Trong đợt phát hành này, Công ty TNHH Chứng khoán ACB đóng vai trò là tổ chức tư vấn phát hành, đồng thời là đại lý phát hành, đăng ký lưu ký và thanh toán trái phiếu.
Trái phiếu của ACB là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải là nợ thứ cấp, không có tài sản đảm bảo. Lãi suất trái phiếu là 3,5%/năm, trả định kỳ 1 năm/lần.
Được biết, số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được ngân hàng sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, hỗ trợ đảm bảo tính ổn định nguồn vốn và phục vụ nhu cầu tín dụng cũng như như tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thời gian qua, ACB liên tục đẩy mạnh việc huy động vốn qua kênh trái phiếu. Trước đó, từ ngày 6/5 đến 8/7, ngân hàng này đã phát hành 7 lô trái phiếu khác với tổng giá trị 11.700 tỷ đồng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, ACB đã huy động 14.200 tỷ đồng trái phiếu. Trước xu hướng lãi suất tiết kiệm giảm, nhà đầu tư có ý định hướng kênh đầu tư sang trái phiếu.
Không riêng gì ACB, thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh phát hành trái phiếu để hút vốn trung và dài hạn đã làm thay đổi trật tự huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2021.
Theo báo cáo của Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020, chiếm 8,3% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.
Trong đó, tổ chức tín dụng trái phiếu doanh nghiệp là nhà phát hành lớn nhất, chiếm 40,2% tổng khối lượng phát hành; khối lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản giảm 55,5% so với cùng kỳ năm 2020 (chiếm 13,2% tổng khối lượng phát hành). Lãi suất phát hành bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 7,9%/năm, giảm 1,6%/năm so với cùng kỳ năm 2020 (9,5%/năm).
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trái phiếu đang là sản phẩm nóng trên thị trường tài chính, thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức do lãi suất huy động cao hơn loại hình gửi tiết kiệm vào ngân hàng.
Các chuyên gia cho rằng, so với trái phiếu doanh nghiệp các nhóm ngành khác, trái phiếu ngân hàng được đánh giá là có độ an toàn cao nhất bởi tính thanh khoản cao và các ngân hàng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản dù lãi suất cao gấp 3-4 lần nhưng sẽ rất khó để nhà đầu tư kiểm soát được việc sử dụng tiền của những nhà phát hành trái phiếu này.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng với các loại trái phiếu lãi suất cao bởi tỷ lệ sinh lời càng lớn sẽ càng nhiều rủi ro, cần tìm hiểu kỹ tình hình tài chính của tổ chức phát hành, tính thanh khoản của sản phẩm, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào, đến khi nhà phát hành không có khả năng trả nợ thì việc đòi lại tiền sẽ rất khó khăn.
Theo dự báo, nhu cầu phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại trong năm 2021 sẽ vẫn tăng cao, đặc biệt là trái phiếu tăng vốn nhằm giúp các ngân hàng bổ sung cho vốn cấp 2 (vốn bổ sung), tăng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn và cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).
Về tình hình tài chính của ACB, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhà băng này ghi nhận lãi trước thuế 6.352 tỷ đồng, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 471.275 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 9,7% lên 341.668 tỷ đồng. Huy động vốn từ khách hàng tăng 1,5% lên 358.474 tỷ đồng.
Cũng tại ngày 30/6/2021, tổng nợ xấu của ACB tăng 27%, lên mức 2.330 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 163% từ 212,5 tỷ lên 560,5 tỷ đồng, nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng 29% và 2% so với đầu năm, lần lượt ở mức 530 tỷ đồng và 1.241 tỷ đồng