Sacombank báo lãi 1.428 tỷ đồng sau 6 tháng
Năm 2020, Sacombank đặt ra mục tiêu lợi nhuận ở mức 2.573 tỷ đồng, đây là con số khá khiêm tốn (giảm khoảng 20%) so với năm 2019, do tác động của đại dịch Covid-19.
Trong quý II/2020, thu nhập lãi thuần của Sacombank tăng tới 30,42% so với cùng kỳ, đạt 2.637 tỷ đồng. Thu nhập từ tín dụng thì lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng có kết quả khả quan, đạt 165 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2019.
Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 1.428 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãi từ hoạt động dịch vụ của Sacombank giảm 6% xuống còn 697 tỷ đồng trong quý này. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 50 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ hoạt động khác, trong đó chủ yếu từ xử lý nợ cũng chỉ đạt 110 tỷ đồng giảm 74% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm mạnh 13,65% xuống còn 1.973 tỷ đồng. Trong quý này, Sacombank đã trích 1.147 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng đến 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng đến thời điểm này được lãnh đạo ngân hàng cho biết, đã lên đến 4.000 - 5.000 tỷ đồng.
Do ngân hàng đang phải tái cơ cấu nợ cho khách hàng nên các khoản lãi dự thu không còn được thu mà phải thoái hoàn toàn theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo ngân hàng Sacombank cho biết, sẽ cố gắng đạt được mức lợi nhuận như năm trước.
Đến 30/06/2020, Sacombank cho biết, đã cơ cấu nợ cho trên 1.000 khách hàng với dư nợ trên 7.300 tỷ đồng. Miễn giảm lãi cho gần 700 khách hàng với dư nợ trên 5.100 tỷ đồng. Ước tính lợi nhuận cả năm sẽ giảm khoảng 1.000 -1.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tính đến cuối tháng 6/2020, tổng tài sản của Sacombank đạt 481.898 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng gần 5% đạt 310.695 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng tăng 6,33% đạt 426.236 tỷ đồng.
Nợ xấu nội bảng tại ngày 30/6 của Sacombank là 6.682 tỷ đồng, tăng gần 950 tỷ đồng so với đầu năm (tức tăng gân 17%). Trong đó, nợ nhóm 3 tăng mạnh 185% lên 851 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,15%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế đạt hơn 1.400 tỷ đồng, tương đương 55,5% kế hoạch năm. Hệ số CAR đảm bảo tuân thủ quy định Thông tư 41 ngay từ đầu năm và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kéo giảm xuống dưới 30% so với mục tiêu kiểm soát 40% của NHNN.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank ước đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, vượt 5% so với tiến độ và hoàn thành 63% kế hoạch cả năm.
Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, mục tiêu lợi nhuận năm nay giảm 20% so với năm 2019 do ảnh hưởng dịch bệnh. Việc tái cơ cấu, giãn nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch cũng tác động làm giảm khoảng 2.000 tỷ đồng lợi nhuận của Sacombank.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sacombank cho biết, sẽ phấn đấu để đạt mức lợi nhuận cả năm 2020 vượt 20% so với mục tiêu đã được ĐHĐCĐ giao phó.
Nhiều doanh nghiệp muốn bán cổ phiếu STB
Gần đây, một số tổ chức muốn bán lượng lớn cổ phiếu STB của Sacombank để thu hồi nợ xấu, nhưng không dễ tìm được người mua với mức giá kỳ vọng.
Công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt (LVS) bán bất thành 3 triệu cổ phiếu STB. Theo lý giải của LVS, việc không bán được 3 triệu cổ phiếu STB như đã đăng ký vì điều kiện thị trường chưa phù hợp.
Tháng 6/2020, LVS đăng ký bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu STB đang nắm giữ bằng phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ ngày 18/6 - 17/7/2020.
Trước đó, vào giữa tháng 2/2020, Kienlongbank tiếp tục thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là gần 176,4 triệu cổ phiếu STB trị giá hơn 3.800 tỷ đồng để thu hồi nợ.
Trong thông báo rao bán lần 2 phát đi ngày 17/2/2020, Kienlongbank đã hạ giá khởi điểm chào bán xuống còn 21.600 đồng/cổ phần, thấp hơn so với mức khởi điểm lần đầu 24.000 đồng/cổ phần đưa ra trước đó. Tuy nhiên, mức giá này vẫn đang cao hơn so với mức 11.500 đồng giá thị trường cổ phiếu Sacombank đang được giao dịch thời điểm trên.
Đây là số cổ phiếu Sacombank thuộc sở hữu của các cá nhân trong nước, được thế chấp tại Kienlongbank, nên ngân hàng này muốn rao bán để thu hồi nợ. Mọi cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài đáp ứng đủ quy định đều có thể mua cổ phiếu do Kienlongbank chào bán. Thế nhưng, thời điểm cuối tháng 2 đầu tháng 3/2020, dịch Covid-19 xảy ra đã khiến kế hoạch trên của Kienlongbank chưa thể thực hiện thành công.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Kienlongbank tiếp tục kế hoạch bán 176,4 triệu cổ phiếu STB và không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm muốn mua. Vấn đề còn lại là giá cả, hai bên sẽ thỏa thuận để chốt được ở mức giá nào.
Không chỉ Kienlongbank, mà Eximbank cũng cho biết, đang tập trung xử lý gần 75 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ