Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Tiền điện tử: Cần có căn cứ pháp lý thống nhất

Mai Hương 11:25 11/11/2019

Theo baodauthau, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (Dự thảo Nghị định).

Dự thảo Nghị định này quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: mở và sử dụng tài khoản thanh toán; dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán.

Trong đó, việc thiết lập căn cứ pháp lý thống nhất để quy định về tiền điện tử là một trong những nội dung được quan tâm.

Tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại điện tử

Theo cơ quan soạn thảo, tiền điện tử không phải là một loại tiền tệ mới mà chỉ là hình thái biểu hiện của đồng tiền pháp định dưới dạng công cụ hoặc phương tiện thanh toán được sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã ban hành các quy định về quản lý tiền điện tử, trong đó tiền điện tử được xem là phương tiện thanh toán để thực hiện các giao dịch thanh toán.

Việc xem xét, bổ sung các quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử giúp tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại điện tử.

Tại Việt Nam, trong các văn bản pháp lý hiện hành, thuật ngữ “tiền điện tử” đã được đề cập tại Điểm đ Khoản 3 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền, tuy nhiên thuật ngữ này chưa được giải thích tại một số văn bản dưới luật.

Trước đó, các quy định tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực ngày 26/3/2013 đã góp phần quan trọng trong hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cơ bản cho công tác thanh toán không dùng tiền mặt.

Qua hơn 06 năm triển khai thực hiện, Nghị định đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đi vào cuộc sống, hạn chế dần các thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, theo baochinhphu.

Để theo kịp xu hướng phát triển các sản phẩm thanh toán trên thế giới, cơ quan soạn thảo cho rằng, việc xem xét, bổ sung các quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử là thực sự cần thiết và đảm bảo thống nhất, đồng bộ các quy định pháp lý hiện hành để phát triển các sản phẩm thanh toán cung cấp dưới dạng tiền điện tử và tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại điện tử.

Tăng cường bảo mật đảm bảo an toàn cho người dùng

Cơ quan soạn thảo cho biết, về bản chất, tiền điện tử được xem là phương tiện thanh toán chứa đựng giá trị tiền tệ lưu trữ trên các thiết bị điện tử, với các hình thái biểu hiện là thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động (mobile money).

Trong đó, tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.

Ví điện tử là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phát hành và định danh khách hàng thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng.

Thẻ trả trước là tiền điện tử do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành, cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ.

Thẻ trả trước và ví điện tử đã được sử dụng khá phổ biến trong thời gian qua. Trong khi đó, tiền di động vẫn là nội dung mới đang được Bộ Thông tin và Truyền thông và NHNN triển khai đề án tạo dựng hành lang pháp lý để hoạt động.

Liên quan đến tiền di động, NHNN đang xin ý kiến các bên về một số vấn đề cần làm rõ là: đối tượng cung ứng tiền di động; cơ chế bảo đảm tiền di động thông qua tài khoản bảo đảm hay ký quỹ; các hình thức định danh khách hàng của người sử dụng dịch vụ tiền di động.

Bình luận về các nội dung tại Dự thảo Nghị định, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico nói: “Các quy định về tiền điện tử đã có nhưng chưa đủ, do đó, cần bổ sung thêm quy định để bảo đảm hiểu và xác định đúng, đồng thời, góp phần phân biệt rõ giữa tiền điện tử (loại tiền hợp pháp) và tiền ảo/tiền mã hóa (chưa được công nhận hợp pháp).

Đáng chú ý, cần làm rõ về bản chất, phạm vi hoạt động của tiền di động trước khi phổ biến hình thức thanh toán này”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico.

Bên cạnh việc giải thích khái niệm tại Nghị định, ông Đức cho rằng, yêu cầu tăng cường các hình thức bảo mật, bảo đảm an toàn cho người dùng tiền điện tử là điều quan trọng ở thời điểm hiện nay. Bởi lẽ, đã có rất nhiều vụ việc mất tiền của người dùng qua các giao dịch tiền điện tử trong thời gian qua.

Sau các vụ mất tiền của khách hàng, một số đơn vị cung ứng dịch vụ đã tăng cường bảo mật, song rủi ro hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra nếu các doanh nghiệp không kịp thời ứng phó và người dùng chủ quan”, ông Đức nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại dự thảo cũng bổ sung thêm các hành vi bị cấm: Cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tài khoản thanh toán của người khác để hoạt động phi pháp, các hành vi liên quan đến dịch vụ trung gian thanh toán và dịch vụ thanh toán không qua tài khoản của khách hàng, hoạt động đại lý thanh toán,...

Trong quá trình theo dõi việc thực thi các quy định pháp luật về tài khoản thanh toán cũng như giải quyết các bất cập trong thực tiễn, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung thêm một số quy định tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP về vấn đề phong tỏa tài khoản thanh toán trong các trường hợp như tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật hoặc trường hợp khách hàng chuyển tiền có nhầm lẫn sai sót về số hiệu tài khoản, số tiền,... nhằm bảo vệ và giúp khách hàng lấy lại được tài sản đã chuyển nhầm cho người khác.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn//tien-dien-tu-can-co-can-cu-phap-ly-thong-nhat-d64148.html

Bạn đang đọc bài viết Tiền điện tử: Cần có căn cứ pháp lý thống nhất tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng