Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Lợi nhuận BIDV giảm mạnh, nợ xấu là nguyên nhân?

DTVN 20:20 07/01/2021

Kết quả lợi nhuận năm 2020 của BIDV vượt kế hoạch tài chính NHNN giao, tuy nhiên vẫn giảm mạnh so với năm 2019.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Lợi nhuận giảm theo xu hướng chung các ngân hàng?

Tại Hội nghị trực tuyến Triển khai nhiệm vụ và kế hoạch kinh doanh năm 2021, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đã công bố kết quả quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2020.

Cụ thể, trong năm vừa qua, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đạt 9.017 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 8.515 tỷ đồng, giảm 17,3%.

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2019. So với năm 2016, con số này đã tăng gấp 1,5 lần, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 đến 2020 đạt 10,4%/năm.

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm ngoái. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1,19 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% và chiếm bình quân 13,5% thị phần tín dụng toàn ngành trong giai đoạn 2016 đến 2020.

Huy động vốn tính đến cuối năm đạt hơn 1,27 triệu tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2016, tăng trưởng bình quân 12,5%/năm giai đoạn 2016 đến 2020 và chiếm bình quân gần 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.

Trong năm vừa qua, BIDV đã nộp ngân sách nhà nước gần 6.200 tỷ đồng. Lũy kế 5 năm từ 2016 đến 2020, ngân hàng đã nộp tổng cộng 27.900 tỷ đồng.

Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tổng tài sản cuối kỳ tăng trưởng khoảng 9%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12%, huy động vốn tăng khoảng 12-14,8%, tỷ lệ nợ xấu đảm bảo dưới 1,6%.

Danh sách nợ xấu dày đặc...

Nhằm thu hồi và xử lý nợ xấu từ khách hàng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gần đây liên tục rao bán tài sản đảm bảo của những khoản nợ cả trăm đến nghìn tỷ đồng. Thậm chí có những khoản nợ BIDV đã rao bán nhiều lần, “đại hạ giá” tài sản đảm bảo nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.

Theo đó, BIDV có nhiều khoản nợ "đặc biệt" và tài sản đảm bảo có giá trị lớn từ vài trăm đến hơn nghìn tỷ đồng được rao bán hoặc đang trong quá trình chọn đơn vị tổ chức đấu giá. Trong số đó, có nhiều tài sản, khoản nợ đã được nhà băng này rao bán nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có người mua.

Cụ thể, trong thông báo bán đấu giá lần thứ 9 khoản nợ của Công ty vận tải Biển Đông (Bisco) vào đầu tháng 11/2020, BIDV Long Biên Hà Nội đã đại hạ giá tài sản đảm bảo của khoản nợ này từ gần 174 tỷ đồng ở lần rao bán ban đầu xuống chỉ còn gần 102 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm của khoản nợ là tàu Biển Đông Victory trọng tải 47.084 DWT, trụ sở Công ty tại Hải Phòng, TPHCM và Chứng thư bảo lãnh số 136/CNT-TCKT.

Trước đó, BIDV cho biết, dư nợ của công ty đến ngày 30/6/2020 tại ngân hàng là hơn 17 triệu USD (tương đương với gần 400 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay 23.300 đồng/USD). Trong đó, dư nợ gốc gần 10,3 triệu USD, là dư nợ tham gia đồng tài trợ cho vay đầu tư mua tàu dầu Gammur trọng tải hơn 47 nghìn tấn (nay là tàu Biển Đông Victory) do Agribank Nam Hà Nội làm đầu mối. Dư nợ lãi là hơn 7 triệu USD (trong đó dư nợ lãi trong hạn 5,86 triệu USD, nợ lãi quá hạn 1,14 triệu đồng).

Cũng vào đầu tháng 11/2020, BIDV tiếp tục tổ chức bán đấu giá lần thứ 18 toàn bộ khoản nợ của 1 khách hàng doanh nghiệp là Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với giá khởi điểm 800 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỉ đồng so với nợ gốc và lãi.

Tại thời điểm ngày 7/4/2020, tổng dư nợ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn tại BIDV là 462 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 230 tỷ và nợ lãi 232 tỷ đồng. Còn khoản nợ của 95 khách hàng cá nhân lên tới 2.273 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc 978 tỷ đồng và lãi là 1.295 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ gốc và lãi của 2 khoản này lên tới hơn 2.700 tỷ đồng.

Cùng với việc “đại hạ giá” tài sản đảm bảo của hai khoản nợ khủng trên, BIDV cũng đang rao bán tài sản đảm bảo và chọn đơn vị tổ chức đấu giá những khoản nợ cả trăm tỷ đồng khác.

Theo đó BIDV đang rao bán đấu giá tài sản tại Sa Đéc Đồng Tháp 3 là 24 bất động sản và toàn bộ máy móc thiết bị dây chuyền xây xát, lau bóng gạo tại số 106 Tỉnh lộ 852, ấp Tân Lập, xã Tân Quy Tây, thị xã (nay là thành phố) Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với giá khởi điểm 228,8 tỷ đồng.

BIDV cũng bán đấu giá tài sản tại Cao Lãnh Đồng Tháp 9 là quyền sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất và dây chuyền sản xuất lúa gạo thành phẩm thuộc thửa đất số 207, tờ bản đồ số 10, tại địa chỉ xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với giá khởi điểm 92,6 tỷ đồng.

BIDV Cà Mau đang lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty CP chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Hải. Tài sản đảm bảo là 14.890.000 cổ phiếu chưa niêm yết của Công ty CP Thủy Sản Kiên Giang (Kisimex). Giá khởi điểm toàn bộ nợ gốc và lãi và phí tại thời điểm ngày 31/8 là 136,1 tỷ đồng.

Theo Kinh tế Chứng khoán

Link gốc : https://kinhtechungkhoan.vn/loi-nhuan-bidv-giam-manh-no-xau-la-nguyen-nhan-85694.html

Bạn đang đọc bài viết Lợi nhuận BIDV giảm mạnh, nợ xấu là nguyên nhân? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng