Doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam
Từ ngày 21 đến 26/8/2022, Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) có sự tham gia của đại diện 28 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất của Ấn Độ đã có chuyến thăm và làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại và kinh doanh tại Việt Nam.
Đến Việt Nam lần này, Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ làm việc với doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn của Việt Nam và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản xuất phụ tùng ô tô Việt nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác. Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện này, buổi “Gặp gỡ Doanh nghiệp Ấn Độ-Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ô tô” đã diễn ra vào ngày 22/8 tại Hà Nội, dưới sự phối hợp tổ chức của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Trung tâm thông tin và tư vấn đầu tư Invest Global (Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài VAFIE).
ACMA là hiệp hội hàng đầu tại Ấn Độ với số hội viên hơn 800 thành viên đóng góp vào 85% doanh thu trong ngành phụ tùng ô tô Ấn Độ. Thông qua chuyến thăm Việt Nam, ACMA mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại và kinh doanh tại Việt Nam. Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp hai nước kết tìm kiếm đối tác, trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh, tìm hiểu công nghệ và thiết bị phụ tùng mới trong ngành ô tô.
Trong ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam và Ấn Độ có sự bổ trợ cho nhau rất lớn. Một số doanh nghiệp Ấn Độ đã hiện diện tại Việt Nam với các dự án đầu tư như Uno Minda, Spark Minda và Star Engineering đang hoạt động rất hiệu quả.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm qua, linh kiện phụ tùng ô tô luôn nằm trong top mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ và sản lượng nhập khẩu luôn tăng dần qua các năm, bất chấp tình hình khó khăn chung do đại dịch COVID-19 mang lại cho kinh tế thế giới. Năm 2021, sản lượng nhập khẩu của Việt Nam về linh kiện, phụ tùng ô tô từ Ấn Độ đạt trên 290 triệu USD và sẽ tiếp tục tăng trong năm nay với số liệu thống kê 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 185 triệu USD.
Tiềm năng hợp tác lớn trong lĩnh vực công nghiệp ô tô
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà- Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và tư vấn đầu tư Invest Global (Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài VAFIE), Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Với dân số gần 100 triệu dân, điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển ngành công nghiệp ô tô. Đây là ngành công nghiệp được Chính phủ Việt Nam đặc biệt ưu tiên phát triển.
Hầu hết các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Mercedes, Toyota, Honda, Ford, Hyundai đã đầu tư nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, kéo theo chuỗi các nhà sản xuất nước ngoài cung ứng linh kiện phụ tùng cho ngành công nghiệp ôtô đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe ô tô còn thấp bình quân dưới 20%, Thaco đạt 15%-18%, Toyota Việt Nam cao nhất đạt 37% (đối với dòng xe Innova), tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng có công nghệ giản đơn như: ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… trong khi đó phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp phụ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị cao là các bộ phận, linh kiện quan trọng như hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái…
Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp phụ trợ- bà Nguyễn Thị Thu Hà cho hay.
Ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, những năm gần đây, thị trường ô tô của Việt Nam, đặc biệt là phân khúc ô tô du lịch đang có sự tăng trưởng mạnh, khi GDP đầu người tăng nhanh và nhu cầu sở hữu xe ô tô ngày càng lớn.
Đặc biệt, bối cảnh thế giới và khu vực đang ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành sản xuất sử dụng chip bán dẫn nhập khẩu, đặc biệt ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ô tô. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam rất mong muốn có thêm những đối tác, nhà sản xuất linh kiện lắp ráp tại Việt Nam- ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích.
Thời gian tới, Việt Nam định hướng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có công nghệ cao, công nghệ nguồn, ưu tiên các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số…, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị. Do đó, đây là thời điểm vô cùng thích hợp để các nhà đầu tư Ấn Độ tham gia vào lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam- Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tại sự kiện, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) và Trung tâm thông tin và tư vấn đầu tư Invest Global (Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài VAFIE) nhằm tăng cường kết nối hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ô tô.