạng sang của VinFast ngay sau khi ra mắt. President là mẫu xe giá cao nhất của công ty.

Ông nói với Nikkei: "Tôi nghĩ rằng thương hiệu này đã không làm được nhiều điều để thực sự nổi bật so với các đối thủ nước ngoài kể từ khi họ quảng cáo công nghệ Đức và quan hệ đối tác với các nhà sản xuất ô tô Mỹ".

Công ty chế tạo những chiếc xe mang thương hiệu của riêng mình với công nghệ từ các đối tác bao gồm BMW và Bosch, đồng thời sản xuất các loại xe khác theo giấy phép của General Motors.

"VinFast đang có một cách tiếp cận tích cực và chắc chắn. Họ tận dụng giai đoạn trầm này của nền kinh tế toàn cầu để cố gắng đạt được một số bước tiến nhằm nâng cao nhận thức về thương hiệu", ông Lien nói với Nikkei.

Chấp nhận thua lỗ vì khát vọng ô tô made in Việt Nam

Khi VinFast ra đời, không ít người đã nói, hoặc đã nghĩ: Nếu xe ngoại rẻ hơn, tại sao phải làm ô tô Việt cho mất công? Nếu có chừng đó tiền, sao không mua xe Nhật, xe Hàn, mà mua VinFast?

Có lẽ, với Vingroup, ô tô cũng chính là lĩnh vực mà họ "không làm không được".

"Trong mắt rất nhiều bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn là một nước nghèo và lạc hậu. Chúng tôi sẽ phải tìm cách chứng minh sản phẩm của mình đại diện cho một Việt Nam năng động đang phát triển đã có thể vươn tới các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới", ông Phạm Nhật Vượng trả lời phỏng vấn Bloomberg.

Chủ tịch Vingroup kiên quyết theo đuổi mục tiêu đến năm 2021 sẽ có thể xuất khẩu xe điện sang thị trường Mỹ. Ông đã bỏ tiền túi đầu tư khoảng 2 tỷ USD để đạt được mục tiêu này. Số tiền 2 tỷ USD đóng góp khoảng một nửa tổng vốn đầu tư của VinFast.

Để giải quyết vấn đề thiếu và yếu về công nghiệp phụ trợ, trong khu tổ hợp trị giá 3,5 tỷ USD, VinFast, dành riêng 70 hecta cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa lên 60%. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó TGĐ VinFast nói: "Để đạt được tỷ lệ đó, chúng tôi phải chủ động. Chủ động tự thành lập các nhà máy, tự sản xuất, nỗ lực để mời gọi đối tác. Họ cũng muốn chúng tôi cam kết, liên doanh với họ. Như vậy, đầu tư của VinFast sẽ cực kỳ lớn".

Theo ông Vượng, trong vài năm tới, Vingroup sẽ phải chi "hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm" để bù lỗ cho VinFast, mà theo dự tính của ông Vượng có thể lên đến 18 nghìn tỷ VND mỗi năm. Các khoản lỗ này bao gồm chi phí tài chính và khấu hao, và mỗi năm lỗ khoảng 7 nghìn tỷ VND vì bán xe dưới giá thành sản xuất. Trên thực tế, VinFast mới đây đã công bố khoản lỗ sau thuế gần 6.600 tỷ VND trong 6 tháng đầu năm 2020.

Không chỉ có doanh nghiệp lớn như Vingroup mới chịu lỗ, hiện tại, vẫn có những doanh nghiệp nhỏ đam mê với ngành ô tô cũng đang đồng cảnh ngộ.

VAPA là một trong 10 doanh nghiệp sản xuất linh kiện nhựa cho nội thất và ngoại thất ô tô tại Việt Nam. Do chưa có năng lực tự sản xuất khuôn mẫu cho nhiều loại linh kiện, nên trong thời gian chờ chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, doanh nghiệp xác định vẫn buộc phải chịu lỗ 3-5 năm nữa để cạnh tranh giá thành với linh kiện nhập ngoại.

"Những linh kiện chính thì đang sản xuất trực tiếp ở nhà máy rồi, còn những linh kiện phụ trợ liên quan đến lắp ráp hiện tại chúng tôi đang mua nước ngoài. Những linh kiện này đắt hơn khoảng 20-30%" - lãnh đạo VAPA cho biết.

Để có thể giảm giá ô tô Made in Vietnam, không chỉ "sếu đầu đàn", doanh nghiệp nhỏ cố gắng là đủ, mà rất cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: Quan điểm cho rằng trong bối cảnh tự do hóa thương mại thì không cần sản xuất ô tô trong nước, nhập khẩu toàn bộ là quan điểm sai lầm, nhất là khi chúng ta tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế.

Từ tháng 7, thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp ôtô đã chính thức giảm về 0%. Bộ Công Thương cũng đang đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét loại bỏ một số bất cập về thuế phí bất đối xứng cho xe hơi tại Việt Nam. Trong đó, đề nghị giảm, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt theo % tỷ lệ nội địa hoá xe hơi. Đặc biệt, "điều chỉnh giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện".

"Chúng tôi cho rằng cần có nhóm chính sách toàn diện, đồng bộ. Trước tiên là duy trì thị trường tăng trưởng ổn định. Thứ hai là có chính sách bù đắp cho 10-20% chi phí chênh lệch so với khu vực. Cuối cùng là có chính sách đẩy nhanh nội địa hóa với các linh kiện thép và nhựa cỡ trung bình" - Tổng giám đốc Toyota Việt Nam hy vọng. Ông và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ô tô đều nhất trí việc đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng miễn phần tiêu thụ đặc biệt đối với các giá trị tạo ra trong nước của ô tô sẽ góp phần phát triển ngành ô tô Việt Nam trong thời gian tới.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/voi-vingroup-o-to-la-linh-vuc-khong-lam-khong-duoc-bat-chap-thua-lo-d82412.html

Bạn đang đọc bài viết Với Vingroup ô tô là lĩnh vực 'không làm không được' bất chấp thua lỗ tại chuyên mục Cuộc sống số. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cuộc sống số