Hoàn tiền 50% thực chất là...hoàn tiền tối đa 100.000 đồng
Vừa qua, Ví điện tử MoMo đã tung ra một chương trình khuyến mãi lớn và truyền thông rầm rộ: "Hoàn tiền 50% khi mua sắm bằng ví MoMo, duy nhất ngày 1/11".
Tuy nhiên, khi đưa MoMo ra để tính tiền, câu chuyện hóa ra không phải như vậy, người dùng đã không để ý dòng chữ "Hoàn tiền 50% từ 30.000đ - 100.000đ" được giấu rất khéo trong bản tin khuyến mãi của Momo.
Tức là mỗi người chỉ được khuyến mãi tối đa có... 50.000 đồng.
Trong khi đó, trong phần quy định "Ngày hội MoMo - Siêu hoàn tiền tiết kiệm", Momo cũng thông báo rõ "Trong ngày 01/11, khách hàng được hoàn tiền 50% trên 1 lần/dịch vụ/nhóm. Như vậy, mỗi khách hàng có sử dụng được tối đa 3 dịch vụ được hoàn tiền thuộc 3 nhóm khác nhau.
Sau khi được hưởng hoàn tiền 50%, khách hàng sẽ tiếp tục được áp dụng các chương trình hoàn tiền bất kỳ (nếu có) và áp dụng theo quy định của chương trình đó".
Thông báo ngày Hội MoMo Siêu hoàn tiền 01/11 |
Theo đó, với ưu đãi "Ăn chơi mua sắm" trên Ví MoMo, người dùng sẽ được hoàn tiền lên đến 50% khi thanh toán tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, Lotte Mart, Citimart và chuỗi các cửa hàng tiện lợi như Ministop, FamilyMart, Circle K.
Ưu đãi cũng áp dụng đối với nhà hàng GGG, trà sữa Bobabop, cửa hàng thức ăn nhanh như KFC, The Pizza Company, hệ thống rạp chiếu phim CGV, theo vnexpress.
Tuy nhiên, để biết được chương trình khuyến mại sẽ hoàn tiền tối đa bao nhiêu, khách hàng phải đọc rất kĩ phần các nhóm hoàn tiền của Momo, trong khi đó, phần này khách hàng thường bỏ qua.
Tất cả các thông điệp quảng cáo của MoMo đều chỉ nhấn mạnh vào "hoàn tiền 50%", mà không hề có một câu cảnh báo khách hàng kiểu "bấm để xem chi tiết thể lệ" hoặc "đọc kỹ thể lệ trước khi tham gia".
Chỉ có những người “thừa kinh nghiệm” marketing/quảng cáo mới tẩn mẩn bấm vào, ngồi đọc kỹ mới thấy dòng chữ "Hoàn tiền 50% từ 30.000đ - 100.000đ" nằm nhạt nhòa trong thể lệ của chương trình.
Nói cách khác, đây chỉ là chương trình khuyến mãi tối đa 50.000 đồng cho mỗi người mua sắm bằng MoMo.
Chương trình khuyến mãi phản tác dụng
Không thể phủ nhận rằng thông điệp mập mờ này cộng với sức hấp dẫn của con số 50% đã thu hút được cả nghìn người lao vào siêu thị để mua sắm.
Việc "thiết kế trải nghiệm người dùng" (User Experience - UX) là việc làm Momo rất thận trọng, Doanh nghiệp này đã từng có trong đội hình những chuyên gia UX giỏi, rất hiểu tâm lý lẫn thói quen tiếp nhận thông tin, sử dụng điện thoại, sử dụng app thanh toán của người dùng.
Khách hàng thanh toán qua Momo tại Circle K. |
Theo enternews, Momo cũng thừa biết người tiêu dùng khi đọc thông tin trên mạng sẽ chỉ đọc lướt và dễ bị thu hút vào các hình ảnh hơn là các dòng chữ. Do đó, đội ngũ thiết kế hình ảnh của MoMo đã thiết kế nên một bản thể lệ chương trình quảng cáo, mà dòng chữ quan trọng nhất là "Hoàn tiền 50% từ 30.000đ - 100.000đ" rất dễ bị bỏ qua.
Kết quả đúng là rất nhiều người không hề biết tới sự tồn tại của con số "tối đa 100.000 đồng", kéo nhau đi mua sắm để rồi ngã ngửa ra ở quầy tính tiền. Nhiều khách đã bỏ hàng lại, không mua, chấp nhận mất thời gian và công sức cả buổi chọn hàng trong siêu thị. Nhân viên siêu thị mất thêm công đi xếp lại chỗ hàng khách không mua về chỗ cũ.
Với chương trình khuyến mãi này, Momo đã thành công trong việc kéo cả nghìn người vào siêu thị, truyền miệng nhau thanh toán bằng MoMo trong ngày 1/11, tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc nuôi dưỡng niềm tin từ người dùng, thiện cảm từ phía khách hàng và cả đối tác.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ