Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm là DN kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách bằng cáp treo và các dịch vụ du lịch tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh). Trước tác động của dịch Covid-19, doanh thu quý I của công ty chỉ đạt 59.254 triệu đồng, giảm khoảng 69% so với cùng kỳ năm 2019, ước doanh thu cả năm 2020 chỉ đạt khoảng 105.768 triệu đồng, giảm 70% so với năm trước. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Tổng giám đốc Công ty, chúng tôi đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các ngân hàng tài trợ vốn với sự cam kết giãn toàn bộ dư nợ cho DN trong năm 2020 và hỗ trợ lãi suất. Các ngân hàng thực sự đã vào cuộc với chúng tôi, để cùng tìm ra những giải pháp về tài chính. Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông báo tới DN giảm lãi suất 1% trên dư nợ 500 tỷ đồng đến hết 31/12/2020 (tương đương 5 tỷ đồng/năm).
Tùng Lâm chỉ là 1 trong hàng chục ngàn DN đã được các ngân hàng thương mại (NHTM) “tiếp sức” kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm nay.
Để tiếp tục hỗ trợ cộng đồng DN, ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Theo đó, yêu cầu các NHTM chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế… để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Tại cuộc họp của lãnh đạo NHNN với gần 20 NHTM vào chiều 31/3, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã yêu cầu các NHTM chú trọng triển khai các biện pháp như: Cơ cấu lại khoản nợ, hoãn, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ và cả khoản vay mới… đối với những đối tượng, loại hình DN khó khăn, giúp DN duy trì hoạt động sản xuất. Các NHTM phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các DN, hộ gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra với mức giảm khoảng 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước dịch.
Thông tin kỹ hơn về việc hạ lãi suất hỗ trợ DN, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT NHTM Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, dư nợ được ngân hàng giảm lãi suất 112.000 tỷ đồng với mức giảm từ 1-1,5%/năm so với trước đó.
Tương tự, với NHTM Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), đến hết tháng 3, ngân hàng này đã giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1,5%/năm tùy khách hàng, tùy mục đích vay vốn cho gần 3.000 khách hàng. Chủ tịch HĐQT VietinBank - ông Lê Đức Thọ - cũng cam kết tiếp tục xem xét giảm 2%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng kinh doanh các lĩnh vực phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân…
Tại VPBank, sau gói hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn được triển khai ngay từ đầu mùa dịch Covid-19, VPBank vừa công bố chương trình đồng hành thứ 2 với mức giảm lãi suất tới 2% cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình được áp dụng cho cả khách hàng hiện hữu lẫn khách hàng mới có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng. Cụ thể, đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa 1,5%/năm đối với khoản vay VND, 1%/năm đối với khoản vay USD. Đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm, VPBank áp dụng mức giảm lãi suất tối đa 2%/năm đối với khoản vay VND và 1%/năm đối với các khoản vay USD.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) triển khai gói tín dụng 7.000 tỷ đồng với lãi suất hấp dẫn từ 6,99%/năm áp dụng cho khách hàng có nhu cầu vay vốn tiêu dùng, kinh doanh.
Còn đối với SHB, nhà băng này cũng vừa công bố triển khai gói tín dụng quy mô 25.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. Miễn hoặc giảm lãi suất, phí cho các khoản vay cũ, lãi suất ưu đãi tối thiểu 2% cho các khách hàng hiện hữu của gặp khó khăn bởi dịch. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, ngoài các gói ưu đãi lãi suất, SHB vẫn tiếp tục triển khai các phương án cơ cấu nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như các phương án miễn giảm lãi, phí đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch theo đúng tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-NHNN để hỗ trợ khách hàng tổng thể nhất. Bên cạnh đó, miễn phần lớn các phí giao dịch khách hàng, bám sát đúng tinh thần chỉ đạo và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, điều chỉnh giảm tối thiểu 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, miễn giảm các phí chuyển tiền liên ngân hàng và hàng loạt các phí giao dịch khác; Miễn phí cho các khách hàng chuyển tiền ủng hộ Quỹ phòng chống Covid 19.
NHNN yêu cầu các NHTM triển khai có hiệu quả giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. Đồng thời, kiểm soát chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. |
Theo Thùy Linh/Báo Công Thương Điện Tử