Hà Nội, Thứ Tư Ngày 29/01/2025

Gian nan cuộc chiến chống thuốc giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

vietq 08:01 27/08/2022

“Khi giới tội phạm với lợi nhuận kếch sù của các hoạt động buôn lậu và hàng giả không ngần ngại đầu tư sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, nếu các nhà quản lý và doanh nghiệp ch

Hàng loạt vụ vi phạm bị phanh phui

Nhiều năm qua, số lượng thuốc, thực phẩm chức năng giả xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân ngày càng gia tăng. Đây là vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội bởi việc sử dụng thuốc giả gây ảnh hưởng xấu, trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng. Nhận thức được vấn đề trên, cơ quan chức năng đã rốt ráo vào cuộc và phát hiện nhiều vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng.

Điển hình vào sáng ngày 11/8/2022, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội) đã đột xuất kiểm tra căn hộ trên tầng 18 Toà nhà HANOI CENTER POINT số 27 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, TP.Hà Nội, phát hiện một kho thuốc tây do nước ngoài sản xuất. Các loại thuốc ở đây chủ yếu là mặt hàng như thuốc kháng sinh Tavanic, Thuốc chữa ung bướu Femera, Thuốc chữa đau đầu Depakin, Thuốc huyết áp Plavix, Thuốc điều trị mỡ máu Crestor, Thuốc trị tiểu đường các loại… do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Chủ hàng khai nhận toàn bộ số thuốc trên không có hoá đơn, chứng từ và được mua trôi nổi xung quanh “Chợ thuốc Hapulico” với giá rẻ rồi về bán lại kiếm lời. Kiểm tra thực tế, lực lượng Quản lý thị trường ghi nhận 147.962 đơn vị thuốc các loại đồng thời tiến hành thủ tục tạm giữ để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Lực lượng chức năng tạm giữ 147.962 đơn vị thuốc không hóa đơn chứng từ tại căn chung cư tầng 18 toà nhà HANOI CENTER POINT.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 cũng tiến hành kiểm tra và đề xuất UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định xử phạt ông N.T.T với hành vi kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Bán lẻ thuốc không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là: 101.500.000 đồng. Buộc tiêu hủy 87.488 đơn vị thuốc nhập lậu trị giá 503.482.000 đồng).

Không riêng địa bàn Hà Nội, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng phát hiện hàng loạt hành vi vi phạm liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng giả mạo. Như vào cuối tháng 6/2022 vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, đơn vị phát hiện và xử lý kho thuốc tân dược với trên 22.000 sản phẩm không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đây là một trong những vụ vi phạm lớn nhất đối với mặt hàng thuốc tân dược mà đơn vị phát hiện, xử lý từ trước đến nay.

Đáng nói, thủ đoạn vi phạm của đối tượng ngày càng “cao tay”. Cụ thể, đối tượng có hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Long, tận dụng nhà riêng làm kho chứa hàng. Để qua mắt lực lượng chức năng, tại tầng 1, đối tượng đã cho hiệu thuốc thuê để kinh doanh, như một vỏ bọc hoàn hảo để phân phối thuốc một cách "chuẩn nguồn". Sau khi nhập về từ nhiều nguồn, hàng hóa ở đây được chủ cơ sở phân phối, đổ sỉ cho nhiều cửa hàng thuốc trên địa bàn Vĩnh Long.

Sử dụng thuốc giả có thể nguy hiểm đến tính mạng

PGS. TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Ngọc Xen.

Bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết, việc sử dụng thuốc giả không chỉ bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả, như đối với kháng sinh có thể dẫn đến xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc. Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn, nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.

Với những hậu quả gây hại đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn là tính mạng con người, nạn thuốc giả làm giảm niềm tin của cộng đồng vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ, các chuyên gia y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cũng nhận định, thuốc là sản phẩm đặc thù, bằng mắt thường rất khó phân biệt một sản phẩm là thuốc giả bởi sự giả mạo rất tinh vi. Chỉ khi những sản phẩm này được phân tích tại cơ sở kiểm nghiệm mới có thể xác định được sự khác biệt giữa thuốc thật và thuốc giả mạo. Việc kiểm nghiệm dẫn đến tốn nhiều chi phí cũng là rào cản lớn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm.

Bàn về giải pháp chống buôn lậu và hàng giả, PGS. TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, các nhà sản xuất chân chính cần đầu tư giải pháp khoa học - công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo. “Khi giới tội phạm với lợi nhuận kếch sù của hoạt động buôn lậu và hàng giả không ngần ngại đầu tư sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, nếu nhà quản lý và doanh nghiệp chân chính không sử dụng giải pháp công nghệ cao hơn thì cuộc chiến chống hàng giả khó giành được kết quả mong muốn để bảo vệ người tiêu dùng”, PGS.TS Lê Văn Truyền khẳng định.

Link gốc : https://vietq.vn/gian-nan-cuoc-chien-chong-thuoc-gia-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-d203388.html

Bạn đang đọc bài viết Gian nan cuộc chiến chống thuốc giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại chuyên mục Thương mại điện tử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thương mại điện tử