Khi ngân hàng nói "không"
Được biết, thời gian gần đây các ngân hàng đồng loạt công bố các gói hỗ trợ như giảm lãi, cho vay ưu đãi lãi suất 4%/năm. Trong danh sách các đối tượng ưu tiên gồm các doanh nghiệp (DN) thuộc nhóm ngành như: Dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp, vận tải, hàng tiêu dùng thiết yếu…
Tuy nhiên, những cái tên kể trên lại không gồm khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản (BĐS), vay cầm cố giấy tờ có giá… Thậm chí còn gán một "lưu ý" nhỏ để doanh nghiệp và khách hàng biết thông tin này.
Ngay lập tức động thái trên khiến các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản vô cùng bức xúc. Một doanh nghiệp chia sẻ với báo Thanh Niên như sau: Đây là sự phân biệt đối xử đối với khách hàng cho vay, doanh nghiệp BĐS hiện còn phải trả lãi cao hơn nhiều nhóm ngành khác. Thực tế, các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng đã đồng hành và gắn bó chặt chẽ với nhau trong suốt một hành trình dài. Doanh nghiệp bất động sản đóng góp không nhỏ vào hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Vậy mà khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì lại bị loại trừ ra khỏi các chương trình hỗ trợ.
Dịch bệnh kéo dài lần này ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp BĐS gây ra giảm sút nghiêm trọng về doanh thu và dòng tiền của các doanh nghiệp, về dài hạn nhiều doanh nghiệp cho biết họ có thể sẽ không đủ khả năng thanh toán các khoản vay nếu tình hình chưa biến chuyển.
Trên thực tế, tương tự với nhóm ngành khác, thị trường bất động sản đang trải qua những khó khăn chưa từng có bởi đại dịch COVID-19. Nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến DN phải đóng cửa, chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc tạm dừng hoạt động. Từ quý 2/2021 đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng bán hàng khó khăn, không có doanh thu, dòng tiền sụt giảm mạnh, trong khi vẫn phải duy trì hoạt động bộ máy. Cắt giảm nhân sự, và giảm lương người lao động là thực trạng chung của ngành. Theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2021, có tới 842 doanh nghiệp BĐS tạm dừng hoạt động, 345 doanh nghiệp BĐS hoàn tất thủ tục giải thể. Nếu không có sự hỗ trợ từ giãn, giảm nợ hoặc lãi vay thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
Đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM đã từng chia sẻ về vấn đề này: "Thiếu dòng tiền đang là khó khăn trực tiếp và đáng quan ngại nhất hiện nay, doanh nghiệp bị ngộp thở do không còn tiền trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy, hỗ trợ, giữ chân người lao động. Dự án không thể triển khai đúng tiến độ, công trình xây dựng phải dừng, không có sản phẩm bán, giao dịch theo đó giảm mạnh, doanh số bán hàng rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây".
Sau hơn một năm chống chọi, xoay sở nhiều doanh nghiệp đã dần kiệt sức, nguồn lực bị hao mòn và đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Các doanh nghiệp BĐS có được đối xử công bằng?
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch HĐQT Lộc Sơn Hà Land cho biết: “Theo tôi việc nhìn nhận doanh nghiệp bất động sản không nằm trong nhóm được hỗ trợ lãi suất lần này là một sự bất công cho các doanh nghiệp bất động sản...".
Đã là doanh nghiệp thì sẽ có lúc thịnh, lúc suy, khi đạt đỉnh cao thì việc đóng thuế, tạo công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên đã đóng góp chung cho quá trình phát triển đất nước. Khi dịch bệnh tới tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng như nhau và các doanh nghiệp bất động sản cũng đóng góp hàng trăm ngàn việc làm. Do đó, chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp có được 'nguồn máu' để sống và phục hồi sau dịch.
Theo ông Hà, nhà nước nên cân nhắc ban hành chính sách phù hợp để doanh nghiệp bất động sản vẫn tồn tại và hồi phục sau dịch. Đồng thời vẫn kiểm soát được thị trường để nó phát triển một cách lành mạnh, vì BĐS vẫn là một lĩnh vực có đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu thì các tổ chức tín dụng có thể "chọn mặt gửi vàng", tìm ra những công ty xứng đáng, vẫn có "đầu ra đầu vào", còn kinh doanh được để hỗ trợ. Theo ông, Thông tư 03 của NHNN liên quan đến hoãn nợ, giảm lãi vay, gia hạn thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ là những biện pháp rất cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp trong đó có DN bất động sản.
Nguyên nhân vì đâu?
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam lại chia sẻ một góc nhìn khác, trước tình hình hiện tại thì việc cho vay cũng không đem lại hiệu quả bởi lượng giao dịch thấp. Người mua cũng gặp hạn chế trong việc đi lại để thực hiện thủ tục như công chứng, ký giấy, xem đất…
Giá nguyên liệu đang trên đà tăng cao và tạm dừng các công trình xây dựng cũng gây khó khăn trong việc hoàn thiện công trình. Thị trường lúc này, cung và cầu đều giảm.
Một số chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, thị trường bất động sản ở Việt Nam là thị trường đặc thù, bất động sản luôn được lựa chọn là điểm đến cuối cùng của dòng tiền đầu tư. Nếu ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất thì rất có khả năng xuất hiện bong bóng bất động sản.
Các cơ quan chức năng và dư luận xã hội cũng nhận ra thực trạng rất bất thường đang xảy ra ở thị trường chứng khoán và bất động sản, khi dòng tiền liên tục chảy vào 2 thị trường này. Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, dù hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ nhưng cổ phiếu lại không ngừng tăng giá.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã từng phải ban hành công văn số 3029/NHNN chỉ đạo đến các ngân hàng thương mại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng đổ vào bất động sản bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của DN do lo ngại bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực.