Chứng khoán đầu tư không chỉ giúp ổn định thu nhập mà còn dễ dàng mua và bán
Thực tế, đầu tư vào các chứng khoán đầu tư về lý thuyết là một hoạt động bình thường của ngân hàng, một kênh đầu tư vào những tài sản sinh lợi góp phần đảm bảo dự trữ thanh khoản. Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng, giá trị lớn chủ yếu là chứng khoán nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, các công cụ phái sinh có tính an toàn cao, rủi ro thấp.
Đứng đầu về tăng trưởng lãi mua bán chứng khoán đầu tư là Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB, mã: VIB) với 51 tỷ đồng, gấp 36 lần so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị chứng khoán đầu tư của VIB ở mức 44.087 tỷ đồng vào cuối quý I, tăng 58% so với đầu năm.
Xếp sau VIB, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) ghi nhận tăng trưởng lãi từ đầu tư chứng khoán 34 lần, đạt 16,7 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2019, ngân hàng này có 13.170 tỷ đồng chứng khoán đầu tư, giảm 2% so với đầu năm nhưng không được công bố chi tiết.
Các vị trí tiếp theo thuộc về Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã: ACB) tăng 19 lần đạt 348,8 tỷ đồng. ACB đang có 54.187 tỷ đồng giá trị chứng khoán đầu tư, giảm 3% so với đầu năm, với 14.246 tỷ đồng chứng khoán nợ sẵn sàng để bán và 39.940 tỷ đồng chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank, mã: VBB) tăng 13 lần, ghi nhận 159 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) cũng là 2 ngân hàng tăng trưởng tốt mảng hoạt động kinh doanh chứng khoán. Trong đó, SeABank ghi nhận tăng trưởng 251%, đạt 34,7 tỷ đồng; VPBank đạt 520,7 tỷ đồng, cao hơn 208% so với quý I/2019.
Đặc biệt, nếu xét về con số tuyệt đối, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới là nhà băng có khoản lợi nhuận từ chứng khoán đầu tư cao nhất với gần 653 tỷ đồng (gấp 3,4 lần), tiếp đến là Techcombank với 557 tỷ đồng, gấp 8,7 lần so với cùng kỳ.
Thực tế, các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ sẽ dành phần lớn nguồn vốn kinh doanh để cấp tín dụng cho khách hàng nên chỉ một tác động nhỏ từ nền kinh tế cũng có thể ảnh hưởng đến khoản thu nhập chính (cấp tín dụng) kéo theo thu nhập của ngân hàng giảm sút.
Vì vậy, ngoài hoạt động chính, ngân hàng còn đầu tư vào những khoản mục sinh lời khác và chứng khoán đầu tư là một trong những lựa chọn trước tiên. Bởi chứng khoán đầu tư không chỉ giúp ổn định thu nhập, mà các ngân hàng còn có thể mua và giữ lại để cân bằng rủi ro. Thêm nữa, chứng khoán đầu tư còn dễ dàng mua và bán, nên có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản kịp thời hoặc dùng cầm cố để vay vốn bổ sung
Những khoản lãi lớn của ngân hàng đến từ đâu?
Theo qui định ngân hàng, chứng khoán đầu tư là các loại giấy tờ có giá có rủi ro thấp và thanh khoản cao. Chứng khoán đầu tư được các ngân hàng nắm giữ với mục đích đầu tư, không thuộc loại chứng khoán mua vào bán ra thường xuyên nhưng sẵn sàng bán bất cứ lúc nào xét thấy có lợi.
Chứng khoán đầu tư bao gồm hai loại chính: chứng khoán nợ như trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi… và chứng khoán vốn (cổ phiếu). Trong đó, trái phiếu (đặc biệt là trái phiếu chính phủ) thường chiếm tỉ trọng lớn nhất trong bộ phận này.
Khi nắm giữ chứng khoán đầu tư, ngân hàng kì vọng nhận được hai nguồn thu nhập bao gồm các khoản lãi định kì (lãi coupon) và lãi từ chênh lệch giá mua và giá bán. Trong đó, các khoản lãi coupon nhận định kì sẽ được hạch toán trực tiếp vào thu nhập lãi thuần, còn lãi từ chênh lệch giá mua – bán sẽ được hạch toán vào lãi thuần từ chứng khoán đầu tư theo khoản mục thu nhập và chi phí mua bán chứng khoán đầu tư.
Chính vì vậy, việc các ngân hàng lãi lớn từ chứng khoán đầu tư là đến từ chênh lệch giá mua – bán của các loại giấy tờ có giá, hoàn nhập dự phòng và không liên quan đến các khoản lãi coupon nhận định kì của loại tài sản này.
Thực tế cho thấy, sau một thời gian dài lao dốc và chạm đáy vào đầu tháng 3, lợi suất trái phiếu chính phủ đã bật tăng mạnh trở lại trong trong 3 tuần cuối tháng 3. Điều này khiến các chủ thể nắm giữ trái phiếu chính phủ có xu hướng chốt lời khi giá trái phiếu có xu hướng đạt đỉnh (giá trái phiếu tương quan nghịch với lợi suất).
Đây là một trong những nguyên nhân giúp các ngân hàng lãi lớn từ chênh lệch giá của chứng khoán đầu tư.
Theo SSI Research, trong vòng hơn 7 tháng (từ tháng 7/2019 đến tháng 2/2020), lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm liên tục về vùng thấp kỉ lục và chạm đáy vào ngày 9/3/2020 là do các nhà đầu tư kì vọng vào xu hướng tìm đến tài sản trú ẩn khi thị trường biến động và khả năng nới lỏng tiền tệ mạnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tuy nhiên, "mức điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN thấp hơn kì vọng và tâm lí hoảng loạn dẫn tới bán tháo tài sản, kể cả trái phiếu của các nhà đầu tư toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lãi", các chuyên gia của SSI Research cho hay.
Số liệu trong báo cáo tài chính quí I cũng cho thấy hầu hết ngân hàng lãi lớn từ chứng khoán đầu tư đều bán ròng trái phiếu chính phủ (tại bộ phận chứng khoán đầu tư) trong 3 tháng đầu năm.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ