
Theo tờ trình xin ý kiến cổ đông của Hội đồng quản trị Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), ngân hàng này dự kiến thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm nhân thọ Kỹ thương (TCLife), với vốn điều lệ tối thiểu 1.300 tỷ đồng. Techcombank cho biết sẽ sở hữu ít nhất 50% vốn công ty này.
Động thái này diễn ra 5 tháng sau khi Techcombank chấm dứt hợp đồng phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Manulife (tháng 10/2024), để chủ động trong mảng kinh doanh bảo hiểm.
Lý do lập công ty bảo hiểm nhân thọ riêng, theo Techcombank, là tiềm năng thị trường này rất lớn. Họ muốn chủ động cung cấp sản phẩm cho khách hàng và có thể thu lợi ích tài chính (doanh thu phí, giá trị tài sản tăng từ phần vốn góp...) khi sở hữu doanh nghiệp bảo hiểm riêng.
Tương tự, với bảo hiểm phi nhân thọ, họ cho rằng cơ hội thị trường và khả năng khai thác sản phẩm trong hệ thống khách hàng khá lớn. Do đó, Techcombank sẽ chi 285 tỷ đồng để mua lại 57% vốn của Công ty cổ phần Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGIns) từ cổ đông lớn nhất là Công ty Đầu tư và phát triển NewCo. Nhờ đó, sở hữu của nhà băng này tại đây tăng từ 11% lên 68%, qua đó trở thành công ty mẹ.
TCGIns hiện có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, mới thành lập tháng 10/2024. Doanh nghiệp này cung cấp các sản phẩm như bảo hiểm tài sản; bảo hiểm các lĩnh vực hàng hóa vận chuyển, hàng không, xe cơ giới và các loại nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe...
Trước đó, từ 2013, Techcombank và Manulife hợp tác chiến lược trong mảng bảo hiểm. Đây là một trong những thương vụ bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (bancassurance) đình đám, mang lại khoản phí trả trước và hoa hồng lớn hàng năm cho ngân hàng.
Cáo điểm trong hai năm 2021 và 2022, thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank lần lượt đạt 1.558 tỷ và 1.750 tỷ đồng. Sau khủng hoảng bảo hiểm, nguồn thu này giảm mạnh, về còn 667 tỷ đồng năm 2023 và 606 tỷ vào năm ngoái.
Sau khi chấm dứt quan hệ đối tác độc quyền, Techcombank đã trả 1.800 tỷ đồng cho Manulife. Tuy nhiên, nhà băng này cho rằng đây là cơ hội để làm mới mảng kinh doanh bảo hiểm với chiến lược "khác biệt khó sao chép".
Theo lãnh đạo Techcombank, hiện có khoảng 70-80% khách hàng muốn sử dụng dịch vụ bảo hiểm. Do đó, vấn đề là tạo ra giải pháp tốt nhất về sản phẩm, dịch vụ và đúng cách.
Bộ Tài chính nhìn nhận 2025 tiếp tục là một năm khó khăn với nền kinh tế và thị trường bảo hiểm, tuy nhiên, thị trường bảo hiểm có thể tạo "cú hích" về quy mô và chất lượng nhờ các yếu tố nền tảng vĩ mô, định hướng chiến lược và khung khổ pháp lý mới.
Thực tế, doanh thu giảm do kinh tế khó khăn và những bất cập trong tư vấn bán hàng suốt 2 năm qua. Trong đó, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng làm phát sinh tranh chấp gần đây đã làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm của người dân.
Phân khúc bị ảnh hưởng mạnh nhất là bảo hiểm nhân thọ - vốn là động lực chính của thị trường. Tốc độ tăng của phân khúc này thường gấp 2-3 lần so với bảo hiểm phi nhân thọ. Đà tăng đạt trung bình hơn 30% trong giai đoạn các ngân hàng đẩy mạnh bán chéo bảo hiểm (Bancassurance). Bancas cũng trở thành một trong những kênh phân phối quan trọng, chiếm gần 50% doanh thu khai thác mới, thậm chí còn vượt qua kênh đại lý.
Hai năm qua, ngành bảo hiểm nhân thọ đối diện với nhiều thay đổi. Luật Kinh doanh bảo hiểm (hiệu lực từ đầu 2023) và Thông tư 67 đưa ra chính sách chặt chẽ hơn, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đồng thời, tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn. Các kỳ thi với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, khiến tỷ lệ đỗ xuống thấp.
Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, các nhà băng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có thể bị phạt tiền từ 400-500 triệu đồng.
Lãnh đạo ngành bảo hiểm nhân thọ thừa nhận thị trường đã phát triển nhanh và cần thanh lọc để đi đúng hướng. Xu hướng phát triển chung là tư vấn viên phải giỏi, chuyên nghiệp mới trụ được với nghề, chứ không còn xảy ra tình trạng "vào, ra liên tục" như trước.
Hiện, thị trường bảo hiểm có 85 doanh nghiệp kinh doanh. Trong đó, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, gồm 2 công ty trong nước (Bảo Việt, Bảo Minh), còn lại là đơn vị nước ngoài, liên doanh. Hai năm qua, 10 đơn vị bảo hiểm nhân thọ có gần 97% doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance đã bị thanh tra, và hiện 5 kết luận được cơ quan quản lý hoàn thành.