tín dụng tại Shinhan Bank Biên Hoà.
Loạt vấn đề tại Shinhan Bank Hà Nam
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa công khai thông báo kết luận thanh tra về việc thanh tra hoạt động cấp tín dụng tại Ngân hàng TNHH Một thành viên Shinhan Việt Nam - Chi nhánh Hà Nam (Shinhan Bank Hà Nam) thời kỳ thanh tra từ ngày 1/3/2023 đến 31/10/2024 và Ngân hàng TNHH Một thành viên Shinhan Việt Nam - Chi nhánh Biên Hoà (Shinhan Bank Biên Hoà).
Theo Ngân hàng Nhà nước, tại Shinhan Bank Hà Nam, trong hoạt động cấp tín dụng chi nhánh đã thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và Shinhan Bank.
Tuy nhiên, còn có những phát hiện, đánh giá liên quan đến cấp tín dụng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Shinhan Bank Hà Nam, như việc tập trung vào những khách hàng lớn chiếm tỷ trọng dư nợ/dư bảo lãnh lớn trong tổng số dư nợ/dư bảo lãnh tại đơn vị; khách hàng có tình hình vốn lưu động ròng âm, lợi nhuận âm, nợ phải trả lớn...
Liên quan đến nội dung này, Chánh Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã yêu cầu Shinhan Bank Hà Nam thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động đối với những khách hàng lớn chiếm tỷ trọng dư nợ/dư bảo lãnh lớn trong tổng số dư nợ/dư bảo lãnh tại đơn vị; khách hàng có có tình hình vốn lưu động ròng âm, lợi nhuận âm, nợ phải trả lớn... để phòng ngừa rủi ro.
Hồ sơ vay vốn chưa thẩm định đầy đủ, chặt chẽ tình hình tài chính
Trong khi đó, tại Shinhan Bank Biên Hoà, đoàn thanh tra chọn mẫu 47 hồ sơ khách hàng với tổng dư nợ được kiểm tra tại thời điểm 30/9/2024 đạt 2.456 tỷ đồng. Qua kiểm tra, Shinhan Bank Biên Hoà chấp hành quy chế cho vay và các quy định có liên quan đến hoạt động cấp tín dụng nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế, vi phạm đối với 25 khách hàng với tổng dư nợ có liên quan tính đến cuối tháng 9/2024 là 2.115 tỷ đồng.
Đơn cử, một số hồ sơ vay vốn chưa thẩm định đầy đủ, chặt chẽ tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch vay vốn của khách hàng; chi nhánh thẩm định tình hình kinh doanh ghi nhận theo doanh thu kinh doanh chủ yếu qua các báo cáo thông tin do khách hàng kê khai chưa đầy đủ cơ sở, thiếu độ tin cậy.
Về kiểm tra giám sát vốn vay, một số khoản vay thực hiện kiểm tra giám sát sau cho vay ghi nhận thực trạng tài chính của doanh nghiệp nhưng không đánh giá định hướng hay kế hoạch kinh doanh để làm căn cứ bổ sung vốn kinh doanh, báo cáo tài chính thể hiện khách hàng mất cân đối tài chính, tuy nhiên chi nhánh không đánh giá, phân tích nguyên nhân chủ yếu của tình trạng mất cân đối để kiểm soát rủi ro.
Biên bản kiểm tra thực hiện định kỳ nhưng không thể hiện đầy đủ thông tin số liệu đánh giá cụ thể doanh số bán hàng phải chuyển về tài khoản tại chi nhánh theo điều kiện phê duyệt; các biên bản làm việc không ghi nhận đầy đủ thông tin về tình hình, tiến độ các điều kiện mà khách hàng phải thực hiện trong hợp đồng.
Tại thời điểm kiểm tra không đầy đủ biên bản kiểm tra định kỳ thể hiện đã đánh giá tình hình/năng lực của khách hàng, tình trạng/giá trị tài sản đảm bảo, thông tin CIC, khả năng trả nợ.
Hạch toán lãi dự thu ngoại bảng chưa phù hợp theo quy định đối với một khoản vay.
Nhiều khoản vay không có tài sản bảo đảm
Về cảnh báo rủi ro, tài sản bảo đảm cho khoản vay năm 2021 là hệ thống thiết bị, đường dây, trạm biến áp, máy móc thiết bị, quyền khai thác tài sản thuộc công trình tài trợ vốn là các tài sản đặc thù, chuyên dụng nên tính thanh khoản thấp. Nhiều khoản vay khác không có tài sản bảo đảm.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chi nhánh cần tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá lại tình hình hoạt động kinh doanh; dòng tiền hoạt động để trả nợ... nhằm sớm nhận diện được các rủi ro, tồn tại và có ứng xử tín dụng phù hợp để đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động của Shinhan Bank.
Đối với các khoản giải ngân với mục đích tạm ứng theo hợp đồng thi công/cung ứng vật tư chứng từ giải ngân là giấy đề nghị tạm ứng và các bảo lãnh theo yêu cầu của hợp đồng thi công/giao thầu cần thu thập thêm các hóa đơn, chứng từ thể hiện khối lượng đã thi công/vật tư đã cung cấp... nhằm đảm bảo tiền vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn và phù hợp theo quy định của pháp luật.
Chưa phản ánh được toàn bộ thực trạng chất lượng tín dụng các khoản vay
Về công tác phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, Ngân hàng Nhà nước cho biết kết quả phân loại nợ tại một số thời điểm, Shinhan Bank Biên Hoà chưa phản ánh được toàn bộ thực trạng chất lượng tín dụng các khoản vay theo đề xuất/phê duyệt cho vay xuất phát từ Shinhan Bank Biên Hòa do một số khoản vay có vấn đề, phát sinh nợ xấu được điều chuyển dư nợ về Phòng Thu hồi nợ tín dụng Hội sở theo phân cấp quản lý để theo dõi, quản lý, thu hồi nợ và hạch toán trong báo cáo tài chính của Hội sở theo quy định nội bộ.
Đối với thanh tra về xử lý nợ có vấn đề và thu hồi nợ ngoại bảng sau xử lý rủi ro, qua kiểm tra chọn mẫu các hồ sơ tín dụng, về cơ bản công tác xử lý nợ có vấn đề được Shinhan Bank Biên Hòa quan tâm thực hiện theo các quy định nội bộ về quản lý/xử lý nợ có vấn đề của Shinhan Bank. Các khoản nợ quá hạn trên 90 ngày đa số được điều chuyển về CCD để thu hồi nợ.
Tuy nhiên, Shinhan Bank Biên Hòa vẫn còn tồn tại trường hợp chưa thực hiện đầy đủ, chặt chẽ quy định về quản lý khoản cấp tín dụng có vấn đề theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 35 Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể: Các biên bản làm việc (v/v cam kết đóng tiền) không ghi nhận thời gian làm việc cụ thể, thông tin người đại diện ngân hàng làm việc với khách hàng, chưa xác định thời điểm phát sinh nợ quá hạn, số ngày quá hạn, lãi suất áp dụng khi chuyển nợ quá hạn...
Việc chậm trả nợ diễn ra ở các kỳ trả nợ gần nhau, nhưng ngân hàng không đánh giá nguyên nhân thực tế phát sinh nợ quá hạn, khả năng trả nợ của khách hàng, khả năng thu hồi nợ từ các biện pháp bảo đảm và đề xuất, yêu cầu khác hàng thực hiện các biện pháp/giải pháp phù hợp để hạn chế vấn đề chậm trả nợ thường xuyên đối với một khoản vay.
Liên quan đến những nội dung trên, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị, Shinhan Bank Biên Hòa thực hiện tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh; dòng tiền hoạt động để trả nợ, thu thập các hóa đơn, chứng từ thể hiện khối lượng đã thi công/vật tư đã cung cấp... nhằm sớm nhận diện được các rủi ro, tồn tại và có ứng xử tín dụng phù hợp.