Hà Nội, Chủ nhật Ngày 28/04/2024

Mộc Châu Milk: Vì đâu lãi ròng quý II vẫn tăng bất chấp khó khăn mùa dịch?

Mai Hương(T/H) 15:25 28/07/2020

CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với doanh thu thuần tăng 2% đạt 734 tỷ đồng.

Mộc Châu Milk: Lãi ròng quý II tăng 46%

Tính riêng trong quý II/2020, Mộc Châu Milk ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ 2%, lên 734 tỷ đồng và lãi ròng đạt 59 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Trong kỳ, chi phí bán hàng (tăng 78%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng 2%) cũng đồng loạt tăng.

Chi phí bán hàng tăng mạnh 89% trong 6 tháng đầu năm, ghi nhận 282 tỷ đồng. Trong đó, chi phí hỗ trợ, quảng cáo chiếm đến 81% tổng chi phí bán hàng, ghi nhận gần 228 tỷ đồng (gấp đôi cũng kỳ).

Giá vốn giảm giúp công ty có lợi nhuận gộp tăng đến 76% đạt 218 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 29,6%, nhưng vẫn thấp hơn so với mức bình quân 47% của Vinamilk.

Tại thời điểm cuối quý II/2020, các khoản phải thu ngắn hạn của Mộc Châu Milk tăng 80% so với con số đầu năm, ghi nhận hơn 128 tỷ đồng. Trong đó, Mộc Châu Milk phải thu CTCP Tetrapak Việt Nam hơn 91 tỷ đồng (gấp 6.3 lần so với đầu năm) và CTCP Vinmart 5 tỷ đồng.

Ngược lại, hàng tồn kho lại giảm 28% so với đầu năm, ghi nhận gần 187 tỷ đồng với gần 91 tỷ đồng nguyên liệu, vật liệu và 90 tỷ đồng thành phẩm. Nợ phải trả của Mộc Châu Milk cũng ghi nhận giảm 21%, xuống còn 271 tỷ đồng (nợ ngắn hạn chiếm 99%). Trong đó, phải trả hộ chăn nuôi tiền mua sữa gần 36 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Mộc Châu Milk ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ 8%, đạt 1,367 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu sản phẩm sữa chiếm 86% (1,198 tỷ đồng) và doanh thu bán thức ăn chăn nuôi chiếm 11% (151 tỷ đồng).

Kết thúc nửa đầu năm 2020, lãi ròng của Mộc Châu Milk ghi nhận tăng 41% so với cùng kỳ, lên mức 106 tỷ đồng.

Tăng trưởng do đâu?

Theo giải trình của Mộc Châu Milk, do Công ty áp dụng các biện pháp tái cơ cấu hệ thống bán hàng, đánh giá và thay đổi các chính sách với nhà phân phối, giá bán sản phẩm cũng như tối ưu hóa các chi phí bán hàng, quản lý đem lại những kết quả tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ban lãnh đạo Mộc Châu Milk cho biết sự tăng trưởng trên chủ yếu do công ty đã áp dụng các biện pháp tái cơ cấu hệ thống bán hàng, đánh giá và thay đổi các chính sách với nhà phân phối, giá bán sản phẩm cũng như tối ưu hóa các chi phí bán hàng, quản lý.

Đầu tháng 7 vừa qua, Mộc Châu Milk đã trình ĐHCĐ phương án phát hành cổ phần trong năm 2020 để tăng vốn điều lệ. Tổng số cổ phần mà Mộc Châu Milk dự kiến phát hành là 43,2 triệu cổ phần.

Trong đó, công ty này chào bán 3,34 triệu cổ phần phổ thông cho các cổ đông hiện hữu, 39,192 triệu cổ phần chào bán cho các nhà đầu tư chiến lược. 668.000 cổ phần còn lại sẽ phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Được biết, 2 nhà đầu tư chiến lược được Mộc Châu Milk chọn chào bán là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty Cổ phần GTNFoods.

Tại thời điểm ngày 30/06/2020, về cơ cấu tài sản, tổng tài sản của Mộc Châu Milk tại ngày 30/6/2020 ghi nhận tăng nhẹ 2,4% so với đầu năm, đạt 1.098 tỷ đồng. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 80% với giá trị là 887 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tính đến 30/6/2020 đã tăng 80% so với đầu năm, đạt hơn 128 tỷ đồng.

Mộc Châu Milk, tiền thân là Nông trường quân đội Mộc Châu, được thành lập từ năm 1958, là đơn vị đầu tiên chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Việt Nam. Tính tới đầu năm 2020, Mộc Châu Milk cho biết công ty đã sở hữu đàn bò hơn 25.000 con, được nuôi trong các trang trại của công ty và liên kết với gần 600 hộ nông dân liên kết.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/moc-chau-milk-vi-dau-lai-rong-quy-ii-van-tang-bat-chap-kho-khan-mua-dich-d79758.html

Bạn đang đọc bài viết Mộc Châu Milk: Vì đâu lãi ròng quý II vẫn tăng bất chấp khó khăn mùa dịch? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng