Trên thị trường, lãi suất huy động cao nhất đang được công bố là 8,4%/năm tại Eximbank với các khoản tiền gửi có giá trị trên 500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng hoặc 24 tháng và 7,2% với kỳ hạn 12 tháng. Những khoản tiền gửi giá trị dưới 500 tỷ đồng sẽ có lãi suất chỉ 6,3%.
Sau Eximbank, LienVietPostBank có lãi suất cho khoản tiền gửi từ kỳ hạn 13 tháng với giá trị trên 300 tỷ đồng là 7,9%/năm. ACB cũng thông báo lãi suất với kỳ hạn 13 tháng cho khoản tiền gửi trên 30 tỷ đồng là 7,4%, trong khi dưới 30 tỷ là 6,6%/năm.
Tại Techcombank, các khoản tiền gửi trả lãi cuối kỳ trên 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng được hưởng lãi suất 7,1%. Trong khi đó, MB công bố lãi suất 6,8%/năm với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 6,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng với giá trị 200-300 tỷ đồng.
So với tháng trước, những ngân hàng công bố “treo” lãi suất cao cho các khoản tiền gửi có điều kiện thiếu đi Viet Capital Bank, SHB và ABBank. Viet Capital Bank từng có lãi suất tiền gửi giá trị trên 500 tỷ đồng là 8,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, SHB từng huy động lãi suất cao nhất thị trường ở 8,95%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với khoản gửi trên 500 tỷ đồng, theo sau là ABBank với 8,3%/năm.
Lãi suất với điều kiện đặc biệt (yêu cầu giá trị tiền gửi, kỳ hạn 13 tháng) thường được các ngân hàng sử dụng là tham chiếu cho lãi suất cho vay. Con số này thường cao hơn 1-2,5% so với lãi suất cùng kỳ hạn với tiền gửi thông thường (thấp hơn mức yêu cầu đặc biệt của ngân hàng).
Các khoản tiền gửi thông thường không có điều kiện đặc biệt, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng phổ biến là 5,8-6,8%/năm, không nhiều biến động so với giữa tháng. Cá biệt tại Techcombank, lãi suất tiền gửi cuối kỳ cao nhất cho khách hàng ưu tiên chỉ còn 5%, thấp nhất trong số các ngân hàng tư nhân Việt Nam (sau các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước 4-4,2%).
Trong tháng 11, lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng đi ngang ở mức thấp. Đơn cử, tại Techcombank, lãi suất tiền gửi 6-9 tháng dao động 4,1-4,5%, tùy đối tượng khách hàng, lãi suất tiền gửi 12 - 24 tháng dao động 4,6-5%. Tại ACB, lãi suất tiền gửi 1-3 tháng là 3,3-3,6%, trong khi kỳ hạn 6-9 tháng ở mức 5,2-5,3% và 12 tháng cao nhất là 6%.
Với các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, lãi suất cho kỳ hạn 1-3 tháng là 3,4-3,6%, trong khi 6-9 tháng là 4-4,2%. Với kỳ hạn 1 năm, BIDV, VietinBank, Agribank có lãi suất 4,2%, trong khi Vietcombank chỉ 4%, thấp nhất trên thị trường.
Thanh khoản dồi dào
Mặt bằng chung, lãi suất tiền gửi giữ ở mức 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng. Thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn dồi dào dù đã bước vào mùa cao điểm cuối năm và SSI Research dự báo lãi suất sẽ tiếp tục đi ngang.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, riêng tháng 9, lượng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng đã tăng trên 155.500 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của dân cư chỉ tăng trên 14.600 tỷ đồng, còn tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng trên 140.900 tỷ đồng.
Diễn biến này tương tự với tháng trước đó. Trong tháng 8, lượng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng đã tăng trên 108.000 tỷ đồng. Tiền gửi của dân cư chỉ tăng gần 13.000 tỷ đồng, còn tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng trên 95.100 tỷ đồng. Sau hai tháng, các tổ chức kinh tế đã gửi ròng tới hơn 236.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, tương đương khoảng 10 tỷ USD.
Lũy kế 9 tháng năm 2020, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng tăng 5,77% lên 5,1 triệu tỷ đồng, trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 10,39% lên trên 4,37 triệu tỷ đồng.
Sau 3 quý, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6,08% so với đầu năm, trong khi mức tăng tiền gửi khách hàng cao hơn đáng kể với 7,85%. Xét về số tuyệt đối, tổng lượng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng là trên 9,48 triệu tỷ đồng, so với mức dư nợ tín dụng gần 8,69 triệu tỷ đồng. Như vậy, tiền gửi khách hàng lớn hơn dư nợ tín dụng xét cả về số tương đối lẫn số tuyệt đối.
Đến 17/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8.8 triệu tỷ đồng, tăng 7,26% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,28%), trong đó tín dụng bằng VND tăng 7,76%, tín dụng ngoại tệ giảm 0,69%.