Tính đến tháng 10/2009, Ngân hàng HSBC đã huy động được 8,412 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu tiền đồng, bao gồm trái phiếu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Vào tháng 5/2012, Ngân hàng HSBC đóng vai trò ngân hàng đồng dựng sổ và quản lý chính cho giao dịch phát hành trái phiếu quốc tế của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) trị giá 250 triệu đô la Mỹ.
Năm 2014, HSBC đã đóng vai trò ngân hàng giữ sổ và phụ trách chào bán trái phiếu Chính phủ Việt Nam trong đợt phát hành thành công trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm bằng đô la Mỹ với tổng giá trị 1 tỷ đô la Mỹ.
Giá trị của thị trường TPDN Việt Nam tăng mạnh, chiếm từ 9,01% tổng GDP của cả nước vào năm 2018, lên 11,3% vào năm 2019, khiến Việt Nam trở thành thị trường TPDN phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Á. Dù tăng trưởng liên tục qua các năm, nhưng thị trường TPDN vẫn có quy mô nhỏ hơn so với các kênh huy động vốn khác.
Các doanh nghiệp vẫn dựa vào ngân hàng khi có nhu cầu về vốn hơn là tự phát hành trái phiếu. Quy mô tín dụng của Việt Nam đến cuối năm 2019 đã đạt 8,2 triệu tỉ đồng, tương đương với 138,4% GDP của cả nước trong khi TPDN được lưu hành chỉ đạt mức 11,3% tổng GDP.
Giá trị vốn hóa thị trường TPDN của Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực với mức trung bình khoảng 20 - 50% GDP như Hàn Quốc và Singapore. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã tăng lên nhưng chủ yếu chỉ từ các công ty bất động sản và ngân hàng thương mại.
Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM), số TPDN mà các ngân hàng đang nắm giữ tại 31/3/2020 là khoảng 398 nghìn tỷ đồng. Nếu loại trừ số này, lượng trái phiếu doanh nghiệp do các tổ chức phi tín dụng, cá nhân nắm giữ là khoảng 385 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống.
Lượng TPDN các tổ chức phi tín dụng và cá nhân nắm giữ đã tăng khoảng 153% trong năm 2019 và tăng khoảng 25% trong 6 tháng đầu năm 2020.