DongABank đang bị âm vốn chủ sở hữu |
Tờ trình nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Ban kiểm soát đặc biệt, DongA Bank đã tiến hành thuê Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ của ngân hàng tại 31/12/2018.
Theo số liệu đã kiểm toán, tính đến cuối năm 2018, kết quả hoạt động kinh doanh của DongA Bank có lỗ luỹ kế, nguồn vốn sở hữu bị âm. Do đó, để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, đảm bảo Dong A Bank có giá trị thực của vốn tối thiểu bằng vốn pháp định của Chính phủ là 3.000 tỷ đồng, ngân hàng phải thực hiện việc bổ sung vốn điều lệ.
Mặc dù có nhiều phương án tăng vốn điều lệ, song căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế của ngân hàng hiện nay, HĐQT DongA Bank nhận định, ngân hàng chỉ có thể thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.
Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, DongA Bank không thể thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu vì không đáp ứng các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định của Luật Chứng khoán. Theo quy định của khoản 1, Điều 12, Luật chứng khoán số 70/2006/QH11: "Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán".
Do vậy, DongA Bank chỉ có thể chọn hình thức phát hành là chào bán cổ phần riêng lẻ. Hình thức chào bán này có ưu điểm là không yêu cầu tổ chức phát hành đáp ứng các điều kiện về hoạt động kinh doanh có lãi, không có lỗ luỹ kế như hình thức chào bán ra công chúng.
Trước thời điểm bị kiểm soát đặc biệt (ngày 13/8/2015, Ngân hàng Nhà nước có quyết định kiểm soát đặc biệt DongA Bank), ngân hàng này công bố vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, lượng cổ phần phát hành là 500 triệu cổ phần (mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng/cổ phần).
Số lượng cổ phần chào bán riêng lẻ để bù đắp vốn điều lệ không được DongA Bank công bố mà cho biết "chào bán đủ số lượng cổ phần để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ của DongA Bank đáp ứng tối thiếu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật". Hình thức chào bán là: chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp).
Đối tượng chào bán là cổ đông hiện hữu, trường hợp không đủ mới phát hành thêm cho các đối tượng từ bên ngoài. Số cổ phần chào bán đợt này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Trừ trường hợp chuyển nhượng cổ phần đã chào bán củ cá nhân cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Ngoài quy định về hạn chế chuyển nhượng là 1 năm, việc chuyển nhượng cổ phần DongA Bank phải được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng (nếu có) tại thời điểm chuyển nhượng.
DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015. Đến năm 2016, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc ngân hàng này bị bắt vì liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm). Hiện Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đang xét xử phúc thẩm vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái xảy ra tại ngân hàng Đông Á. Từ năm 2015 đến nay, khi DongA Bank không tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông. Dự kiến, Đại hội năm 2019 sẽ được tổ chức vào 12/10/2019, nếu không đủ điều kiện tổ chức lần 1 thì sẽ tiếp tục triệu tập các cuộc họp lần 2 và lần 3 vào ngày 17/10 và 22/10. |
Theo Báo Đầu tư