Dư nợ hàng nghìn tỷ ở tập đoàn Novaland
Tới cuối năm 2019, tổng dư nợ vay của Novaland và các công ty con là gần 34.600 tỷ đồng, gồm 7.600 tỷ ngắn hạn và 27.000 tỷ dài hạn. Cơ cấu nguồn vốn là vay ngân hàng, vay trái phiếu và vay từ bên thứ ba đối với dư nợ ngắn hạn là 20,7%:25,5%:48,9%; với dư nợ dài hạn là 48%:40,8%:12,2%, trong đó có cả ngân hàng nước ngoài lẫn trong nước.
Số nợ được nắm giữ bởi các ngân hàng nước ngoài, mà đứng đầu (cũng là chủ nợ lớn nhất) là Credit Suisse với 9.000 tỷ, theo sau là Bank of New York Mellon 5.550 tỷ, GPI3 Co Ltd 1.400 tỷ...
Trong nước, Novaland có quan hệ tín dụng với cả chục ngân hàng lớn nhỏ, trong đó VPBank tỏ ra hào phóng nhất với dư nợ 3.800 tỷ.
Đối với các khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng, VPBank đang là chủ nợ lớn nhất của Novaland với hai gói tín dụng có tổng trị giá hơn 959 tỷ đồng. Trong đó, số dư 816,804 tỷ đồng tính đến 31/12/2019 là khoản vay theo hợp đồng cho vay 2.600 tỷ đồng, thời hạn vay 36-48 tháng. Khoản vay này được VPBank tính lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm thông thường áp dụng cho khách hàng cá nhân kỳ hạn 12 tháng trả lãi cuối kỳ cao nhất của ngân hàng cộng biên độ từ 4,45% - 4,8%/năm.
Khoản vay này được đảm bảo bằng cổ phần và phần vốn góp của công ty con, công ty liên kết của tập đoàn và quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù giải tỏa đất tại quận 2, TP.HCM. Giữa Novaland và VPBank đã có một thỏa thuận thế chấp bằng tài sản phát sinh từ việc đền bù giải tỏa đất đối với dự án tại khu đất 30,224ha phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM, là dự án đang bị "treo" khiến Novaland phải gửi đơn kêu cứu khẩn cấp.
Đối với số dư 142,50 tỷ đồng cũng trong một gói tín dụng khác của VPBank, đây là khoản vay theo hợp đồng tín dụng hạn mức 250 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng, dùng để bổ sung vốn lưu động. Lãi suất của khoản vay này được quy định theo từng khế ước nhận nợ, từ 6,7% - 7,3%/năm.
Khoản vay này được đảm bảo bởi số dư tài khoản tiền gửi tại ngân hàng cho vay với tỷ lệ tài sản đảm bảo trên dư nợ vay tại mọi thời điểm là 10% hạn mức tín dụng.
Dự án 1-1A-2 Tôn Đức Thắng do Công ty TNHH Cảnh Hưng - Hải Thành làm chủ đầu tư. Liên doanh giữa Công ty Hải Thành và Công ty TNHH Cảnh Hưng được thành lập từ tháng 8/2007, với 12,71% phần vốn thuộc về thành viên Quân chủng Hải quân, trong khi doanh nghiệp tư nhân kín tiếng của Chủ tịch Phạm Duy Tân chi phối tới 87,29%.
Đến tháng 4/2011, dự án ghi nhận sự góp mặt của CTCP Đầu tư Châu Thổ (Đầu tư Châu Thổ hay còn gọi là Delta Corp) với việc mua lại 80% cổ phần trong liên doanh Cảnh Hưng - Hải Thành từ các cổ đông sáng lập. Delta Corp được thành lập tháng 5/2007, từng có Chủ tịch HĐQT là doanh nhân Vũ Đình Luyện.
Tính tới đầu tháng 10/2017, Đầu tư Châu Thổ đã đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư KM (KM Group) với quy mô vốn điều lệ lên tới 2.876 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty TNHH Kinh doanh Quốc tế Silver Field (56,62%); Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Thịnh Lộc (24,49%) và Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản LC (18,89% vốn điều lệ).
Được biết, Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam chính là tiền thân của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Thịnh Lộc (An Thịnh Lộc).
Sau khi “đổi chủ”, dự án văn phòng tại “đất vàng” số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng cũng được quảng bá với tên thương mại mới là Delta Riverside Tower. Tuy nhiên, Đầu tư Châu Thổ cũng chỉ nắm giữ cổ phần trong liên doanh Cảnh Hưng - Hải Thịnh khoảng 1 năm rồi nhượng lại toàn bộ vốn cho Công ty TNHH Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam (Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam) vào tháng 4/2012.
Sau khi ổn định cơ cấu sở hữu, dự án với dòng vốn từ VPBank nhanh chóng được triển khai trên phần đất có diện tích 2.190 m2, quy mô 27 tầng cao và 4 tầng hầm với nhà thầu uy tín Coteccons. Dự án trước khi hoàn thành một lần nữa được đổi tên thành Waterfront Saigon.
Dự án trên khu đất số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng sau đó tiếp tục đổi tên thành The Waterfront Saigon và nay được biết đến nhiều hơn với tên gọi VPBank Tower Saigon.
Tỷ lệ nợ xấu dẫn đầu bảng
Phân tích nợ xấu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã HoSE: VPB) tính tới thời điểm 31.12.2019, theo số liệu từ Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, so sánh với các ngân hàng khác trên hệ thống thì VPBank đang có tỷ lệ nợ xấu cao nhất.
Trong đó, nợ đủ tiêu chuẩn tăng khoảng 16,6% từ 202.527 tỉ đồng lên 236.147 tỉ đồng. Nợ cần chú ý tăng 4,8% từ 11.667 tỉ đồng lên 12.238 tỉ đồng.
Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 26% từ 4217 tỉ đồng lên 5311 tỉ đồng. Nợ nghi ngờ giảm 14,5% từ 1691 tỉ xuống 1447 tỉ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tăng 9,7% từ 1857 tỉ đồng lên 2038 tỉ đồng.
Cho vay khách hàng tăng 15,8% so với đầu năm, thấp hơn trung bình ngành. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm từ 3,49% xuống mức 3,42%.
Ngân hàng đã tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu VAMC trị giá hơn 3.100 tỉ còn lại trong năm 2019.
Một vài năm gần đây FECredit được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho lợi nhuận của VPBank. FE Credit đã đóng góp 43,4% trong tổng lợi nhuận của VPBank năm 2019.
Mặc dù cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit là 6%, không thay đổi so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, đáng chú ý, trước đó, theo báo cáo tài chính cuối tháng 6.2019, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit đã giảm mạnh xuống còn 5,35%. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu tại công ty này đã tăng khá mạnh trở lại trong nửa cuối năm vừa qua.
Theo chuyên gia phân tích của Phú Hưng Securities, rủi ro mà VPbank đang có nguy cơ đối mặt là hình thức cho vay tín dụng tiêu dùng có thể sẽ khiến VPBank dễ dàng gặp khó khăn khi nền kinh tế bước vào chu kỳ đi xuống.
Thêm vào đó, ngành cho vay tín dụng tiêu dùng cũng dần bước vào thời kỳ cạnh tranh khốc liệt do lợi nhuận đem lại vẫn hấp dẫn. Rủi ro về pha loãng khi VPBank liên tiếp đưa ra các chương trình ESOP (Kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty. Cổ phiếu ESOP thường được phát hành với giá ưu đãi kèm một số điều kiện)
Thông tư 18/2019/TT-NHNN của NHNN quy định về việc cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng có thể khiến lợi nhuận của VPBank gặp khó khăn trong dài hạn.
Theo dự báo của chuyên gia phân tích Phú Hưng Securities, VPBank được cho là sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực dưới tác động của thông tư này do các khoản cho vay bằng tiền mặt của VPB hiện chiếm 73% tổng dư nợ, cao hơn mức trần là 70%.
“Trên thực tế thì các khoản cho vay bằng tiền mặt chịu quy định theo thông tư (các khoản vay tiền mặt trên 20 triệu VNĐ) hiện đang được VPBank duy trì ở mức 53% và thấp hơn mức trần 70% bắt đầu vào đầu 2020. Do đó trên thực tế chúng tôi cho rằng thông tư 18/2019/TT-NHNN sẽ chưa lập tức có tác động tiêu cực lên VPBank do ngân hàng này sẽ có thêm thời gian và lộ trình nhằm tái cấu trúc lại các khoản vay của mình hợp lý hơn.
Mặc dù vậy, việc điều chỉnh hạ tỷ trọng các khoản cho vay bằng tiền mặt và thay thế bằng các khoản vay qua thẻ tín dụng có thể sẽ có tác động tiêu cực tới VPBank trong các năm về sau, chúng tôi cho rằng NIM (Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) của VPBank có thể sẽ kém tích cực hơn do lợi nhuận từ các khoản cho vay bằng tiền mặt đem lại cao hơn so với các khoản cho vay thông qua thẻ tín dụng”, chuyên gia của Phú Hưng Securities nhận định.
Lê Oanh (TH)/Sở hữu trí tuệ